Bạo loạn vì đất đai ở miền nam Trung Quốc

Bạo loạn vì đất đai ở miền nam Trung Quốc
TP - Mấy ngày qua, hàng chục nghìn người dân ở tỉnh Quảng Đông tấn công trụ sở một số cơ quan nhà nước, phản đối việc chính quyền địa phương thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp.

Vụ bạo loạn diễn ra thị xã Lục Phong có dân số 1,7 triệu người. Các nhân chứng nói, vụ việc diễn ra sau khi đất đai của họ bị thu hồi và bán cho công ty bất động sản Country Garden với giá 1 tỷ nhân dân tệ (hơn 3.200 tỷ VND). Đám đông dân chúng dùng gậy gộc, gạch đá… tấn công trụ sở của tổ chức đảng địa phương và một đồn cảnh sát.

Nhiều con đường bị phong tỏa. Một doanh nhân ở Lục Phong nói, vài nghìn người dân tham gia biểu tình bên ngoài trụ sở các cơ quan nhà nước kể từ thứ Tư. Họ đòi chính quyền trả lại đất. Chính quyền thành phố Sơn Vĩ (Lục Phong trực thuộc Sơn Vĩ) nói rằng, hơn một tá cảnh sát bị thương hôm thứ 5 và 6 xe cảnh sát bị hư hại trong vụ bạo loạn.

Chính quyền Sơn Vĩ buộc tội người biểu tình có “động cơ đen tối” và “kích động” người khác tấn công đồn cảnh sát bằng cách lan truyền tin đồn rằng cảnh sát đánh chết một em bé. Bốn người đã bị bắt vì tham gia tổ chức cuộc biểu tình, theo báo chí Sơn Vĩ.

Hồi đầu năm, tại một nhà máy ở Quảng Đông, hàng nghìn công nhân nhập cư làm loạn sau khi có tin một nữ đồng nghiệp bị ngược đãi. Họ đốt trụ sở một số cơ quan nhà nước, phá hủy xe cảnh sát và diễu hành trên đường phố.

Biểu tình và bạo loạn quy mô lớn ở Trung Quốc gần đây xuất hiện nhiều, một phần do kinh tế chuyển đổi quá nhanh, theo ông Zhou Ruijin, nguyên Phó tổng biên tập tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), nhận định. Theo ông Zhou, số vụ tăng từ 8.708 năm 1993 lên khoảng 90.000 năm 2006 và chắc chắn vượt 90.000 mấy năm tiếp theo. “Những xung đột như vậy tập trung ở lĩnh vực thu hồi đất ở nông thôn, phá dỡ nhà ở đô thị, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường”, ông Zhou nhận định.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Wang Yang kêu gọi xây dựng mô hình phát triển Quảng Đông cân bằng hơn, nhấn mạnh sự hài hòa xã hội. Báo chí Quảng Đông nói rằng, giai đoạn 2009-2010, dân làng Wukan nhiều lần nộp đơn thỉnh cầu, khiếu nại về các tranh chấp đất đai.

Minh Long
(theo Reuters, South China Morning Post, Southern Daily)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG