Báo tỉnh Trung Quốc: Điều tra hay không điều tra

Một phóng viên ảnh Trung Quốc bị cản trở khi tác nghiệp Ảnh: CFP
Một phóng viên ảnh Trung Quốc bị cản trở khi tác nghiệp Ảnh: CFP
TP - Bị chính quyền địa phương ngăn cản việc đăng tải tin bài về những vấn đề nhạy cảm, ban biên tập nhiều báo tỉnh Trung Quốc gửi phóng viên tới các tỉnh khác để làm phóng sự điều tra.

> Mạch nguồn chảy mãi

Một phóng viên ảnh Trung Quốc bị cản trở khi tác nghiệp Ảnh: CFP
Một phóng viên ảnh Trung Quốc bị cản trở khi tác nghiệp.       Ảnh: CFP.

Quan chức địa phương thường có quyền tác động việc đưa tin về những sự vụ diễn ra trên địa bàn, thuộc thẩm quyền của họ. Tuy nhiên, các quan chức địa phương ít quan tâm hoặc ít có điều kiện tác động việc đăng tải tin bài của báo nhà nếu vụ việc được nêu diễn ra ở tỉnh khác hoặc ngoài thẩm quyền của họ.

Người làm báo cũng như độc giả đang quan tâm một chỉ thị mới của chính quyền tỉnh Hồ Bắc. Đầu tháng 1-2012, chính quyền cấm phóng viên ở Hồ Bắc thực hiện các bài viết điều tra ở ngoài tỉnh này.

Chính quyền tỉnh Hồ Bắc yêu cầu các cơ quan báo chí địa phương “nắm vững định hướng đúng của công luận và không tiến hành giám sát liên vùng”.

Tỉnh rắn với báo chí

Dường như tỉnh Hồ Bắc đang gửi thông điệp tới các tỉnh khác rằng “phóng viên của chúng tôi không đào bới chuyện bẩn thỉu ở tỉnh của các bạn.

Đổi lại, các bạn làm ơn dừng việc đào bới những chuyện không hay ở tỉnh chúng tôi”, Zhou Pengan, nhà nghiên cứu công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển tỉnh An Huy (Trung Quốc), đồng thời là một blogger nổi tiếng, nhận định.

Tỉnh Hồ Bắc nổi tiếng với những biện pháp cứng rắn đối với phóng viên từ nhiều năm trước. Thương hiệu thù địch với báo chí của tỉnh này được cả nước biết đến khi báo Tin tức Bắc Kinh gửi nữ phóng viên Kong Pu tới đưa tin vụ cô Deng Yujiao 21 tuổi bị cáo buộc giết người ở Hồ Bắc hồi tháng 5-2009.

Khi tìm kiếm tư liệu, chứng cứ để viết bài, phóng viên Kong phát hiện ra rằng, cô Deng, người làm việc cho một cơ sở massage có đăng ký, đã bị cưỡng hiếp. Cô dùng một con dao nhỏ chống cự. Kết quả là, nữ nhân viên massage đâm chết một trong ba quan chức địa phương tấn công tình dục cô.

Dù biết đó là một câu chuyện rất nhạy cảm, nhưng phóng viên Kong không bao giờ tưởng tượng được rằng mình trở thành một phần của câu chuyện. Phóng viên Kong cùng một đồng nghiệp ở Tuần báo Nhân dân miền Nam đến thăm bà của cô Deng. Không một lời cảnh báo, năm người đàn ông xuất hiện, tấn công hai phóng viên và tịch thu sổ sách ghi chép của họ.

Một tay không thể che trời

Hai phóng viên sau đó bị ép viết một bản tường trình, trong đó có đoạn thừa nhận rằng, họ không được chính quyền địa phương cho phép tiến hành điều tra viết bài.

Tuy nhiên, quan chức địa phương không thể bưng bít câu chuyện vì sau đó phóng viên khắp cả nước viết chi tiết về vụ cáo buộc nhơ nhuốc nhằm vào cô Deng. Tòa án kết luận cô Deng phòng vệ chính đáng. Tòa bác bỏ cáo buộc giết người nên cô được trả lại tự do.

Phiên tòa gây nhiều cảm xúc đối với công chúng. Ngoài tình cảm dành cho cô Deng, nhiều người quan tâm trường hợp của phóng viên Kong. Việc nữ phóng viên bị đối xử thô bạo dấy lên lo ngại về việc quan chức địa phương lạm quyền để ngăn cản phóng viên tác nghiệp.

Đến tận bây giờ, phóng viên Kong vẫn còn ngại việc thảo luận những việc mình phải trải qua ở tỉnh Hồ Bắc, từ chối trả lời phỏng vấn báo chí. Nữ phóng viên Kong nói rằng việc bình luận thêm về vụ việc có thể khiến mình lại gặp rắc rối.

Trước sự chỉ trích kịch liệt của công luận về chính sách thù địch đối với báo chí, các quan chức Hồ Bắc dường như vẫn thản nhiên.

Chủ tịch tỉnh Hồ Bắc Li Hongzhong bị bêu trên báo chí Trung Quốc, sau khi ông mắng nhiếc một nữ phóng viên và dùng vũ lực đoạt máy ghi âm của cô, khi cô hỏi ông về vụ án nhân viên massage Deng trong buổi họp báo tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) năm 2010 tại thủ đô Bắc Kinh.

Lối hành xử của ông Li khiến các nhà báo và cộng đồng Internet giận dữ. Một số bài xã luận yêu cầu ông công khai xin lỗi. Cuối cùng, ông Li nói rằng, nữ phóng viên có thể tự do nói chuyện với ông nếu cô không vui với sự cố tại buổi họp báo.

