Báo động bệnh béo phì ở Nhật Bản

Báo động bệnh béo phì ở Nhật Bản
Hãy thử xem thực đơn mỗi ngày của cô bé 10 tuổi Sayaka Oyama: spaghetti và nước thịt cho bữa trưa, sô-cô-la và bánh quy cho bữa xế, bánh nếp cho bữa tối và sandwich cho các buổi học ban đêm.
Báo động bệnh béo phì ở Nhật Bản ảnh 1
Sayaka Oyama, 10 tuổi, mặc áo số 6 đang ngồi nghe huấn luyện viên thể thao giảng bài hôm 28-1

Và tới khuya, cô bé húp một ít mì trước khi đi ngủ.

Hậu quả của kiểu ăn uống đó có thể đoán được, một hậu quả mà các bác sĩ phải chứng kiến ngày càng nhiều ở Nhật, khi nước này đang bỏ lại phía sau những thói quen ăn uống truyền thống.

Ở tuổi lên 9, Sayaka cao hơn 1,2 m và nặng gần 49 kg, gấp đôi trọng lượng lý tưởng của cô.

“Tôi chỉ thích ăn mì. Tôi đi học luyện thi về và rất mệt nên thường ăn cả đêm” – cô bé giải thích.

Như nhiều trẻ em Nhật khác, Sayaka đi học thêm để chuẩn bị thi vào trường trung học cơ sở.

Sayaka hiện đang cố gắng làm cho mình mảnh dẻ hơn trong một chương trình thể thao dành cho trẻ thừa cân. Cô bé là đại diện cho sự gia tăng bệnh béo phì ở Nhật- vốn bị coi là tác nhân gây bệnh tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác.

Và không ít lo ngại rằng, một ngày nào đó, căn bệnh béo phì này có thể ảnh hưởng đến vị thế của Nhật - ngôi nhà của những người sống thọ nhất thế giới.

Tuổi thọ bình quân hiện nay ở Nhật là 86 tuổi đối với phụ nữ và 79 tuổi đối với nam giới. “Tôi không biết Nhật có thể duy trì tuổi thọ cao nhất thế giới của mình bao lâu nữa” – Yukio Yamori, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế phòng ngừa sớm các bệnh tim mạch, phát biểu.

Người Nhật vẫn chưa mập bằng người Mỹ. Chỉ 24% người Nhật tuổi trên 15 được tin là thừa cân, so với 65% người trưởng thành ở Mỹ. Nhưng lo ngại đang gia tăng vì các cách thức ăn uống như của Sayaka ngày càng phổ biến.

Thay vì ăn cá, cơm và súp như thế hệ ông bà của họ, những người Nhật trẻ tuổi đang hấp thụ các loại thực phẩm như burger, gà chiên và mì ăn liền.

Những chế độ ăn uống không phù hợp và việc ít vận động thân thể tạo ra điều mà các nhà tâm lý học gọi là một cái vòng luẩn quẩn: Những đứa trẻ béo ngày càng tăng cân, bị trầm uất và tìm thấy sự khuây khỏa từ ăn uống nhiều hơn.

Báo động trước tình trạng này, Chính phủ Nhật đã ban hành một biểu đồ dinh dưỡng mới vào mùa hè qua, trong đó khuyến khích ăn nhiều carbohydrate- chẳng hạn như cơm và rau như là những nguồn năng lượng chính, trong khi cắt giảm thịt để giảm việc hấp thụ chất béo.

Biểu đồ này nhằm vào những người thừa cân và những người nuôi con nhỏ.

Chính phủ Nhật đã dành ra khoảng 600.000 USD trong ngân sách năm 2006-2007 để giải quyết vấn đề trọng lượng trẻ em.

Bộ Y tế Nhật cũng dự định nghiên cứu mối liên hệ giữa lối sống của cha mẹ và những trẻ em thừa cân, hỗ trợ một số thành phố được chọn lọc quảng bá cho những thói quen ăn uống lành mạnh.

Theo Trùng Quang
Người Lao Động/AP

MỚI - NÓNG