Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh “G-8” ở Saint - Peterburg

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh “G-8” ở Saint - Peterburg
TPCN - Năm nay, Hội nghị Thượng đỉnh khối các nước công nghiệp phát triển nhất (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Nhật, Đức, Italia và Canada), thường được gọi là khối “G – 8”, đã họp ở thành phố Saint-Peterburg, từ 15 đến 17 tháng 7.

Đây là lần đầu tiên nước Nga chủ trì hội nghị cực kỳ quan trọng này và sẽ là chủ tịch trong một năm nên công việc chuẩn bị đã khởi đầu ngay từ một năm trước.

Theo ban tổ chức cho biết thì tổng số chi phí có thể lên tới gần 11 tỷ rúp, một nửa là để xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng của thành phố Saint-Peterburg và hơn một phần năm là chi phí cho chính Hội nghị Thượng đỉnh.

Nơi ở của các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị là cả một khu khuôn viên rộng tới 200 ha mà trung tâm là lâu đài Konstantinovski. Cách đây 3 năm, vào năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Saint-Peterburg, lâu đài Konstantinovski đã được sửa sang lại một cách cơ bản với tổng chi phí là 280 triệu dollars.

Năm nay, các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị “G- 8” được bố trí nơi ở trong 20 tòa biệt thự 2 tầng nằm trong khuôn viên quần thể lâu đài này. Tổng diện tích mỗi tòa biệt thự là 1,2 nghìn mét vuông.

Mỗi nước tham dự Hội nghị được dành cho 2 tòa biệt thự như vậy. 4 tòa biệt thự còn lại được chia đều cho 2 đoàn khách mời từ Trung Quốc và từ Cộng đồng châu Âu. 

3.107 nhà báo đến từ 63 nước

Các Hội nghị Thượng đỉnh khối “G - 8” bao giờ cũng là trung tâm chú ý của toàn thế giới và vì thế cũng là nơi hội tụ đông đảo các nhà báo. Năm nay, đội ngũ các nhà báo là 3.107 người đến từ 63 nước khắp năm châu. Nếu tính cả đội ngũ dịch vụ kỹ thuật thì tổng số lên tới gần 4.000 người.

Tất cả đội ngũ phóng viên quốc tế đông đảo ấy được quyền ăn uống miễn phí tại trung tâm báo chí của Hội nghị “G - 8” đặt tại lâu đài Strelnia.

Thực đơn ở đây cực kỳ phong phú nhằm thỏa mãn đầy đủ nhất những khẩu vị đa dạng của các nhà báo. Tại đây có các món ăn Nga cũng như các món ăn tiêu biểu của các quốc gia và các lục địa khác, chẳng hạn món paelia của Tây Ban Nha, món rizotto của Italia, món khoai tây rán “Parmantíe” của Pháp.v.v.

Người ta cũng lưu ý đến một thực tế là có nhiều nhà báo ăn chay nên các món ăn dành cho họ phải không có nguồn gốc động vật, chẳng hạn, món xalát làm bằng dưa vàng và lạc hoặc các món nấm.

Hơn thế nữa, các nhà báo không những được phục vụ miễn phí mà còn được phục vụ suốt ngày đêm và không hạn chế bởi vì lịch làm việc của họ hết sức khẩn trương. 

Các nguyên thủ quốc gia khối “ G – 8 “ lái ôtô điện mini

Vì nơi ở và nơi họp đều nằm trong khuôn viên của quần thể lâu đài Konstantinovski rộng đến 200 ha nên phương tiện đi lại của các đoàn đại biểu chủ yếu là loại ôtô điện mini.

Năm nay, gần 50 chiếc ôtô điện mini màu trắng đã được mua sắm để phục vụ Hội nghị. Tất cả có hai loại: loại 4 chỗ ngồi dành cho các nguyên thủ quốc gia và các đệ nhất phu nhân, loại 6 chỗ ngồi dành cho thành viên các đoàn đại biểu. Kỹ thuật lái xe rất đơn giản.

Trong xe chỉ có hai bàn đạp – stop và go, còn tốc độ tối đa là 40km/giờ. Trên tấm biển nhỏ gắn vào lưng ghế ngồi còn có lời đề nghị thắt đai bảo vệ cho an toàn.

Chỉ có vậy thôi. Bởi thế, chẳng có gì lạ Tổng thống Bush tuy đã 60 tuổi nhưng bao giờ cũng phóng xe nhanh hơn các nhà lãnh đạo khác.

Loại ôtô điện tương tự đã từng được các nguyên thủ quốc gia sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh họp ở See-Island của Mỹ vào năm 2004.

Ngay từ hồi đó, nó đã được những người tham dự Hội nghị hết sức tán thưởng và các tờ báo lớn thế giới đều đăng tải những bức ảnh chụp các nhà lãnh đạo khối “G - 8” đang thích thú lái những chiếc ôtô điện mini như vậy.

