Bầu cử ở Afghanistan: Sống trong sợ hãi

Bầu cử ở Afghanistan: Sống trong sợ hãi
TP - Đã chín năm từ khi chế độ hà khắc Taliban bị Mỹ lật đổ, dân Afghanistan lần thứ hai được tự mình bỏ phiếu lựa chọn tổng thống.
Bầu cử ở Afghanistan: Sống trong sợ hãi ảnh 1
Tăng cường an ninh ở Kabul

Nhưng họ dường như vẫn chưa có quyền lựa chọn tương lai hòa bình, ổn định ở đất nước bị nghiền nát bởi xung đột dù có sự hiện diện của lực lượng quốc tế.

Bầu cử tổng thống và hội đồng địa phương ngày 20/8 bị ám ảnh bởi lời đe dọa tấn công liều chết của Taliban vào các trung tâm bầu cử. Khoảng 17 triệu trong tổng số 30 triệu người Afghanistan đăng ký bầu cử, nhưng chính quyền lo ngại tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ rất thấp vì sợ bị tấn công.

Bộ Nội vụ Afghanistan tuyên bố khoảng một phần ba cử tri đối mặt với nguy cơ bị tấn công và bầu cử sẽ không diễn ra ở tám quận còn nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Taliban.

Khảo sát của hãng tin AP cho thấy, hầu hết dân chúng mong muốn đi bỏ phiếu và đặt nhiều hy vọng, nhưng lại lo sợ cho tính mạng.

Mặt khác, việc các quan sát viên quốc tế khó đến được tất cả gần 7.000 điểm bỏ phiếu do nghèo nàn về an ninh làm dấy lên lo ngại về sự minh bạch, công bằng của cuộc bầu cử.

Ngày 19/8, lực lượng an ninh tiêu diệt ba chiến binh Taliban trong cuộc đọ súng dữ dội tại một ngân hàng ở thủ đô Kabul. Cùng ngày, Taliban càng khiến dân sợ hãi hơn khi sát hại sáu viên chức tham gia tổ chức cuộc bầu cử.

Làn sóng sát hại, bắt cóc các ứng cử viên và quan chức tổ chức cuộc bầu cử cũng tăng mạnh trong tháng qua. Trước đó một ngày, khoảng 20 người chết, trong đó có bốn viên chức bầu cử, bởi các cuộc tấn công của Taliban trên khắp đất nước...

Sau khi ra tuyên bố bác bỏ và kêu gọi dân tẩy chay bầu cử, Taliban chứng minh lời đe dọa bằng hàng loạt vụ đánh bom liều chết trên toàn quốc, nhưng tập trung binh lực vào Kabul trong vài tuần qua.

Bầu cử ở Afghanistan: Sống trong sợ hãi ảnh 2
Ông Karzai được dự báo sẽ chiến thắng

Trong hơn 30 ứng cử viên tổng thống có cả những chính trị gia ủng hộ Taliban và cái gọi là cuộc chiến tranh thần thánh chống lại thế lực bên ngoài. Tuy nhiên, khảo sát cho biết đương kim Tổng thống Hamid Karzai đang dẫn đầu. Tiếp theo là cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah và cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani.

Ông Karzai nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi, nhưng nếu không có hơn 50 phần trăm số phiếu sẽ phải tiếp tục đấu tay đôi với người về thứ hai trong cuộc bầu cử này.

Tân tổng thống sẽ đối mặt với những trận tuyến cam go như làn sóng tấn công của Taliban gia tăng, mâu thuẫn chính trị trong nước, căng thẳng sắc tộc, nạn buôn bán ma tuý, nạn tham nhũng và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Cuộc bầu cử còn được xem như phép thử với sách lược của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc gửi thêm hàng ngàn quân sang Afghanistan nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Taliban. Hơn 30.000 lính Mỹ đến Afghanistan năm 2009, nâng tổng số lực lượng nước ngoài đóng ở nước này lên hơn 100.000 ngàn quân, trong đó có 63.000 người Mỹ.

“Có những vấn đề với cuộc bầu cử này cũng như bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào khác. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng đây là quyền của người Afghanistan trong việc lựa chọn lãnh đạo của họ. Và chúng tôi khuyến khích họ đi bỏ phiếu”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu với báo chí.  

Phát ngôn viên Taliban Zabiullah Mujahid ngày 19/8 tuyên bố với báo chí phương Tây rằng thêm 20 tay súng liều chết đã xâm nhập vào Kabul sẵn sàng tấn công nhằm phá tan cuộc bầu cử.

Tuyên bố khác đăng trên trang web của Taliban khẳng định chiến binh đang áp sát các con đường ở vùng nông thôn.

MỚI - NÓNG