Bầu cử Mỹ: Phẳng là đây

TP - Có lẽ những gì tích tụ bấy lâu nay trong cái tạm gọi là “thế giới phẳng” mới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sai lầm của không chỉ truyền thông mà cả các hãng thăm dò dư luận hàng đầu về bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Tháng cuối trước ngày bầu cử là tháng 10, cả 322 cuộc thăm dò đoán ứng viên Hillary Clinton toàn thắng. Còn đây, tại nơi ông Donald Trump ca khúc khải hoàn, truyền hình dừng lại khá lâu ở một cái biển nhỏ được một cử tri giơ cao với dòng chữ “đa số thầm lặng ủng hộ Trump”. Có ý kiến nói phe “đa số thầm lặng” ấy là giới bình dân bị lãng quên. Nhưng thống kê ngay sau đó cho thấy điều ngược lại. Họ là đa số cử tri trung lưu trở lên, có mức thu nhập thấp nhất là 50.000 USD/năm.

Cách mạng thông tin đảo lộn mọi thứ. Trong kỷ nguyên internet, người ta giao lưu dễ hơn bao giờ. “Thế giới phẳng” – thuật ngữ ra đời năm 2005 – gây biến đổi sâu sắc cách nghĩ và cách hành xử của từng cá thể.

Các kết nối qua mạng xã hội, từ Facebook, Twitter, đến Instagram, khiến mỗi cá nhân như lộ sáng. Trước ánh đèn sân khấu cuộc đời, cả một quần thể khắp hoàn cầu cùng quan sát, tương tác trên thời gian thực với cá nhân.

Song cái xã hội cởi mở như chưa từng ấy bắt đầu có phản ứng phụ. Các nhà tâm lý thấy xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng cô đơn giữa đám đông, thúc thủ, ít chia sẻ suy nghĩ của mình hơn. Trải lòng, nói thật dần thành xa xỉ. Các phương tiện giao tiếp càng đa dạng và dễ tiếp cận, người ta càng dễ nói dối, có khuynh hướng giấu bản chất đích thực của mình.

Các cuộc thăm dò trước bầu cử vừa rồi không tiếp cận trực tiếp người được phỏng vấn. Hỏi qua điện thoại càng khó nắm tâm trạng đối tác, khó biết họ thật lòng hay không. Đấy là chưa kể ngày càng nhiều người từ chối trả lời. Một hãng thăm dò cho biết, mới đây, họ chỉ kết nối được 10% khách hàng mà họ liên lạc. Vài thập kỷ trước, tỷ lệ ấy là 80%.

Chưa bao giờ gót chân Achilles của truyền thông và điều tra xã hội học lộ rõ như sau sự kiện lịch sử vừa rồi. Tư duy và phương pháp luận của họ hầu như không đổi trừ sự thay đổi phương tiện tác nghiệp. Rõ ràng, truyền thông sẽ không thể duy trì địa vị quyền lực thứ tư của mình nếu không chịu thay đổi cách nhìn và ứng xử với một xã hội đang ngày càng khác trước bởi vai trò khủng khiếp của quyền lực thứ năm đang lên – tri thức và công nghệ thông tin.

MỚI - NÓNG