Bầu cử Tổng thống Iran: Chọn bảo thủ hay cải cách?

Bầu cử Tổng thống Iran: Chọn bảo thủ hay cải cách?
TP- Ngày 12/6, khoảng 42,5 triệu cử tri Iran tham gia bỏ phiếu bầu ra tổng thống mới cho nhiệm kỳ bốn năm.
Bầu cử Tổng thống Iran: Chọn bảo thủ hay cải cách? ảnh 1 Bầu cử Tổng thống Iran: Chọn bảo thủ hay cải cách? ảnh 2
Đương kim Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad . Ứng viên tổng thống Iran Mir Hossein Mousavi

Tham gia tranh ghế tổng thống Iran lần này có bốn ứng viên gồm đương kim Tổng thống Mahmoud Amadinejad 53 tuổi, thuộc phe cực bảo thủ ở Iran; cựu Thủ tướng Iran Mir Hossein Mousavi, 68 tuổi, được coi là người có đầu óc cải cách; cựu tư lệnh lực lượng vệ binh cách mạng thuộc phe bảo thủ Mohesen Rezai, 54 tuổi; và nhà cải cách lão thành 72 tuổi, cựu Chủ tịch Quốc hội Iran Mehdi Karraoubi.

Để giành được thắng lợi, người thắng cử phải nhận được đa số phiếu ủng hộ. Trong trường hợp không ứng viên nào giành được đa số sẽ phải tranh cử tiếp ở cuộc bầu cử vòng hai.

Trong bốn ứng viên nói trên, chỉ có hai người tranh giành ghế tổng thống quyết liệt nhất là đương kim Tổng thống Amadinejad và cựu Thủ tướng có đầu óc cải cách Mir Hossein.

Cương lĩnh tranh cử của ông Amadinejad nhấn mạnh vào việc đấu tranh chống đói nghèo và tham nhũng. Trong bốn năm nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Amadinejad kiên trì đấu tranh chống lại mọi sức ép của Mỹ và phương Tây để bảo vệ quyền được tiếp tục các chương trình hạt nhân của Iran.

Ông chủ trương chính sách đảm bảo cho mọi người Iran đều được hưởng thụ nguồn tiền thu được từ việc bán dầu mỏ vốn là tài nguyên chung của dân tộc Iran.

Tổng thống Amadinejad là người có những phát biểu gây sốc chống người Do Thái, không công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel, chống chính sách hiện nay của Mỹ đối với Iran và khu vực Trung Đông.

Trong diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua, ông Amadinejad nói rằng, nhà nước Israel được thành lập trên cơ sở những nguyên tắc phân biệt chủng tộc. Vì phát biểu này, đại biểu của hơn 30 nước phản đối Iran bằng cách bỏ ra ngoài phòng họp Đại hội đồng.

Tuy nhiên, khi từ New York về nước, ông Amadinejad được một bộ phận dân chúng Iran đón chào như  một anh hùng. Tổng thống Amadinejad được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri quân đội, lực lượng vệ binh cách mạng, và truyền thông trong nước.

Cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi năm nay 68 tuổi, được coi là nhà cải cách chủ trương thực hiện ở Iran những chính sách trung thành với nguyên tắc của cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Cương lĩnh tranh cử của ông là cải thiện hình ảnh cực đoan của Iran trên trường quốc tế, thực hiện cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây, cải cách kinh tế trong nước.

Ông chủ trương mở rộng hơn nữa tự do cá nhân ở Iran và chỉ trích việc Chính quyền Amadinejad áp dụng lệnh cấm các kênh truyền hình tư nhân.

Tuy nhiên, cũng giống như các ứng viên khác, ông Mir Hossein Mousavi cũng chủ trương tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của Iran. Hiện nay, ông là Chủ tịch Học viện Nghệ thuật Iran.

Điều mới lạ trong cuộc bầu cử lần này là lần đầu tiên trong lịch sử Iran, các ứng viên tranh luận được truyền hình trực tiếp.

Cuộc bầu cử tổng thống Iran lần này diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến đổi sâu sắc do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và do kết quả bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Chính quyền Barack Obama phát đi những tín hiệu muốn cải thiện quan hệ với Iran và thế giới Hồi giáo nói chung. Tiến trình hòa bình ở Trung Đông đang có những chuyển biến theo hướng tích cực.    

Theo luật pháp Iran, mỗi nhiệm kỳ tổng thống kéo dài bốn năm, một người được giữ cương vị tổng thống tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Mỗi người có thể được giữ ghế tổng thống tối đa ba nhiệm kỳ không liên tiếp.

Dù tổng thống nhiệm kỳ sắp tới của Iran là ai, mang quan điểm bảo thủ hay cải cách thì cũng phải có những điều chỉnh chính sách nhất định nhằm thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của thế giới để đảm bảo cho Iran phát triển bền vững.

MỚI - NÓNG