Bên trong xưởng chế tạo vũ khí của IS ở thành phố Mosul

Khoảnh khắc huy hoàng của IS khi chúng tiến vào thành phố Mosul.
Khoảnh khắc huy hoàng của IS khi chúng tiến vào thành phố Mosul.
Nguyên nhân dẫn đến việc IS phải lập ra những nhà máy chế tạo vũ khí là vì nguồn tài chánh ngày càng cạn kiệt trong lúc chúng tiếp tục mất thêm nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq.

Sau khi quân đội Chính phủ Iraq chiếm lại thành phố Mosul, vốn đã nằm trong tay các chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từ năm 2014, họ rất kinh ngạc lúc phát hiện một xưởng chế tạo vũ khí, gồm những chiếc máy bay không người lái, những xe bom điều khiển từ xa cùng nhiều thiết bị giết người khác như đạn súng cối bằng bình gaz,  máy phóng lựu đạn là những sợi cao su cắt ra từ ruột xe hơi, được chế tạo rất thô sơ bằng những máy móc cũng thô sơ không kém…

Túng quá hóa liều…

Trước đó, một tiểu đoàn quân đội Iraq lúc tiến vào Al-Shifa, một dãy phố nằm sát khu phố cổ ở Mosul thì họ bỗng nghe thấy một tiếng nổ dữ dội phát ra từ một ngôi nhà, hình dạng tương tự như nhà kho. Thiếu tá Salam al-Alsati, người chỉ huy tiểu đoàn này cho biết thoạt đầu, ông tưởng IS tổ chức phản công nhưng ngoài tiếng nổ ấy thì không có thêm bất kỳ một động thái nào nữa.

Ông nói: "Khi chúng tôi đến nơi, một cảnh tượng kinh hoàng xuất hiện trước mắt: 15 tay súng IS nằm chết la liệt, thân thể nhiều kẻ gần như nát bấy. Sahuddin, kẻ còn sống vì ngồi ở góc nhà, sau một chiếc xe máy nên chỉ bị thương nhẹ, khai rằng khi thấy sự xuất hiện của quân đội, một chiến binh IS là Mohammed al-Balawi đã mặc chiếc áo bom vào người với ý định sẽ xông ra tự sát" Sahuddin khai: "Chúng tôi vừa chúc anh ấy thành công đồng thời cầu nguyện đức Allah phù hộ cho anh ấy thì bỗng nhiên áo bom phát nổ. Trong số những người chết có cả kỹ sư trưởng nhà máy chế tạo vũ khí của chúng tôi…".

Theo lời khai của Sahuddin, lính Iraq tiến hành kiểm tra ngôi nhà được cho là xưởng chế tạo vũ khí. Thiếu tá Salam al-Alsati mô tả nó rộng khoảng 200m², trong đó có mấy chiếc máy tiện cũ kỹ, vài bình acetylen và oxy dùng để hàn, cắt kim loại, khá nhiều những vi mạch điện tử cùng hàng trăm chiếc bình gaz loại 12kg.

Bên trong xưởng chế tạo vũ khí của IS ở thành phố Mosul ảnh 1 Máy bay và xe bom điều khiển từ xa do các kỹ sư IS chế tạo.
Ông nói: "Sử dụng động cơ của máy cắt cỏ, bọn IS chế ra những chiếc máy bay không người lái rất thô sơ với cánh quạt bằng gỗ, thân là ống sắt  Dưới bụng máy bay là chiếc máy chụp hình kỹ thuật số, được IS lắp thêm bộ điều khiển chụp từ xa…". Một sĩ quan quân khí của quân đội Iraq cho biết có lẽ IS dùng chiếc máy bay này để chụp hình trinh sát hướng tiến quân của quân đội Iraq nhưng phạm vi hoạt động của bộ điều khiển từ xa chỉ khoảng 500m nên không tác dụng nhiều.

Ở một góc khác của xưởng, hơn 30 chiếc xe 4 bánh vận hành bằng động cơ ắc quy xếp thành hàng nhìn như đồ chơi trẻ con, thùng xe là những miếng tôn ghép lại với nhau trong đó chứa đầy chất nổ cùng những mảnh sắt vụn. Nó được kích nổ bằng một vi mạch thông qua một remorte điều khiển từ xa.

Theo lời khai của Sahuddin, IS đặt những chiếc xe này ở những góc đường, nơi lực lượng tái chiếm thành phố Mosul sẽ đi qua và ngụy trang nó rất khéo léo để khi nhìn vào, ai cũng nghĩ nó chỉ là thứ vật dụng hư hỏng. Sahuddin nói: "Khi ấy, người điều khiển sẽ cho xe lao ra rồi bấm nút cho nó nổ tung".

Trung sĩ Andrew Jackson thuộc Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, làm nhiệm vụ hỗ trợ quân đội Iraq  trong việc rà phá bom mìn cho biết loại xe bom cũng như những loại mìn do IS chế tạo bằng phương pháp thủ công được gọi chung là IED - Improvised Explosive Device - tạm dịch là "Thiết bị nổ ngẫu nhiên". Andrew Jackson nói: "Do chế tạo thủ công nên nó không hề an toàn cho những người tháo gỡ nó". Một thông tin trên tờ Washington Post cho thấy 64% những vụ thương vong của quân Mỹ và đồng minh ở Iraq kể từ năm 2003, đều do IED gây ra.

Tuy nhiên, điều kinh khủng hơn cả là những khẩu "súng cối" mà đạn là những chiếc bình gaz loại 12kg đã qua sử dụng. Bằng cách cắt bỏ phần đầu, các "kỹ sư" IS nhồi vào đó thuốc nổ cùng sắt vụn. Ở phần đuôi, họ lắp thêm liều phóng. Nòng súng là những ống sắt được hàn thêm chân chống. Đại úy Jassem al-Saadi thuộc lực lượng tái chiếm Mosul nói: "Liều phóng chỉ có thể đẩy bình gaz đi xa chừng 300m nhưng do chế tạo thủ công nên quỹ đạo bay không chính xác. Ngược lại, sức nổ của nó thật kinh hoàng".

Tác giả của phần lớn những loại vũ khí nêu trên là Mohamad Najaf, đã từng học ngành cơ khí chế tạo máy tại Đại học Công nghiệp Baghdad. Một trong những "sản phẩm" của ông ta là những giàn phóng bom bằng sợi cao su cắt ra từ ruột ô tô. Nó hoạt động theo nguyên tắc sau khi kéo căng sợi cao su hết cỡ, quả bom được hẹn giờ nổ rồi đặt vào bệ phóng. Tiếp theo, quân IS rút chốt hãm và lực đàn hồi từ sợi cao su sẽ đẩy quả bom đi. 

Trung sĩ Andrew Jackson cho biết thông thường Mohamad Najaf chỉ làm những quả bom nặng 2kg nên nó có thể bay xa được 100m nhưng cũng như loại súng cối bắn đạn bình gaz, quỹ đạo bay của loại bom này không ổn định, tỉ lệ bắn trúng mục tiêu chỉ là 2/10 nhưng nó vẫn tạo ra những hiệu ứng tâm lý cho quân đội Iraq vì không ai biết nó sẽ rơi vào đâu.

Đồng sự của Mohamad Najaf là Shatt al-Shaleed, chuyên gia về chất nổ, đã từng là đại úy công binh dưới thời cố tổng thống Saddam Hussein. Bằng cách thu nhặt những quả bom, đạn pháo bị lép, al-Shaleed tháo lấy thuốc nổ rồi biến nó thành những công cụ giết người. Bên cạnh ông ta còn có Sadin al-Qar, kỹ sư vi mạch điện tử, tác giả của những thiết bị nổ hẹn giờ.

Tuy nhiên, do chế tạo trong điều kiện thiếu thốn vật tư kỹ thuật nên có loại trở thành "phản chủ", chẳng hạn vụ nổ chiếc áo bom mặc trên người al-Balawi đã giết chết 15 tay súng IS, gồm cả "kỹ sư trưởng" Mohamad Najaf. Trước đó, lúc quân đội Iraq bắt đầu mở cuộc phản công tái chiếm Mosul, nhiều chiến binh IS đã sử dụng loại súng phóng lựu làm từ những ống sắt nên có quả đạn đã nổ ngay khi thoát ra khỏi nòng, khiến kẻ bắn và những kẻ đứng gần bên, hồn lìa khỏi xác.

Theo Thiếu tá Salam al-Alsati, khi tiểu đoàn của ông kiểm soát hoàn toàn xưởng chế tạo vũ khí, ông thấy chỉ có một máy phát điện duy nhất, cung cấp năng lượng cho những loại công cụ như máy tiện, máy hàn, máy cắt… Ông nói: "Lời khai của kẻ sống sót Sahuddin cho thấy với nguồn điện ít ỏi như vậy, các máy công cụ phải hoạt động theo chế độ luân phiên nên sản phẩm làm ra không nhiều. Như loại đạn súng cối bằng bình gaz chẳng hạn, mỗi ngày IS chỉ làm được 1 hoặc 2 quả. Bên cạnh đó, cũng không thể dễ dàng tìm thấy những bình gaz rỗng không mặc dù IS đã ra lệnh cho tất cả các hộ dân ở Mosul phải giao nộp toàn bộ các bình gaz có trong nhà họ…".

Ăn cả thức ăn hết hạn sử dụng

Nguyên nhân dẫn đến việc IS phải lập ra những nhà máy chế tạo vũ khí là vì nguồn tài chánh ngày càng cạn kiệt trong lúc chúng tiếp tục mất thêm nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq. Thời đại huy hoàng nhất của Nhà nước Hồi giáo tự xưng là 2 năm trước đây, khi IS cai trị hàng triệu người trong một khu vực kéo dài từ miền bắc Syria, qua các thị trấn, làng mạc dọc theo thung lũng sông Tigris và Euphrates đến ngoại ô Baghdad, Iraq.

