Bí ẩn về một 'người Việt da đen"

Bí ẩn về một 'người Việt da đen"
Đọc tên bìa hồi ký "Một người Việt da đen", nhiều người thấy lạ: người Việt sao lại đen? Bước qua sự ngỡ ngàng ban đầu ấy, cuốn hồi ký đã dẫn dắt người đọc tìm hiểu về cuộc đời của một người rất đặc biệt, một người Việt da đen đã chiến đấu, cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước.

Người Việt da đen" ấy không ai khác chính là ông Nguyễn Văn Lang, người từng là Cục trưởng Cục kiến thiết cơ bản Bộ điện và than, là chuyên viên cao cấp, trợ lý của Tổng cục trưởng Tổng cục hóa chất Việt Nam. Khi hồi ký "Một người Việt da đen" vừa được xuất bản thì ông Lang đã về cõi vĩnh hằng. Nhưng khi nhắc đến ông Lang hẳn nhiều người ở Đà Nẵng vẫn còn nhớ một người Việt da đen, tóc xoắn mang hai dòng máu Việt-Phi, làm giám đốc đầu tiên của mỏ apatite Lào Cai, vinh dự được 3 lần gặp Bác Hồ, ông cũng từng là danh thủ bóng đá xứ Trung Kỳ, rồi tham gia cách mạng cướp chính quyền tại Đà Nẵng năm 1945... Trong cuốn hồi ký, ông đã kể về sự xuất thân đặc biệt của mình: "Có một cô gái Huế hiền thục ở vào đầu thế kỷ XX, đã vượt qua sự trở ngại về ngôn ngữ, những điều tiếng thị phi về lấy chồng Tây để yêu một thủy thủ tàu viễn dương và sinh ra tôi - một đứa con lai". Như phần lớn những cuốn hồi ký cách mạng khác, "Một người Việt da đen" chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử giá trị, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nó không đơn giản chỉ là những hoài niệm về cuộc đời, về những lần cùng đội bóng "Sport Tuoranais" giữ chức vô địch toàn Đông Dương, hay đóng giả thành sĩ quan Pháp để nắm tình hình địch, rồi suýt chết vì du kích phe ta cứ đinh ninh ông là sĩ quan Pháp thật..., người đọc tìm thấy trong đó dũng khí bước qua mặc cảm hai từ "con lai" để đến với lý tưởng cách mạng, cống hiến cho đất nước của ông Nguyễn Văn Lang. Hãy nghe ông kể: "Khi được tuyên truyền Việt Minh bí mật, tôi nghĩ đây là tổ chức mình cần. Khi tôi hỏi: Những người Cộng sản có trong tổ chức này không? Các anh tuyên truyền Việt Minh trả lời: Lẽ đương nhiên rồi! Thế là tôi yên tâm, vì biết thế nào cũng có anh Từ, anh Trảng, anh Chấn và một số anh ở xóm tôi đều có trong tổ chức này". Không phải ngẫu nhiên khi ông mượn câu thơ Tố Hữu "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ" để đặt tên cho đoạn đời đáng nhớ này của ông. Từ ấy ông đã đồng hành cùng dân tộc suốt cuộc trường chinh chống Pháp, tham gia nhiều trận đánh xuất quỷ nhập thần, lập được nhiều chiến công.

Ông Lang Đen gặp lại ông Phạm Văn Ba tại Đà Nẵng

Ông Lang Đen gặp lại ông Phạm Văn Ba tại Đà Nẵng.

Danh thủ bóng đá Trung Kỳ

Với ông Nguyễn Văn Lang, Đà Nẵng và Lào Cai là quê hương của mình. Chính ở Đà Nẵng, ông đã trở thành một danh thủ bóng đá Trung Kỳ, và cũng chính từ thành phố bên bờ sông Hàn, ông giác ngộ cách mạng, gia nhập Việt Minh, vào Đảng Cộng sản Đông Dương và từng tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp ở mặt trận nóng bỏng này trên cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Thành đội trưởng. Còn Lào Cai là nơi ông hai lần được thi thố tài năng về quản lý kinh tế, vượt qua nhiều khó khăn để quản lý khai thác mỏ apatite Lào Cai làm giàu cho đất nước. Nói về Đà Nẵng, ông đã dành nhiều tình cảm cho vùng đất này. "Đà Nẵng trong ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh trên bến dưới thuyền, tàu xe qua lại tấp nập; là ngôi nhà thờ Con Gà có 33 thước chiều cao; đây là hãng sửa chữa xe hơi, kia là ga chợ Hàn, một Cổ Viện Chàm cổ kính huyền bí; một Sở Lục lộ đậm chất phương Tây và một Tòa Đốc lý uy nghi, sang trọng... Trên các lối phố, ta có thể bắt gặp những công chức, tư chức, thợ thuyền, lao động phổ thông... đi lại khắp nơi. Phần nhiều trong số họ là những phụ nữ làm nghề khuân vác ở bến tàu, một anh công nhân của một hãng buôn với dáng vẻ mệt nhọc lầm lũi bước đi..." . Hoặc "Từ đầu thế kỷ XX, Pháp thành lập Câu lạc bộ thể thao Đà Nẵng chủ yếu dành cho người Pháp và kiều dân Châu Âu, còn con em người Việt thì không được bén mảng đến. Đà Nẵng lúc đó thịnh nhất môn đá bóng và đua xe đạp; quần vợt thì chỉ có một sân duy nhất dành cho các quan Tây cùng những người Việt giàu có và thế lực. Về bóng đá, dân nghèo người Việt thì đá tại bãi đất trống Cây Quăng, đội bóng đá Hỏa xa Đà Nẵng - Rail Sport thì có sân bóng riêng thuộc khu vực ga Đà Nẵng, đội bóng đá Đà Nẵng, tức Touranais Sport thì đá tại sân vận động lớn - tức sân vận động Chi Lăng hiện nay". Người đọc sẽ tìm thấy nhiều thông tin thú vị về khung cảnh Đà Nẵng ngày xưa trong những miêu tả như thế của ông Nguyễn Văn Lang trong "Một người Việt da đen".

"Một người Việt da đen" là biệt danh do chính ông tự đặt cho mình, điều đó khẳng định rằng dù mang hình hài khác, tóc xoắn, da đen, có một nửa dòng máu Phi trong huyết quản nhưng chưa lúc nào ông Lang nghĩ mình không phải là người Việt. Dù vậy, lúc nào ông cũng đau đáu một nỗi niềm riêng về người cha của mình. Ông trăn trở: "Cho đến nay, khi đã gần khuất núi, trong tôi vẫn đau đáu một niềm riêng là làm sao biết được thân phận, gốc gác, hình ảnh người cha thân yêu của mình. Tôi đã từng nhờ nhiều bạn bè lục tìm lại các tư liệu liên quan đến vụ hỏa hoạn của con tàu viễn dương tại cảng Marseille năm nào, những mong tìm được dấu tích của ba song mọi cố gắng hầu như vô vọng". Và ông tự dặn lòng: "dù mang trong mình màu da đen song con luôn lòng dặn lòng rằng mình là người Việt Nam chính cống- một người Việt da đen!".

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG