Bí mật hậu trường cuộc chiến Libya

Chiến đấu cơ của Pháp tới Libya đầu tiên
Chiến đấu cơ của Pháp tới Libya đầu tiên
TP - Đã có một cuộc chạy đua giữa Pháp và Mỹ trong việc đưa ra một dự thảo nghị quyết áp dụng biện pháp cứng rắn với chế độ của đại tá Gaddafi. Pháp giành được một thắng lợi ngoại giao rực rỡ nhưng với sự trợ giúp của những "bóng hồng" trong chính giới Mỹ.

>> Mỹ chấm dứt nhiệm vụ không kích tại Libya từ 2-4

Chiến đấu cơ của Pháp tới Libya đầu tiên
Chiến đấu cơ của Pháp tới Libya đầu tiên.

Tháng 10-2010, Vụ trưởng Vụ Lễ tân của Gaddafi là Nouri Mesmari cùng toàn thể gia đình đáp máy bay của Hãng Hàng không Libyan Airlines đến Tunisia. Mesmari chỉ lưu lại Tunisia vài tiếng đồng hồ. Không rõ ông ta gặp những ai nhưng vào những ngày đó và những ngày tiếp theo ông ta đã đặt cơ sở cho cuộc nổi dậy ở Kirenaika vào tháng 2-2011.

Hôm sau, ngày 21-10, Mesmari cùng gia đình đến Paris. Mục đích chính thức của ông ta là chữa bệnh nhưng ông ta không gặp bất kỳ một bác sĩ nào. Bù lại, ông ta ngày nào cũng gặp gỡ các nhân viên cơ quan tình báo Pháp.

WikiLeaks của Libya

Tại Libya, Gaddafi nhận được tin từ Paris cho biết, Mesmari không có ý định trở lại Libya và thậm chí còn bắt đầu hành động chống lại ông. Ngày 28-11, Gaddafi ký lệnh truy nã quốc tế đối với Mesmari.

Người Pháp lo ngại và phản ứng bằng cách giam giữ Mesmari trong một căn phòng sang trọng tại khách sạn Concorde Lafayette. Khi được biết Mesmari xin tị nạn chính trị tại Pháp, Gaddafi nổi giận và cáo buộc Bộ trưởng Ngoại giao của ông về tội đã để Mesmari chạy trốn.

Ngày 23-12-2010, có ba người Libya là Fardj Sharran, Fatkhi Bukhris và Al-Un Mansuri đến gặp Mesmari. Chính những người này đã tổ chức cuộc nổi dậy chống chính phủ Gaddafi tại Benghazi ngày 15-2 vừa qua. Mesmari trở thành Wikileaks Libya khi ông ta trao cho Pháp những bí mật có tính chất quân sự và quốc phòng của Libya và kể về tình hình chính trị nội bộ Libya.

Những người bạn Pháp của ông ta đặc biệt quan tâm đến những mâu thuẫn trong ban lãnh đạo Libya và tâm trạng người dân trong các bộ tộc và dòng họ ở Libya. Như vậy, có thể nói, Mesmari đã đặt mọi quân bài lên bàn. Trên cơ sở đó người Pháp kết luận rằng chế độ Gaddafi yếu ớt có thể lật đổ ông ta được.

Ngày 22-1-2011, Giám đốc cơ quan đặc vụ thành phố Kirenaika là tướng Aoud Saaiti bắt giữ Đại tá không quân Heani. Ngày 24-1, Heani bị giải về nhà tù ở thủ đô Tripoli và bị buộc tội gây ra những vụ rối loạn tại Kirenaika. Nhưng đã quá muộn. Heani và đồng sự đã làm xong công việc của mình. Ngày 15-2, miền đông Libya bắt đầu cuộc nổi dậy chống chính phủ.

Ông Sarkozy quyết đánh Libya
Ông Sarkozy quyết đánh Libya.

Pháp cố vượt trước Mỹ

Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ mở đường cho cuộc không kích Libya. Có thể nói đây là kết quả hoạt động của Pháp tìm cách vượt trước phái diều hâu Mỹ. Sáng 16-3-2011, đại diện của Mỹ tại LHQ là Susann Rice vô cùng tức giận.