Nhiều người trong báo giới nói rằng chỉ thị mới của tỉnh Hồ Bắc sẽ có hiệu quả đối với các cơ quan báo chí nằm trong tầm kiểm soát của họ. Nhưng họ cũng cho rằng, biện pháp như vậy không thể ngăn việc công bố những vấn đề gây tranh cãi.

Li Datong, biên tập viên cao cấp của nhật báo Tuổi trẻ Trung Quốc, nói rằng, có một lý do chính khiến việc cấm cửa hoặc bóp méo tin tức địa phương không đạt hiệu quả. “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên Internet, nên không có cách gì có thể kiểm soát được báo chí, truyền thông. Họ (giới chức) sẽ phải xóa bỏ tất cả cơ quan báo chí địa phương, để ngăn chặn báo chí trong tỉnh cạnh tranh với báo chí ngoài tỉnh”, ông Li nói.

Trói và cởi trói

Tuy nhiên, một số nhà báo khác và học giả cho rằng, quy định mới của tỉnh Hồ Bắc sẽ khiến nhà báo bất lực. “Việc cấm đưa tin liên vùng ngăn cản phóng viên thực hiện loại hình báo chí điều tra, giám sát. Họ sẽ không thể làm gì”, một giáo sư tên là Wang nhận định.

Ông Wang Keqin (48 tuổi), người được cho là phóng viên điều tra nổi tiếng nhất Trung Quốc (đã bỏ nghề, đang viết sách), nói: “Quy định mới của tỉnh Hồ Bắc có nghĩa rằng, chính quyền địa phương không muốn bị giám sát. Đó là một bước lùi, trở lại hoạt động chính trị kém minh bạch, và tạo môi trường cho một chính quyền trong bóng tối”.

Các bài báo điều tra nổi tiếng nhất của ông Wang là về những vụ scandal ngoài Bắc Kinh - nơi ông làm việc. Bài báo điều tra của ông về các cổ đông ở tỉnh Cam Túc bị lừa đảo khiến cảnh sát vào cuộc. Kết quả là hàng trăm người phải hầu tòa và vào nhà đá.

Ông từng hóa trang thành nông dân, đẩy xe 3 bánh để qua mặt bảo vệ ở tỉnh Hà Bắc để viết bài về AIDS. Bài báo của ông về vaccine không được làm lạnh đúng cách khiến 4 trẻ em chết, 74 người bị ốm ở tỉnh Sơn Tây dẫn đến việc lãnh đạo của ông mất chức và việc đóng cửa nhóm điều tra của Thời báo Kinh tế Trung Quốc.

Ông Wang nói ông không chỉ gặp sức ép chính trị mà còn bị ai đó treo giải 5 triệu nhân dân tệ cho cái đầu của mình. “Tôi đã gặp nhiều rắc rối khi điều tra ở các địa phương khác. Phần lớn rắc rối đến từ các quan chức chính quyền địa phương - những người muốn bưng bít tin”, ông nói.

Một trong những tờ báo điều tra hàng đầu của Trung Quốc, Phương Nam Cuối Tuần, thường đưa tin bài về các vụ bê bối và bàn cãi bên ngoài tỉnh Quảng Đông - nơi báo này đóng chân.

Một phóng viên Phương Nam Cuối Tuần (đề nghị không nêu tên), nói rằng Ban biên tập báo ông đối mặt áp lực khi đăng tin bài về những vụ việc trong tỉnh Quảng Đông. “Tất cả chúng tôi đều biết rằng, không dễ làm báo chí điều tra ở Quảng Đông. Vì vậy, chúng tôi bỏ qua và tới các tỉnh khác”, vị phóng viên nói.

Nhận xét của vị phóng viên dường như mâu thuẫn với các quan chức Quảng Đông vì họ nói rằng tỉnh họ mở cửa cho báo chí điều tra. Wang Yang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, khuyến khích báo chí giám sát chính quyền địa phương.

Nhiều người cho rằng, Quảng Đông là một trong những tỉnh cởi mở nhất với báo chí, vì các báo ở tỉnh này đã đăng tải không ít vấn đề gây tranh cãi.

Nhật báo Đô Thị Phương Nam đóng trụ sở ở thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) là tờ báo đầu tiên đưa tin vụ án Sun Zhigang. Năm 2003, anh Sun, công nhân quê ở tỉnh Vũ Hán, bị bắt ở tỉnh Quảng Đông vì không mang theo chứng minh thư.

Vài giờ sau khi bị bắt, anh bị 8 bệnh nhân trong bệnh viện thuộc khu tạm giam, đánh đến chết. Vụ việc gây ra làn sóng tranh cãi về việc bảo vệ những người bị giam giữ. Độc giả toàn quốc và đông đảo người dùng Internet lên tiếng, cuối cùng dẫn tới việc bãi bỏ quy định cho phép cảnh sát bắt giữ người vô gia cư không có chứng minh thư. 12 người bị kết án vì liên quan cái chết của anh Sun.

Nhiều phóng viên điều tra muốn bỏ nghề

Khảo sát 334 phóng viên điều tra, do Trường Đại học Tôn Dật Tiên ở tỉnh Quảng Đông tiến hành, cho thấy, khoảng 40% nói rằng họ đang tìm việc mới. Chỉ có 13% nói họ có thể tiếp tục theo nghề 1-5 năm nữa.

Nhiều nhà báo cho rằng việc Trung Quốc thiếu các tờ báo có ảnh hưởng là đáng xấu hổ, ảnh hưởng độ tín nhiệm của nước họ trên vũ đài quốc tế. Zhan Jiang, giáo sư chuyên ngành báo chí tại Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho rằng, việc dỡ bỏ hạn chế báo chí điều tra liên vùng sẽ làm lợi cho chính phủ và Đảng.

Thái An
dịch từ báo chí Trung Quốc - Global Times, People’s Daily

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.