Bí mật cuối cùng của Saint-Exupéry

Bí mật cuối cùng của Saint-Exupéry
TP - Buổi sáng 31 tháng Bảy 1944, đúng 8 giờ 15, thiếu tá Antoine de Saint - Exupéry cất cánh từ sân bay Bastia-Borgo, thuộc Đảo Corse.
Bí mật cuối cùng của Saint-Exupéry ảnh 1
Antoine de Saint-Exupéry

Ông lái chiếc máy bay Lightning-P38F.5.B số 223, với nhiệm vụ trinh sát, chụp ảnh và họa đồ vùng Grenoble và Annecy.

Đương nhiên, đây là lãnh thổ của nước Cộng hòa Pháp của ông. Chuyến bay của ông nằm trong khuôn khổ chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên vùng Provence sau đó hai tuần. Bấy giờ ông 44 tuổi. Thế tức là ông vượt quá 9 năm độ tuổi mà quân đội Mỹ cho phép điều khiển loại máy bay nói trên.

Còn nhớ, năm 1940, do nhiều nguyên nhân, ông cùng một số trí thức và văn nghệ sỹ Pháp  bỏ sang Hoa kỳ. Ông sống và làm việc ở New York. Ngày đêm vẫn canh cánh về đất nước quê hương.

Năm 1942, ông đã lên sóng phát thanh, kêu gọi: “Hỡi người Pháp, chúng ta hãy hòa giải với nhau để phụng sự Tổ quốc !”.

Năm 1943, ông xin được tham gia kháng chiến chống phát xít Đức. Ông bày tỏ với Bộ tham mưu quân đội Hoa Kỳ nguyện vọng tha thiết muốn được trực tiếp chiến đấu và được chấp thuận.

Chuyến bay 31 tháng Bảy không ngờ là chuyến bay định mệnh. Với trình độ cao của ông về nghề nghiệp và ứng xử, không ai nghĩ ông không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và không trở về.

Dự kiến ông sẽ hạ cánh tại căn cứ của quân đội Mỹ trong khoảng 12 giờ 30 và 13 giờ hôm ấy. Song ông ra đi vĩnh viễn…

Lý giải thuyết phục cuộc lìa đời khác thường của ông không chỉ là bổn phận mà còn là lương tâm của các nhà chức trách và quảng đại bạn đọc.

Antoine de Saint-Exupéry mãi mãi đứng lại trên văn đàn nhân loại như một nhà cổ điển hiện đại đáng kinh ngạc và cực kỳ thanh xuân. Ông coi người dân thường là “trung tâm vũ trụ”, các phẩm chất cơ bản của họ là linh hồn của vẻ đẹp trần thế…

Cuối năm 1998, một dân chài người Marseille, ông Jean-Claude Biano, trong một đợt ra khơi đánh cá, nhặt được trong lưới của ông một chiếc dây đồng hồ kim loại. Xem kỹ, các chuyên gia phát hiện được chữ “Saint-Ex” khắc trên chiếc dây. Phải chăng nhà văn thân thiết kiêm tay lái máy bay sừng sỏ lâm nạn ở vùng biển này?

Báo chí xôn xao một dạo. Các đoàn thăm dò và khảo sát lại vào cuộc. Mấy năm trôi qua, vẫn chưa có kết quả. Đột nhiên, công chúng và giới cầm bút sững sờ vì một phát hiện giá trị. Đó là việc nhận dạng xác chiếc máy bay mà ông đã lái mấy chục năm xưa. Xác ấy tìm được năm 2004, ở độ sâu 87 mét, ngoài khơi vùng biển Marseille. Máy bay của Saint-Exupéry bị hỏng máy hay bị ai bắn rơi vẫn là câu hỏi  bỏ lửng…

Cho đến ngày 20 tháng Ba vừa rồi… Hôm ấy, cùng xuất hiện trên thị trường xuất bản Pháp hai cuốn sách được vồ vập đón đọc.

Một cuốn là Hồi ký của công dân Đức Horst Rippert, năm nay đã 88 tuổi. Trong cuốn ấy, ông kể trước hết về thời gian tham chiến của ông ở Pháp. Gây sốc nhất là việc chính ông đã giết chết Antoine de Saint-Exupéry.

Ngày 31 tháng Bảy 1944, rađa của sân bay Milles “bắt” được hình một phi cơ địch trên vùng trời Annercy. Horst Rippert nhận lệnh vút lên tiêu diệt. Y cưỡi một chiếc Messerschmidt ME-109, nhìn thấy ngay mục tiêu ở ba nghìn mét bên dưới.

Y nhanh chóng sáp lại gần. Y không nhả đạn vào thân mà vào cánh chiếc máy bay của nhà văn Pháp. Máy bay trúng đạn và rơi tức thì. Nó đâm nhào xuống biển. Viên phi công không thấy nhảy ra.

Vài ngày sau đó, y mới biết người lái bị hại là một tên tuổi lừng lẫy, một thần tượng của học sinh sinh viên và tuổi trẻ gần như toàn cầu. Y thú nhận tiếp: “Nếu biết (đấy là Saint-Exupéry), tôi đã chẳng bắn. Sao có thể nhằm vào ông được”.

Từ khi được đọc “cuốn sách thế kỷ” của người Pháp, Hoàng tử nhỏ, của “nạn nhân” bất đắc dĩ - xuất bản trước tiên ở Hoa kỳ năm 1943 - Horst Rippert càng ân hận.

Hết chiến tranh, y trở thành một phóng viên truyền hình của Hãng ZDF, hãng thứ hai của CHLB Đức. Sự mở rộng tầm mắt càng day dứt y về tội ác gây ra cho không những cây bút bậc thầy mà còn cho hàng triệu độc giả muôn phương.

May mắn cho y, một người dân Pháp bình thường đã cất cho y gánh nặng. Người ấy, thợ lặn chuyên nghiệp Luc Vanrell, hiện đang được cảm ơn và khen ngợi trên khắp hệ thống truyền thông và các cuộc hội ngộ hay gặp gỡ bạn hữu thầy trò.

Khi chiếc dây đồng hồ đeo tay của Antoine de Saint-Exupéry vớt lên được, anh liền tới biển Marseille, kiên trì lặn nhiều tháng, nhiều đợt và tìm thấy xác chiếc máy bay như đã đề cập.

Không thoả mãn với chừng ấy, anh tự biến thành một thám tử tư, quyết lặn lội đi tìm sự thật. Bỏ nhiều thời gian công sức, anh gặp gỡ các cựu chiến binh, lục lọi tư liệu ở Đức và Hoa kỳ.

Tình cờ, anh gặp được Lino Van Fartzen, người Đức, ông chủ của Tổ chức kiếm tìm máy bay mất tích trong chiến tranh. Sự giúp đỡ của Lino Van Fartzen là rất quan trọng, bên cạnh sự hỗ trợ của nhiều người khác.

Nhờ ông chủ Đức, anh lần ra Horst Rippert. Horst Rippert cởi mở với anh vướng mắc đè nặng trong lòng. Cuộc hạnh ngộ thôi thúc y viết cuốn Hồi ký, một bổ sung thiết thực cho cuốn Saint-Exupéry, bí mật cuối cùng mà Luc Vanrell và nhà báo Jacques Pradel cùng viết.

Kỳ thú trong cuốn sách của hai anh là tâm sự xúc động của người thợ lặn. Yêu thương và kính trọng cha đẻ của Hoàng tử nhỏ từ tuổi ấu thơ, anh không chịu nổi những giả thiết về việc Saint-Ex đột ngột từ giã bạn đọc vẫn đang mong chờ. Anh đặc biệt không tin nhà văn thân thiết của lòng anh tự tử.

Đinh Thủy Hương
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG