Bi kịch xả súng ở New York - Mỹ: Quẫn trí vì thất nghiệp?

Bi kịch xả súng ở New York - Mỹ: Quẫn trí vì thất nghiệp?
Nước Mỹ một lần nữa rơi vào bi kịch của những vụ xả súng giết người. Trung tâm phục vụ dân sự yên tĩnh ở thành phố nhỏ Binghamton, New York phút chốc trở thành “địa ngục” bởi một vụ thảm sát làm 14 người chết.
Bi kịch xả súng ở New York - Mỹ: Quẫn trí vì thất nghiệp? ảnh 1
Jiverly Voong, hung thủ gây nên vụ thảm sát làm rúng động nước Mỹ - Ảnh: New York Daily News

Reuters trích lời cảnh sát trưởng Joseph Zikuski nói tay súng này đã dùng ôtô chặn cửa sau của tòa nhà như thể ngăn lối thoát của những người trong tòa nhà rồi tiến vào cửa trước và xả súng bắn hạ hai người tiếp tân ở cửa.

Hung thủ người gốc Việt?

Shirley DeLucca, một trong hai tiếp tân bị bắn, kể lại rằng hung thủ không nói không rằng và xả súng ngay. Một trong hai tiếp tân thiệt mạng tại chỗ. Chị DeLucca rất thông minh, giả chết sau đó bò tới bàn tiếp tân gọi cảnh sát. 

Sau khi bắn hai nhân viên tiếp tân, hung thủ bước vào một phòng học xả súng sát hại 12 người nữa trước khi tự sát. Theo Reuters, hiện còn bốn người khác đang trong tình trạng nguy kịch.

Chỉ vài phút sau khi vụ xả súng chấm dứt, cảnh sát đã có mặt  phong tỏa hiện trường nhưng phải vài giờ sau lực lượng đặc nhiệm SWAT mới phá cửa xông vào do không rõ tình hình bên trong tòa nhà.

Cục Điều tra liên bang FBI đã huy động cả các đàm phán viên của FBI từ thành phố Albany và Syracuse tới để thương lượng với tay súng vì nghĩ đây là một vụ bắt cóc. Khi đó cảnh sát không biết là chỉ có một tay súng gây án. Do nghi ngờ có người liên quan, một số học viên nam đã bị còng tay đến khi được đưa ra ngoài. Cảnh sát trưởng sau đó đã xin lỗi về chuyện này.

Danh tánh của hung thủ vẫn còn khá mù mờ và có thông tin khác nhau. Đến nay, các hãng tin của Mỹ đều nói hung thủ có tên Jiverly Voong, 42 tuổi, và là một người VN nhập cư sống ở thành phố Johnson gần đó.

TTXVN trích nguồn tin địa phương nói tay súng có tên Linh Phat Voong. Khi đột nhập tòa nhà, kẻ sát nhân khoác áo màu xanh nhạt và đeo kính đen. Cảnh sát phát hiện thi thể thủ phạm tại tầng một của tòa nhà hắn đột nhập, bên hông vẫn đeo một con dao dùng cho người đi săn. Lực lượng Taliban ở Pakistan đã nhanh chóng nhận trách nhiệm vụ xả súng nhưng FBI bác bỏ thông tin này.

Vụ xả súng đã gây sốc toàn thành phố Binghamton, vốn là thành phố nhỏ chỉ 45.000 người, cách thành phố New York khoảng 240km về hướng tây bắc. Hạ nghị sĩ Maruice Hinchey từ Binghamton nói với New York Times rằng đây là một người nhập cư gốc VN và xe ông ta sử dụng được đăng ký dưới tên cha của mình. Jiverly Voong, được xác định là một người VN nhập cư, sống ở thành phố Johnson gần đó. Một số thông tin khác nói Voong từng sống ở California trong vài năm gần đây.

Hành động điên rồ

Bên trong trung tâm khi xảy ra vụ việc có khoảng 50 học viên nhập cư người Nga, Kurd, Trung Quốc, Ả Rập, Lào... đang học tại một số lớp. Tay súng vào lớp học đầu tiên và xả súng. Khi các nạn nhân ngã xuống, sinh viên các lớp bên cạnh nghe thấy tiếng súng.

Thanh Huynh, người phiên dịch cho một số người VN, kể với New York Times: “Họ nghe thấy tiếng súng bắn rất nhanh. Khoảng 10 phát liên tiếp. Họ chạy trốn xuống hầm và bất cứ nơi nào có thể, dưới ghế, trong tủ, trong nhà kho”.

“Tôi nghe thấy tiếng súng và khoảng năm phút sau không thấy gì nữa. Tôi nghĩ mọi thứ đã xong thì vụ xả súng lại tiếp tục. Không có ai kêu gào, la hét. Chỉ có im lặng, súng nổ, im lặng, súng nổ rồi lại im lặng - chị Zhanar Tokhtabayeba, người đang học tiếng Anh tại trung tâm, kể lại - Đó là các lớp tiếng Anh miễn phí, rất tốt nhưng giờ thì tôi sợ đến đó rồi”.

Một số người khác cũng tường thuật tương tự về khoảng lặng giữa những tiếng súng. “Họ nói với tôi rằng họ cố gắng im lặng để chạy ra ngoài” - Thanh Huynh trả lời với cảnh sát.

Tòa nhà của Hiệp hội Dân sự Mỹ thường được dùng để dạy tiếng Anh và cung cấp các dịch vụ cho những người mới nhập cư đang chuẩn bị để nhập tịch vào Mỹ. Thống đốc bang New York David Paterson đã gọi đây là “hành động bạo lực điên rồ” nhắm vào những người “muốn trở thành một phần của giấc mơ Mỹ”.

Kenneth Youmans, một người Mỹ gốc Phi, nói: “Thật là điên khùng… Đây là thành phố rất nhỏ, hầu hết mọi người đều biết nhau”. Peter Lu, 66 tuổi, từng sống ở Binghamton trong suốt hơn 20 năm, nói ông sốc khi biết tin về vụ xả súng. Ông cho biết đây là thành phố rất yên bình và luôn thân thiện với người nước ngoài.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang ở Pháp và Đức để dự hội nghị thượng đỉnh của NATO, đã nói ông “sốc và rất buồn” vì vụ xả súng này. Tình trạng xả súng sát hại người diễn ra khá phổ biến ở Mỹ, nơi súng vẫn được bày bán rộng rãi trong khi quyền sử dụng súng được hiến pháp chấp thuận.

Tháng trước, một người đàn ông ở Alabama đã xả súng sát hại 10 người, trong đó có nhiều thành viên trong gia đình. Tháng 4-2007, tại Đại học Kỹ thuật Virginia, một sinh viên đã xả súng sát hại 32 sinh viên khác trước khi tự sát.

Chỉ trong vòng 30 ngày đã có bốn vụ xả súng tại Mỹ làm tổng cộng 44 người thiệt mạng.

Quẫn trí vì thất nghiệp?

Thị trưởng thành phố Binghamton và cảnh sát ngày 4-4 cho biết tên sát nhân đã chán nản và tức giận về chuyện mất việc và trình độ tiếng Anh kém của mình. Cảnh sát trưởng Joseph Zikuski nói mọi người “đánh giá thấp và không tôn trọng” Voong do trình độ tiếng Anh của y. AP trích nguồn tin cho biết Voong mới đây đã bị IBM sa thải.

Thị trưởng Matthew Ryan nói: “Anh ta mới mất việc và có phần nào đó tức giận…vì không nói tiếng Anh tốt.” Việc Voong cố tình chặn xe ở cửa phía sau của tòa nhà cho thấy việc tiến hành xả súng là hành động có tính toán và chuẩn bị từ trước. Y chết với một vết bắn có chủ ý vào đầu.

Các quan chức Binghamton nói rõ ràng tay súng có liên hệ và là một người quen ở trung tâm - nơi thường giúp những người nhập cư và tị nạn về thông tin, thủ tục tái định cư và các vấn đề khác. Đây là thành phố của người dân lao động với khoảng 80% là người da trắng, 10% dân da đen và chỉ có một phần nhỏ là người châu Á và Mỹ Latin.

Một người chị của Jiverly Voong nói em trai bà đã đến Mỹ được 28 năm và có quốc tịch Mỹ. Anh Thái - một Việt kiều sống tại New York - nói có thông tin Voong đã xả súng vì bị thất nghiệp. Trước đó, Voong là thợ ở một tiệm sửa chữa máy hút bụi. Đã có những lo ngại của người dân bản địa về tình trạng người nhập cư, chấp nhận mức lương với giá thấp, có thể lấy mất việc của những người có quốc tịch Mỹ.

Điều tra ở thành phố Johnson cho thấy có một gia đình họ Voong với 10 người, trong đó có một người tên Linh Phat Voong.

Chị Christine Guy, người từng làm với Voong vài năm trước tại Công ty công nghệ Endicott Interconnect Technologies, cho biết Voong là một kỹ sư. “Anh ta là một người ít nói, không phải mẫu người thích bạo lực. Tôi không thể tin là anh ta làm như vậy”.  

Theo New York Times, Hiệp hội Dân sự Mỹ - một tổ chức tái định cư nhỏ - đã giúp tái định cư 53 người tị nạn qua trung tâm tại Binghamton kể từ năm 2004. Hầu hết số này là những người VN tới học tiếng Anh tại trung tâm. Đến tối 3/4, tại nhà của Voong ở thành phố Johnson, người ta thấy cảnh sát đem đi một hộp súng trường, hai chiếc hộp đen có thể là hộp của hai khẩu súng gây án, ba máy tính với ổ cứng và một số giấy tờ.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG