Bạo lực leo thang, Armenia-Azerbaijan từ chối đàm phán hòa bình

Armenia tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí có bán kính hủy diệt lớn.
Armenia tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí có bán kính hủy diệt lớn.
TPO - Lãnh đạo Armenia và Azerbaijan liên tục cáo buộc đối phương gây hấn, từ chối tổ chức đối thoại theo lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Armenia-Azerbaijan từ chối đàm phán hòa bình

Các cuộc đụng độ vũ trang bắt đầu căng thẳng từ ngày 27/9 tại Nagorno-Karabakh khiến cho hàng chục người thiệt mạng và bị thương trong ba ngày giao tranh ác liệt. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Armenia, Azerbaijan đã phủ nhận đề xuất đàm phán hòa bình, cáo buộc lẫn nhau cản trở các cuộc đàm phán về lãnh thổ.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, nói với kênh truyền hình nhà nước Nga Rossia 1 rằng Baku cam kết đàm phán một giải pháp nhưng cáo buộc Armenia cản trở quá trình này. “Thủ tướng Armenia tuyên bố công khai rằng Karabakh là một phần của Armenia. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói về quá trình đàm phán nào? ” Aliyev nói.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết phản ứng của Baku đối với hành động mà ông gọi là hành động gây hấn của Yerevan là phù hợp, đồng thời mô tả tình hình ở khu vực Nagorno-Karabakh là căng thẳng.
Theo tổng thống, Azerbaijan cho đến nay đã mất 11 dân thường trong cuộc giao tranh, trong đó có hai trẻ em, ngoài ra còn có nhiều quân nhân thương vong. Aliyev nói: “Chúng tôi buộc phải đưa ra phản ứng tương xứng với kẻ xâm lược và do đó bảo vệ quốc gia, dân tộc và đất đai của chúng tôi”.
 Đoạn video được cho là mô tả cảnh một máy bay trực thăng của Không quân Azerbaijan bị phá hủy: 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan, cũng nói trên đài truyền hình: "Rất khó để nói về các cuộc đàm phán ... khi các hoạt động quân sự cụ thể đang được tiến hành."

Để đạt được thỏa hiệp thì trước tiên, Azerbaijan phải “chấm dứt ngay lập tức hành động gây hấn đối với Nagorno-Karabakh và Armenia”, Pashinyan nói. “Tất cả chúng tôi đều coi đây là một mối đe dọa hiện hữu đối với quốc gia, về cơ bản chúng tôi coi nó như một cuộc chiến đã được tuyên bố với người dân Armenia, và người dân của chúng tôi giờ đây chỉ đơn giản là buộc phải sử dụng quyền tự vệ”.

Ngày 29/9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Hovhannisyan cho biết Lực lượng vũ trang Nagorno-Karabakh đã phá hủy 137 phương tiện chiến đấu của Azerbaijan kể từ khi tiếp tục chiến đấu trong khu vực tranh chấp. "Tổng cộng 137 xe tăng và phương tiện chiến đấu của đối phương đã bị phá hủy bởi các loại vũ khí chống tăng và pháo binh khác nhau, 72 máy bay không người lái, 7 máy bay trực thăng và một máy bay bị bắn rơi", Hovhannisyan nói.

Kể từ Chủ nhật, Bộ Quốc phòng Nagorno-Karabakh báo cáo 84 quân nhân đã thiệt mạng. Aliyev cho biết 11 dân thường đã thiệt mạng về phía mình, mặc dù ông không nêu chi tiết thương vong của quân đội nước này.

Cả hai nước đều cáo buộc nhau nổ súng vào lãnh thổ của họ bên ngoài khu vực Nagorno-Karabakh vào ngày 29/9.

Bạo lực leo thang, Armenia-Azerbaijan từ chối đàm phán hòa bình ảnh 1

Một tòa nhà chung cư ở Azerbaijan bị hư hại trong các cuộc pháo kích nhằm vào khu vực ly khai Nagorno-Karabakh. Ảnh: Getty Images

Cộng đồng quốc tế đồng loạt kêu gọi ngừng bắn

Hội đồng an ninh Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngay lập tức ngừng giao tranh ở Nagorno-Karabakh và khẩn trương nối lại các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết khi xung đột có nguy cơ leo thang ra ngoài khu vực.

Vào tối ngày 29/9, cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc đã lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực và ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký Antonio Guterres để ngừng giao tranh, hạ nhiệt căng thẳng và nối lại các cuộc đàm phán "ngay lập tức".

Bạo lực leo thang, Armenia-Azerbaijan từ chối đàm phán hòa bình ảnh 2

Hậu quả của một vụ đánh bom tại  khu vực Nagorno-Karabakh

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi Armenia rút khỏi khu vực ly khai ngay lập tức, và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ “đứng về phía Azerbaijan trên thực địa và trên bàn đàm phán”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức và trở lại bàn đàm phán trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của cả hai nước, văn phòng của bà cho biết. Bà nói với họ rằng các nước láng giềng của hai nước "nên đóng góp vào giải pháp hòa bình", phát ngôn viên của bà, Steffen Seibert cho biết.

Bạo lực leo thang, Armenia-Azerbaijan từ chối đàm phán hòa bình ảnh 3

Một chiếc xe bị thiêu hủy hoàn toàn sau các vụ giao tranh ác liệt tại  khu vực ly khai Nagorno-Karabakh

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết "cả hai bên phải ngừng bạo lực" và nỗ lực "để trở lại các cuộc đàm phán thực chất càng nhanh càng tốt".

Nga, cùng với Pháp và Mỹ đồng chủ trì nhóm Minsk, kêu gọi mọi quốc gia tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là các đối tác của chúng tôi, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, làm mọi cách để thuyết phục các bên đối lập ngừng bắn và quay trở lại giải quyết hòa bình xung đột bằng các biện pháp ngoại giao-chính trị”.

Theo Theo TheGuardian
MỚI - NÓNG