Bê bối sữa độc ngày càng nghiêm trọng

Bê bối sữa độc ngày càng nghiêm trọng
TP - Vụ bê bối sữa độc cho tới nay đã trở thành cơn ác mộng. Từ các sản phẩm của tập đoàn Tam Lộc, đến nay đã phát hiện có tới 69 nhãn hàng của 22 công ty sữa lớn nhất của Trung Quốc có chứa chất độc hại melamine với hàm lượng khác nhau.
Bê bối sữa độc ngày càng nghiêm trọng ảnh 1 Bê bối sữa độc ngày càng nghiêm trọng ảnh 2
Nông dân chăn nuôi buộc phải đổ sữa đi và cảnh người dân ở Tứ Xuyên mang con chen nhau xông vào bệnh viện để khám bệnh sỏi thận

Ngày 22/9, Bộ Y tế Trung Quốc cho biết tổng số trẻ em bị bệnh do uống sữa pha melamine đã lên đến gần 53.000 em, trong đó có gần 13.000 em nhập viện. Website của Bộ Y tế Trung Quốc cho biết đã có 12.892 trẻ nhập viện và 39.965 trẻ khác được điều trị ngoại trú đang dần hồi phục.

Ngoài 4 trẻ đã chết tại Trung Quốc lục địa do sữa độc của Tập đoàn Tam Lộc, đã có thêm một trẻ 3 tuổi chết tại đặc khu Hồng Công vào ngày 20/9 do sữa Yili.

Cuộc khủng hoảng sữa bột đang lan sang 11 nước, trong đó có một số quốc gia ở lục địa đen. Burundi là nước châu Phi thứ ba ra lệnh cấm nhập khẩu sữa từ Trung Quốc sau khi Gabon và Tanzania có động thái tương tự.

Burundi nhập khẩu các sản phẩm sữa của hai công ty Trung Quốc. Chính phủ nước này đã thành lập một ủy ban để điều tra lượng sữa nhiễm độc đang được bán trên thị trường. Châu Á có lẽ là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi vụ bê bối này.

Cơ quan giám sát chất lượng thực phẩm của Singapore tuyên bố tìm thấy melamine trong 3 sản phẩm sữa nhập từ Trung Quốc, trong đó có sữa Cô gái Hà Lan và kẹo sữa nổi tiếng Thỏ Trắng sản xuất ở Thượng Hải.

Nước này từ ngày 19/9 đã quyết định ngừng nhập khẩu hoặc bán tất cả sản phẩm từ sữa do Trung Quốc sản xuất như chocolate, bánh gato, sữa chua, bánh quy, kẹo.

Tại Bangladesh, ba nhãn hiệu sữa bột của Trung Quốc - gồm Tam Lộc (Sanlu), Suncare và Yashili, đã bị thu hồi và tất cả sữa bột nhập khẩu vào nước này sẽ bị kiểm tra.

Bộ trưởng Y tế Malaysia thông báo nước này đã cấm nhập các sản phẩm sữa Trung Quốc. Còn tại Philippines, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm cấm phân phối và bán hai nhãn hiệu sữa nhập khẩu từ Trung Quốc bị nghi nhiễm melamine của tập đoàn Y Lợi (Yili) và Mông Ngưu (Mengniu).

Ngoài các sản phẩm sữa của Trung Quốc trong bản Danh sách Đen, Chính quyền Đặc khu Hồng Kông cho biết Trung tâm An toàn thực phẩm của họ đã phát hiện có chất độc hại melamine trong nhãn hiệu Nestle’s Dairy Farm do một chi nhánh của tập đoàn này Hắc Long Giang, Trung Quốc sản xuất.

Các siêu thị và cửa hàng bán lẻ của Hồng Kông lập tức ngừng bán chúng và hãng sản xuất sữa hàng đầu Nestle SA của Thụy Sỹ đã quyết định thu hồi loại sản phẩm này. (Trước đó, Nesle cho biết không có sản phẩm nào của họ chứa melamine).

Tại Đài Loan, 8 loại đồ uống có sử dụng nguyên liệu sữa nhập từ Đại lục đã bị thu hồi sau khi phát hiện thấy có chứa melamine, trong đó có sản phẩm cà phê hoà tan.

Do sữa bò nội địa nhiễm độc, người tiêu dùng tại Trung Quốc tranh nhau mua những sản phẩm sữa ngoại nhập trong các siêu thị và chuyển sang sữa đậu nành.

Tập đoàn thực phẩm và nước giải khát, nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất của Trung Quốc, cho biết dự kiến doanh số bán sữa đậu nành trong quý 4 tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lượng máy xay đậu nành bán ra cũng tăng hơn 30% kể từ trước khi có cuộc khủng hoảng “Tam Lộc”.

Các nhà sản xuất sữa Trung Quốc giờ đây ngậm ngùi nhìn sữa Hàn Quốc, sữa Nhật Bản ồ ạt chiếm lĩnh dần các quầy hàng với giá bán đắt hơn sản phẩm cùng loại của mình từ 1,5 đến 2 lần.

Theo “Nhật báo Quảng Châu” số ra ngày 24/9, cuộc khủng hoảng sữa độc đã khiến nghề vú em tưởng như đã biến mất nay bỗng có cơ hội xuất hiện trở lại ở Trung Quốc. Có nơi thu nhập của một vú em lên tới 12 ngàn tệ (khoảng 26 triệu VND)/tháng.

Trước đây, nghề vú em biến mất nguyên nhân chính là bị coi là vi phạm đạo đức, mang sắc thái bóc lột, song còn có một nguyên nhân quan trọng là không có nhu cầu.

Nay khi mà sữa bò không còn để nuôi trẻ thì nghề này lại có đất để phát triển. Báo này viết, các bà mẹ hiện đại đều hiểu rất rõ sữa mẹ tốt hơn sữa bò nhiều nên đều cố gắng cho con bú càng lâu càng tốt.

Thu nhập của vú em tới 12 ngàn tệ/tháng cho thấy, trừ những người không có sữa hay cố bỏ tiền giữ nhan sắc ra, những bà mẹ công chức hay người ăn lương làm gì có tiền để cho con bú vú em. Vì vậy, sữa bò vẫn sẽ là nguồn chính để nuôi sống con cái họ.

Vụ bê bối sữa độc đã giáng đòn chí tử vào ngành công nghiệp sữa Trung Quốc. Mấy ngàn công nhân của hai hãng Mông Ngưu và Y Lợi ở Huvhot (Nội Mông) đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Các nông dân nuôi bò trong vùng lâm vào tình trạng khó khăn do các nhà máy ngừng thu mua sữa. Họ không có cách nào khác là đem đổ sữa sau khi buộc phải vắt để giữ an toàn cho bò. Cách lựa chọn duy nhất của họ giờ đây là gạt nước mắt bán bò cho các lò mổ.

Ông Lưu, một nông dân than thở: ông ngày ngày phải mang đổ sữa mà tiếc đứt ruột. Trước đây, mỗi kg sữa tươi, ông bán cho trạm thu mua được 4,6 tệ (0,68USD).

Năm 2001 ông đã vay 2.900 USD để bắt đầu nuôi bò sữa. Ông nhanh chóng trả hết nợ và kiếm được mỗi tháng 1.000 tệ (146 USD) từ 7 con bò sữa, nay thì nguồn thu này đã mất.

Tại Thạch Gia Trang, các nông dân chăn nuôi không tin rằng tập đoàn Tam Lộc có thể tồn tại được qua cơn bão tố này. Ông Trương, một hộ nuôi bò sữa nói, suốt một tuần qua, ngày nào ông cũng phải mang đổ 10 tấn sữa xuống sông. Bây giờ ông không biết rồi tới đây sẽ sống thế nào.

Ngày 23/9, Tân Hoa xã đã phát đi bài bình luận kêu gọi các địa phương sử dụng các biện pháp như bảo hiểm, trợ cấp để trợ giúp nông dân chăn nuôi vượt qua cơn khốn khó này, kiên quyết bảo toàn đàn bò sữa.

Nỗi lo sợ về sản phẩm sữa của Trung Quốc đã lan sang cả lĩnh vực khác. Gần đây trên mạng Internet xuất hiện thông tin nói thức ăn chăn nuôi sản xuất từ bột cá của Trung Quốc xuất sang Hàn Quốc có chứa chất độc hại melamine.

Ngày 23/9, bà Khương Du, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này, cho biết qua kiểm tra sổ sách của cơ quan kiểm dịch thì không có nhà sản xuất nào của Trung Quốc xuất loại thức ăn trên sang Hàn Quốc, phía Hàn Quốc đang tiến hành điều tra nguồn gốc số hàng hóa đó.

Thu Thủy
Tổng hợp từ báo chí TQ

MỚI - NÓNG