Tối hôm trước, bà đã soạn thảo xong bản dự thảo nghị quyết về Libya và muốn là người đầu tiên đệ trình nó lên Hội đồng Bảo an. Nhưng bà hết sức ngạc nhiên và phẫn nộ khi biết đồng nghiệp người Pháp của bà là Gerard Araud đã đi trước một bước, chỉ sớm hơn chút ít và ông ta đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an một bản dự thảo nghị quyết tương tự.

Bởi vậy, các ông lớn thành viên Hội đồng Bảo an thảo luận và bỏ phiếu trước bản đề án của Pháp chứ không phải bản đề án của Mỹ. Rice gọi điện cho Araud và bực tức bảo ông ta: “Anh đã đánh cắp bản dự thảo nghị quyết của tôi”.

Từ những bí mật quân sự và quốc phòng của Libya mà Pháp có được từ Nouri Mesmari, Vụ trưởng Vụ Lễ tân của Gaddafi, người Pháp kết luận rằng “chế độ Gaddafi yếu ớt và có thể lật đổ ông ta được”.

Sau cuộc trò chuyện với Tổng thống Sarkozy, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppé quyết định bãi bỏ chuyến đi Berlin và lên đường sang New York. Nhiệm vụ của ông là thuyết phục bằng được những thành viên còn lưỡng lự trong Hội đồng Bảo an ủng hộ bản dự thảo nghị quyết của Pháp. Nhưng điều quan trọng không kém là làm mọi người hiểu rằng chính Pháp chứ không phải Mỹ đã đệ trình bản dự thảo nghị quyết đó.

Phía Pháp dĩ nhiên không muốn bị phía Mỹ qua mặt mặc dù lúc đầu người Mỹ vẫn đi trước một bước. Ngày 23-2, tức là một tuần sau khi cuộc nổi dậy bắt đầu ở Libya, Tổng thống Obama tuyên bố Gaddafi “phải ra đi”.

Ai cũng tưởng Mỹ muốn mở đầu cuộc can thiệp quân sự vào Libya. Nhưng thực ra, đấy chỉ là “đòn gió”. Obama chưa muốn can thiệp bằng quân sự mà tin rằng ông ta chỉ cần cao giọng là Gaddafi sẽ sụp đổ như Tổng thống Ai Cập Mubarak.

Pháp cũng tưởng Mỹ muốn can thiệp quân sự. Bởi vậy ngày hôm sau, Ngoại trưởng Alain Juppé (ông ta còn là Bộ trưởng Quốc phòng) cũng tuyên bố yêu cầu Gaddafi phải ra đi. Đây là sự quay ngoắt 180 độ bởi vì trước đó Pháp đã từng chủ trương không can thiệp vào Tunisia và Ai Cập.

Ngay sau khi nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao, Alain Juppé vào ngày 3-3-2011 đã cùng người đồng nhiệm Anh là William Hague thảo luận về việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya. Pháp cho rằng việc can thiệp quân sự không còn xa nữa.

Nhưng chỉ vài giờ sau, Pháp đã bị dội một gáo nước lạnh. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố những ai ủng hộ mở mặt trận thứ ba chống thế giới A Rập “đã đến lúc cần đưa vào viện tâm thần”. Người Pháp bối rối và rơi vào thế bế tắc.

Nếu Mỹ đã chủ trương không can thiệp quân sự thì thật khó thuyết phục những nước khác ủng hộ quan điểm của Pháp. Nhưng thật may là một biến cố mới đã xuất hiện vào lúc 22 giờ đúng vào hôm 3-3 đó. Vào thời điểm đó, nhà triết học nổi tiếng Pháp và đồng thời là bạn thân của Tổng thống Sarkozy là Bernar-Henri Levy đang có mặt tại Benghazi.

