Bẫy kền kền

TP - Argentina vừa bị giáng một đòn choáng váng khi Tòa án tối cao Mỹ buộc nước này phải trả nợ 1,3 tỷ USD cho hai quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management, hai quỹ từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của Buenos Aires, tức là cho giảm nợ hoặc hoãn nợ. 

Trở lại quá khứ, khi những nỗ lực phát triển kinh tế của Tổng thống Carlos Menem khiến cho dòng ngoại tệ chảy vào ngày một gia tăng, giúp Argentina bước vào thời kỳ tăng trưởng ngoạn mục. 


Thành công càng khuyến khích chính phủ ào ạt vay ngoại tệ một cách thiếu cân nhắc, dẫn đến sự tiêu xài quá mức trong khi nguồn thu nội tại chỉ còn trông chờ vào thuế do các doanh nghiệp nhà nước đã bị tư hữu hóa gần hết. Thâm hụt ngân sách vọt lên mức không còn khả năng bù đắp, Argentina không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cầu cứu các nguồn tín dụng bên ngoài. 

Đối với các chủ nợ tư bản, khi đang còn trong giai đoạn thịnh vượng thì quan hệ rất mặn nồng, nhưng khi bất ổn xảy ra thì bản chất “lợi nhuận là trên hết” bộc lộ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từng hết lời ca ngợi sự phát triển thần kỳ của Argentina và hào phóng ký hàng loạt thỏa thuận cho vay, chính là đối tác hạ nhát dao đầu tiên. Thấy Argentina mất khả năng chi trả, IMF từ chối giải ngân khoản cho vay theo thỏa thuận. Chỉ 19 ngày sau đó, ngày 24/12/2001, Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ 132 tỷ USD. 

Cú ngã này tạo cơ hội làm ăn cho các nhà “tài trợ tư bản” tiếp theo. Xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm, được gọi là quỹ kền kền, chuyên dùng thủ đoạn mua lại trái phiếu của những quốc gia hoặc các công ty phá sản với giá chỉ bằng 20% giá trị trên sổ sách, sau đó sẽ thu lại toàn bộ giá trị sổ sách cùng với lãi suất và tiền phạt thông qua tranh tụng tại tòa án. 

Với sự hỗ trợ của hệ thống tòa án, các quỹ kền kền Mỹ đòi Argentina phải trả một số tiền gấp nhiều lần số công trái mà các quỹ này đã mua lại với giá rẻ mạt từ các nhà đầu tư đầu tiên. 

Nếu chấp nhận thanh toán, Argentina chắc chắn rơi vào vỡ nợ vì khoản nợ quá lớn. Thế nhưng, nếu không thanh toán, Argentina không có cơ hội được tiếp cận các nguồn vốn vay khác của nước ngoài vì bị hệ thống tòa án Mỹ phong tỏa.

Argentina đã nắm một con dao hai lưỡi khi đón nhận một cách thiếu cân nhắc các nguồn vốn vay “hào phóng” từ các đối tác tư bản. Giờ đây, khi khắp mình là những vết thương, Buenos Aires không còn lựa chọn nào ngoài việc thuyết phục các chủ nợ tư bản nương tay để không gánh thêm một nhát dao sinh tử như 13 năm trước. 

MỚI - NÓNG