Bên trong xưởng chế tạo vũ khí của IS ở thành phố Mosul ảnh 2 Một góc xưởng chế tạo vũ khí của IS ở Mosul.
Khi ấy, IS thu về hàng triệu USD dựa trên các hoạt động bất hợp pháp như chuyển lậu dầu hỏa và khí đốt, đồng thời áp đặt một hệ thống thu thuế khắc nghiệt. Ahmed Fadil, một người dân ở Mosul cho biết những năm dưới quyền kiểm soát của IS, tất cả tivi, đầu thu truyền hình vệ tinh, ăng ten parabol đều bị tịch thu, chưa kể những vật dụng mà IS cho là "lối sống trụy lạc của bọn dị giáo" như nước hoa", quần jean, rượu wishky, các đồ trang sức bằng vàng cũng phải giao nộp.

Khi quân đội Iraq mở cuộc phản công với sự yểm trợ của Mỹ và liên quân, những trận không kích nhắm vào những đoàn xe chở dầu cùng các cơ sở hạ tầng sản xuất dầu mỏ của IS đã khiến nguồn thu từ mặt hàng này giảm 90%. Nếu như năm 2015, chỉ tính riêng dầu mỏ, IS thu về 80 triệu USD mỗi tháng thì 6 tháng đầu năm 2017, con số này được Bộ Tài chính Mỹ ước chỉ còn khoảng 3,5 triệu USD.

Hassan Ahmed, một thương gia ở Mosul nói với tờ Daily News rằng ngay từ đầu năm 2017, sau nhiều cuộc đàm phán bí mật, từng đoàn xe của IS đã chở tivi, tủ lạnh, đầu thu truyền hình vệ tinh, nước hoa, quần áo, thực phẩm đóng hộp, rượu wishky, bia lon…, giao cho các thương gia đầu mối để họ phân phối cho các nhà bán lẻ.

Trong một bản phúc trình công bố hồi đầu tháng 6, Hội đồng Tư Pháp Tối cao Iraq cho biết lời khai của các tù binh IS đã thể hiện do thiếu tiền chi tiêu vào các hoạt động quân sự, những kẻ lãnh đạo IS ở Iraq đã bán tống bán tháo những loại hàng hóa tịch thu được tại các ngôi chợ ở những vùng do họ kiểm soát.

Cũng theo những lời khai này, phần lớn các chiến binh IS đều sống trong cảnh túng quẫn vì không được trả lương, thậm chí nhiều kẻ phải ăn những loại thức ăn dã chiến đã hết hạn sử dụng do Mỹ sản xuất. Những thức ăn ấy trước đây phía Mỹ cung cấp cho quân đội Iraq rồi sau những trận đánh, bị IS tịch thu và do để lâu ngày nên nó hết hạn sử dụng.

Không chỉ ở Iraq, tại Syria IS cũng liên tục gặp phải những thiệt hại nặng nề. Đài Truyền hình quốc gia Syria hôm 24-5 đưa tin Bộ trưởng Bộ Chiến tranh IS là Abu Musab al-Masri cùng 13 thành viên cao cấp người Arab Saudi và Iraq đã bị tiêu diệt trong các chiến dịch của quân đội Syria ở phía đông thành phố Aleppo.

Hôm thứ năm tuần trước, quân đội Iraq đã chiếm lại nhà thờ Hồi giáo al-Nuri, biểu tượng của thành phố Mosul, xây dựng từ thế kỷ 12. Đây cũng là nơi mà thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tự xưng mình là "Caliph" hồi năm 2014 khi IS tràn vào Mosul.

Hiện tại, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng chỉ còn khoảng 300 đến 350 tay súng, cố thủ trong một khu vực chưa tới 2km2 ở phía bắc khu phố cổ Mosul, chạy dọc theo sông Tigris. Cơ quan cứu trợ người tị nạn Liên Hiệp Quốc ước tính vẫn còn khoảng 20.000 thường dân mắc kẹt tại nơi này, trong đó nhiều trẻ em bị IS buộc phải trở thành người đánh bom tự sát.

Trung tá Salam Hussein, chỉ huy một đơn vị quân đội Iraq trong chiến dịch giải phóng Mosul nói: "Bọn chúng sử dụng cả những trẻ em gái mới chỉ 14, 15 tuổi. Hôm thứ hai, ngày 3-7, đã có 7 vụ như vậy xảy ra. Trong xác chết của một kẻ đánh bom tự sát, chúng tôi tìm thấy một tấm thẻ học sinh có dán hình một cô gái, ước chỉ 15 tuổi, nét mặt ngây thơ với chiếc khăn trùm đầu hijab màu trắng.

Chi tiết trên tấm thẻ cho thấy cô này đã từng học ở Bangladesh. Vì vậy, ở những điểm kiểm tra, nhằm ngăn ngừa những kẻ mang bom, quân đội đã buộc người dân chạy loạn phải cởi bỏ quần áo mặc bên ngoài. Một hành động chẳng lấy gì lịch sự  nhưng không thể không làm…".

Theo Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG