Bị bán gả sang phương Tây

Bị bán gả sang phương Tây
Kể từ khi khối EU mở rộng thành 25 nước tháng 5/2004, người ta ghi nhận các cô gái trẻ Đông Âu bị đưa lậu sang Tây phương làm gái bán dâm đã tăng mạnh.

Anh Quốc là một trong các địa chỉ mà các cô này sang nhiều. Và hơn một nửa các cô này đến từ Lithuania.

Lithuania là một nước nhỏ vùng Baltic, một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết ngày xưa.

Phóng viên BBC đã đi điều tra tại sao các cô này bị đưa ra nước ngoài và chui chân vào nhà chứa.

...Rõ ràng cô gái tỏ ra sợ hãi, ngồi còng lưng giấu mặt trên chiếc đệm ngủ size lớn chiếm toàn bộ căn phòng nhỏ.

Bị bán gả sang phương Tây ảnh 1

Tại Lithuania làm gái điếm bị coi là phạm tội

Trong lúc nói chuyện cô gái lấy tay sờ vào chiếc thánh giá đeo trước ngực. Mái tóc của cô điểm xuyết với các sợi tóc nhuộm đỏ. Cô nói mùa hè năm trước, một người bạn thân từ hồi nhỏ đã tới gặp cô. Anh bạn này nói anh biết người ta đang tuyển mộ gái bar để đi làm tại Hà Lan.

Ở Lithuania, Chính phủ cấm mại dâm. Người bạn này nói thêm tại Hà Lan, gái điếm có thể kiếm được nhiều tiền. Tin lời người này, cô gái đồng ý ra đi theo anh ta.

Vài tuần sau cô tới Hà Lan. Và ngay sau đó cô như biến thành một tù nhân tại một nhà thổ. Người bạn của cô đã bán cô cho một nhóm băng đảng người Lithuania.

Trong nhiều tháng trời, cô đã phải chịu cảnh đánh đập, tra tấn tình dục, và phải tiếp một lượng khách rất lớn. Có lúc băng đảng đánh cô rất dữ, cô gần như chỉ có nước chết. Và hôm nay cô đang bỏ trốn, lo sợ rằng những kẻ vũ phu sẽ tìm ra được nơi ở của cô.

Câu chuyện tương tự như của cô gái được nghe thấy tương đối nhiều tại Lithuania. Năm ngoái nước này gia nhập khối EU và kể từ đó con số các cô gái trẻ được đưa lậu sang phương Tây làm trong nhà thổ đã tăng mạnh.

Các nhân viên điều tra của Anh, tương đối mất nhiều công sức để theo dõi một hiện tượng mà họ gọi là “xu hướng mới” với số liệu cho thấy những kẻ tội phạm đứng đằng sau các đường dây này đã kiếm bộn tiền.

Người ta đánh giá lợi nhuận thu được qua việc buôn lậu phụ nữ qua biên giới to lớn không kém gì buôn bán ma túy và vũ khí. Trong khi rủi ro lại nhỏ hơn.

Ngày càng có thêm phụ nữ trẻ rơi vào các đường dây buôn lậu người. Họ bị chính những người mà họ biết và tin tưởng lừa gạt.

Nhân viên thiện nguyện tại địa phương kể cho tôi nghe câu chuyện về hai cô gái vị thành niên. Bố mẹ hai em này nhận được lời đảm bảo từ người hàng xóm nói rằng hai em này khi ra ngoại quốc sẽ an toàn.

Ngay sau đó hai em bị bán gả cho động chứa. Cuối cùng khi hai em này đào thoát nhà thổ ở nước ngoài quay về làng. Không ai ở làng tin câu chuyện của hai em.

Nhiều vụ chỉ dựa vào lời kể của người này cáo buộc người khác.

Và tại Lithuania thiên hạ có xu hướng không tin những ai dính đến chuyện gái điếm, hay thậm chí là nạn nhân của việc buôn lậu người qua biên giới.

Tại một nhà tù bề thế ở vùng quê Lithuania phóng viên đài BBC đã gặp một nhân vật thuộc nhóm những người chủ mưu buôn lậu người qua biên giới vừa nhận án tù.

Haroldas ngồi tỉnh bơ trên chiếc ghế, xung quanh cổ là số tù, đằng sau anh là cai tù đi lại kiểu canh chừng. Gã này thừa nhận đã buôn bán phụ nữ. Gã không còn nhớ đã đưa bao nhiêu người vào chốn lầu xanh nữa, chắc khoảng từ 12 - 20.

Haroldas miêu tả quá trình đi tìm “hàng” từ các ngôi làng ở thôn quê như thế nào. Đầu tiên là bộ mặt xởi lởi nói với các cô gái trẻ là gã sẽ tìm việc cho họ. Sau đó tìm cách làm quen.

“Đầu tiên tôi nói với họ là hiện đang có một số việc làm tại địa phương. Sau đó tôi mời họ tới một cuộc tiếp tân nào đó, để biết họ rõ hơn. Cuối cùng tôi nói là sẽ tìm cho họ một công việc ở nước ngoài”.

Tôi hỏi Haroldas là con số các cô gái trẻ bị buôn qua biên giới có tăng không. Gã trả lời chắc chắn là tăng. Thậm chí tăng mạnh quá, đôi khi làm cho gã lo lắng.

Gã nói: “Tôi có một cô con gái. Tôi sợ đến khi nào đó con gái tôi cũng bị dính vào chuyện này”.

Haroldas ước lượng anh ta kiếm được khoảng 35.000 đô la từ việc buôn bán các cô gái Lithuania ra nước ngoài. Anh này bị tuyên án 2,5 năm tù.

Lithuania đang tìm cách củng cố liên lạc với các nhà điều tra người Anh. Tuy nhiên nước này chưa có hẳn một đội chống buôn lậu người qua biên giới.

Cảnh sát Lithuania đôi khi hay nhầm lẫn giữa nạn nhân của chuyện buôn lậu người và các cô làm gái điếm.

Tại thủ đô Vilnius, phóng viên đài BBC tới phòng làm việc của 2 chuyên viên cảnh sát với một trong các nhiệm vụ là điều tra về các đường dây gái điếm.

Tuy nhiên hai cảnh sát này còn phải làm các công việc khác như ngăn chặn người dân buôn bán xăng dầu lậu, hay truy tố những ai sở hữu nhiều chó mèo.

Cuối cùng hai nhân viên này giả vờ gọi điện thoại cho một địa chỉ có dịch vụ gái. Đồng ý giá cả xong, hai chàng cảnh sát ra quân để đặt bẫy.

Khi tôi tới địa chỉ được dặn hai cô gái đã ngồi cúi mặt gằm xuống ghế sa lông, họ đang điền vào tờ giấy nhận tội.

Căn phòng hai cô này làm việc có vẻ ẩm ướt, giấy dán tường đang bị bung ra. Trên tường là các bức ảnh đàn bà khỏa thân được cắt từ các tạp chí khiêu dâm dành cho người lớn.

Còn tại đồn cảnh sát 2 phụ nữ khác, quốc tịch Ukraina, độ tuổi khoảng 20, vừa bị bắt vì tội làm gái điếm.

Hai cô này nói họ vừa tới Lithuania tuần trước, hy vọng làm việc tại một cơ sở massage, và rồi phát hiện ra là đã bị gả bán cho một chủ nhà chứa.

Viên cảnh sát lắc đầu có vẻ như ông này không tin một lời nào của cô ta.

Trong khi đó các thiếu nữ trẻ người Lithuania đang bị bán gả sang các nhà thổ tại Anh với con số ngày càng tăng.

Bắt giữ những kẻ chủ mưu là một trong cách thức để giải quyết vấn đề. Cạnh đó còn phải nghĩ đến cách thức giảm cầu nữa.

Tại Lithuania người ta hỏi tôi “Nước Anh đã làm gì để thay đổi thái độ của đàn ông đối với gái điếm?”. Một nhân viên thiện nguyện hỏi tôi: “Tại sao đưa lậu người quan biên giới lại kiếm được nhiều tiền như vậy? Và tại sao đàn ông Anh lại muốn mua dâm từ các cô gái trẻ, với sự sợ hãi còn hằn trên khuôn mặt?”.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.