Hai loại thực đơn trái ngược nhau

Vào cuối ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo khối “G - 8” cùng các đệ nhất phu nhân được mời đến dự cuộc chiêu đãi trọng thể tại lâu đài Petergof ở ngoại ô Saint-Peterburg.

Theo thực đơn phân phát cho các nhà báo thì món thứ nhất được dọn lên là món tôm rồng nõn. Tiếp đó là những món cao sang như lườn gà rán kèm cần tây và nước sốt phúc bồn tử, món cá tầm tẩm bột rán kèm thêm dâu tây tươi v.v.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh “G-8” ở Saint - Peterburg ảnh 1
Hai ông Putin và Bush trên chiếc ôtô điện mini   

Trong số các loại đồ uống thì có rượu vang trắng và đỏ, các loại nước quả, nước khoáng, cà phê và trà. Tóm lại là cực kỳ thịnh soạn. Nhưng có một bản thực đơn khác mà các nhà báo mệnh danh là “thực đơn giễu cợt” dành cho các nhà lãnh đạo khối “G - 8”.

Bản thực đơn này được những người tham gia phong trào chống toàn cầu hóa treo ngay bên cạnh lối vào khu quần thể lâu đài Konstantinovski và chỉ gồm có ba món: món khai vị là dầu hỏa, món chính cũng là dầu hỏa và món tráng miệng cũng lại là dầu hỏa.

Bên cạnh bản thực đơn nói trên là một nhóm người đeo mặt nạ vẽ hình các nhà lãnh đạo khối “G - 8” đang vừa thích thú xem bản thực đơn vừa xoa bụng.

Mục đích của hành động phản đối này là tố cáo chủ đề thảo luận quá hẹp của Hội nghị Thượng đỉnh năm nay và kêu gọi các nhà lãnh đạo “G – 8” hãy dành ưu tiên cao nhất cho chủ đề chống tình trạng nghèo khổ trên phạm vi toàn cầu.  

Câu đùa hóm hỉnh của Tổng thống Putin

Trong số các nhà lãnh đạo khối “G - 8” thì Tổng thống Mỹ George Bush đến Saint-Peterburg sớm nhất, ngay từ hôm 14 tháng 7. Vì vậy, hai Tổng thống Nga và Mỹ có hai buổi hội đàm riêng với nhau trước khi chính thức khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh.

Sau đấy, hai ông tổ chức cuộc họp báo chung. Và một “sự cố” lý thú đã xẩy ra vào cuối buổi họp báo, khi một phóng viên nữ người Mỹ hỏi Tổng thống Bush là ông Bush có thảo luận với Ngài Putin về những mối lo lắng của ông về nền dân chủ ở Nga hay không.

Đây là chủ đề quen thuộc mà báo chí phương Tây lâu nay thường sử dụng để công kích dữ dội nước Nga và cá nhân ông Putin. Vì thế ông Bush phải giải quyết một nhiệm vụ khó khăn là trả lời như thế nào để không ai bị mếch lòng.

“Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Putin và tôi thảo luận về triết lý quản lý đất nước - ông Bush mở đầu theo kiểu triết học -  Tôi nhiều lần nói về nguyện ước của tôi muốn thúc đẩy sự phát triển những thiết chế dân chủ tại các khu vực khác nhau trên thế giới.

Chẳng hạn như ở Iraq là nơi đã có được tự do tín ngưỡng và tự do báo chí.Tôi biết là nhiều người trên thế giới nói rằng họ muốn thấy ở Nga cũng được như vậy”.

Nghe thấy thế, Tổng thống Putin không kìm được nụ cười tinh quái và ông nói bằng một giọng nửa đùa nửa thật: “Chúng tôi không muốn ở Nga lại có một nền dân chủ như ở Iraq đâu. Tôi nói thật đấy”. Cả phòng họp báo thoáng lặng đi rồi các nhà báo Nga phá lên cười đầu tiên.

Tiếp đó, khi bản dịch đến tai các nhà báo phương Tây thì họ cũng hòa theo tiếng cười vang khắp phòng. Cả ông Bush cũng không kìm được tiếng cười khe khẽ mặc dù chắc chắn ông không có bụng dạ đâu mà cười: chiến dịch quân sự ở Iraq đã khiến ông phải trả giá quá đắt với uy tín bị giảm hạ tới mức thấp nhất.

Đồng thời, theo nhiều nhà phân tích, cuộc “đối thoại” nói trên còn cho thấy giữa Nga và Mỹ còn rất nhiều bất đồng tiềm ẩn đằng sau những nụ cười của hai ông Putin và Bush.

Vũ Việt
(Tổng hợp báo chí Nga) 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.