Bầu cử Anh: Ván cược thất bại của bà May

Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua rời trụ sở đảng Bảo thủ ở London. Ảnh: Getty Images.
Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua rời trụ sở đảng Bảo thủ ở London. Ảnh: Getty Images.
TP - Kết quả bầu cử ở Anh hôm qua cho thấy chính trị thế giới ngày càng khó đoán. Quả đắng cho Thủ tướng Theresa May cũng là quả ngọt cho các đối thủ của bà khi ván cược lớn của bà trở thành tai hại.

Tám tuần trước, Thủ tướng May kêu gọi bầu cử sớm, đánh cược chính phủ của mình với cơ hội giành được đa số lớn hơn trong khi phe đối lập đang rối loạn. Khi phe Bảo thủ dẫn trước 20 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận, có vẻ đảng của bà May sẽ giành chiến thắng ngoạn mục để từ đó điều hành đất nước trong 5 năm tới.

Nhưng sự việc diễn ra có thể được coi như một trong những vụ sụp đổ gây biến động nhất trong lịch sử chính trị nước Anh. Theo kết quả bầu cử hôm qua, đảng Bảo thủ của bà May chỉ giành được 318 ghế, không đủ đa số ghế quá bán cần thiết (326 ghế). Còn Công đảng giành được 261 ghế.

Thế cân bằng lực lượng trong Quốc hội nghĩa là bất kỳ khả năng nào cũng có thể xảy ra. Nhưng không có cái gì gọi là một chính phủ “mạnh mẽ và ổn định” mà như bà May nói là cần thiết cho đất nước khi bà kêu gọi bầu cử sớm. Trường hợp tốt nhất đối với đảng Bảo thủ hiện nay là liên minh thành công với một đảng nhỏ khác để mang lại chiến thắng cho vị thủ tướng với quyền lực không bằng như cũ.

Hy vọng đối với Công đảng là thành lập chính phủ nhờ thỏa thuận với các đảng nhỏ hơn để hội đủ đa số ghế cần thiết. Một cuộc bầu cử nữa, cuộc bầu cử quốc gia lần thứ tư của nước Anh chỉ trong vòng 2 năm, có lẽ sẽ xảy ra.

3 cuộc khủng hoảng

Dù ai sắp trở thành thủ tướng Anh cũng sẽ sớm đối mặt 3 cuộc khủng hoảng.

Thứ nhất, tình trạng bất ổn kinh niên đang xảy ra trong nền chính trị Anh rất khó giải quyết. Cuộc bầu cử vừa qua nói lên một đất nước chia rẽ giữa một bên là các cử tri hướng nội còn bên kia là những người hướng ngoại, giữa những người trẻ và người già, giữa các đô thị và những khu vực còn lại, giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người mang tư tưởng liên hiệp.

Bà May dẫn đầu phe Bảo thủ theo đường hướng dân tộc, chống tự do hóa, với chính sách quản lý doanh nghiệp chặt chẽ hơn và giới hạn nhập cư. Những người thích chính sách cứng rắn của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher sẽ ủng hộ cách làm này. Công đảng, sau thời gian điều hành đất nước theo hướng thị trường dưới sự lãnh đạo của ông Tony Blair, đã biến đổi thành một đảng xã hội cứng rắn dưới sự lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn.

Ở phía nam Scotland, nền chính trị lưỡng đảng đã trở lại sau sự sụp đổ của đảng Độc lập Anh và một chiến dịch gây thất vọng của đảng Dân chủ Tự do. Phía bắc, đảng Dân tộc Scotland không có được số phiếu cần thiết để mở đường cho một cuộc trưng cầu ý dân về việc rời khỏi Vương quốc Anh.

Thứ hai, nền kinh tế Anh đang tiến đến chặng đường gập ghềnh. Năm 2016, dù xảy ra cuộc trưng cầu ý dân với kết quả sẽ đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nền kinh tế Anh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các nước trong nhóm G7, nhưng tụt xuống tốc độ thấp nhất trong quý 1 năm nay.

Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng tỷ lệ lạm phát ở mức cao kỷ lục trong 3 năm qua, khiến tiền lương thực tế của người dân giảm đi. Nguồn thu từ thuế và tăng trưởng sẽ chịu hậu quả khi nguồn đầu tư và lực lượng lao động tay nghề cao từ EU vào Anh giảm sút.

Thứ ba, chỉ còn 11 ngày nữa là đến cuộc đàm phán quan trọng nhất mà nước Anh sẽ trải qua trong thời bình. Brexit là việc dỡ bỏ những sắp xếp kinh tế và chính trị đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua để kết nối nước Anh với một khối mà Anh xuất khẩu hơn một nửa hàng hóa của họ và một khối đã giúp duy trì hòa bình ở châu Âu và xa hơn nữa.

Sự phức tạp của Brexit có thể lên đến mức mà giới chính trị Anh cố ý lờ đi. Chưa nói đến việc cuộc đàm phán “ly hôn” này sẽ khó khăn ra sao nhưng không một chính trị gia nào ở Anh đã thực sự trả lời câu hỏi rằng, nỗi đau kinh tế do Brexit gây ra sẽ được chia sẻ như thế nào. Thương mại giảm đi, tăng trưởng thấp hơn, ít lao động nhập cư tay nghề cao sẽ dẫn đến tăng thuế và giảm chi tiêu cho xã hội.

Trước cuộc bầu cử lần này, bà May nói rằng, lý do bà kêu gọi bầu cử sớm là để có được tính chính danh lớn hơn nhằm bước vào cuộc đàm phán Brexit theo cách bà vạch ra: rời khỏi thị trường chung và cắt dòng người nhập cư. Trong thời gian vận động, bà không bổ sung điều gì cho chiến lược Brexit ngoài việc nhắc lại khẩu hiệu “không đạt thỏa thuận nào còn tốt hơn đạt thỏa thuận tồi”. Nhưng sau cuộc bầu cử này, bà May không có được tính chính danh để theo đuổi cách thức của mình. Khi chiến lược Brexit cứng của bà May bị loại bỏ, nước Anh lại phải xác định chiến lược khác.

Anh không phải nước duy nhất bị quay cuồng vì một cuộc bầu cử. Nhưng những cuộc bầu cử kia là để lựa chọn lãnh đạo mới, như Tổng thống Donald Trump ở Mỹ, Tổng thống Emmanuel Macron ở Pháp, còn biến động ở Anh dẫn đến tình trạng không có ai lãnh đạo. Ông Corbyn ngày càng củng cố vị trí trong Công đảng, nhưng đảng này còn xa mới giành được đa số. Đảng Bảo thủ vẫn là đảng lớn nhất, nhưng lãnh đạo của họ vừa bị sụt giảm uy tín rõ ràng và chưa thấy người kế nhiệm nổi bật nào. Đảng Dân chủ Tự do lại quá nhỏ.

Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua thông báo sẽ thành lập chính phủ mới nhờ vào sự ủng hộ của đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland trong Quốc hội, sau khi đảng Bảo thủ không thể giành đa số quá bán. Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo Anh về nguy cơ không đạt được thỏa thuận Brexit, nếu thương lượng giữa hai bên bị trì hoãn, BBC đưa tin.

Theo Theo The Economist
MỚI - NÓNG