Levy gọi điện cho Tổng thống Sarkozy đề nghị Tổng thống tiếp đoàn đại biểu lực lượng nổi dậy ngay tại Điện Élysée. Sarkozy hiểu ngay rằng việc này có thể giúp cho ông. Hơn nữa, trong suốt mấy ngày gần đây, ông đã nhiều lần tìm cách tiếp xúc với quân nổi dậy.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã sử dụng đoàn hộ tống nhân đạo để bí mật đưa các nhà ngoại giao Pháp đến Benghazi nhằm tiếp xúc với các thủ lĩnh phe đối lập Libya. Nhưng đoàn đại biểu bí mật này chỉ hôm sau mới đến được Benghazi. Mà thời gian đã quá gấp gáp. Sarkozy liền quyết định nhận lời đề nghị của Levy.

Ngày 10- 3, Levy cùng ba đại biểu phe đối lập Libya đến Điện Élysée. Họ được đón tiếp nồng nhiệt bởi vì ông Sarkozy đang cần khuấy động cộng đồng quốc tế. Tại Libya, tình hình mỗi ngày một xấu đi mà Tổng thống Obama lại chưa đồng ý hành động ngay.

Thuyết phục Obama

Tổng thống Sarkozy quyết định tung hết quân bài. Được ông đồng ý, các đại diện phe đối lập Libya tuyên bố Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Hội đồng dân tộc quá độ đối lập ở Libya là người đối thoại duy nhất. Levy nói thêm, Pháp sẵn sàng mở đầu chiến dịch quân sự chống Gaddafi cho dù phải hành động một mình. Lời tuyên bố đó gây phẫn nộ nhưng lại có tác dụng, trước hết là đối với Mỹ.

Ngày hôm sau, Thượng nghị sĩ đầy thế lực Linsey Gram nói rằng nước Mỹ cũng cần mạnh dạn như Pháp trong vấn đề Libya. Tiếp đó, hai cựu ứng cử viên Tổng thống là John Kerry thuộc đảng Dân chủ và John McCain thuộc đảng Cộng hoà cũng đòi Mỹ phải bắt đầu hành động khi còn chưa quá muộn. Nhưng Lầu Năm góc chống lại. Giám đốc cơ quan tình báo quân sự công khai khẳng định Gaddafi sẽ chiến thắng quân nổi dậy và Washington chẳng có việc gì làm ở đấy.

Người Pháp đặt những niềm hy vọng cuối cùng vào nữ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ngày 14- 3, bà Hillary đến Paris dự Hội nghị không chính thức khối G8. Trong bữa trưa, các bên không thoả thuận được với nhau về vấn đề Libya.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Westerwelle không muốn nghe điều gì về hành động quân sự, hệt như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov. Dường như mọi việc đã rõ: Sẽ không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Bà Hillary trở về khách sạn và đồng ý gặp đoàn đại biểu phe đối lập ở Libya và cựu Đại sứ Libya tại Ấn Độ, người đã chuyển sang phe đối lập. Cuộc gặp gỡ do Levy và Quốc vương Qatar đứng ra tổ chức này sẽ đóng vai trò quyết định.

Nhìn bề ngoài thì cuộc gặp diễn ra không thành công. Hillary nói với những người Libya rằng Mỹ không sẵn sàng bỏ phiếu cho bản nghị quyết bởi vì trong chính phủ Mỹ có những bất đồng rất lớn. Các đại diện phe đối lập Libya hết sức thất vọng. Nhưng rút cuộc, họ vẫn đạt được mục đích.

Đêm khuya hôm đó, Hillary thảo luận tình hình Libya qua liên lạc vidéo với các cố vấn của Tổng thống Obama, trong đó có Susann Rice. Hillary nói với họ là tình hình Libya hết sức tuyệt vọng và nếu không làm gì thì Gaddafi sẽ chiến thắng và Mỹ sẽ lại bẽ mặt.

Hillary còn cho biết Quốc vương Qatar cam đoan các nước vùng Vịnh sẵn sàng trợ giúp Phương Tây về quân sự. Giờ đây chỉ còn việc thuyết phục Tổng thống Obama vượt qua được những lý lẽ phản đối của Lầu Năm Góc và CIA. Đồng thời, Hillary còn đề nghị Susann Rice soạn thảo một bản dự thảo nghị quyết cứng rắn.

Tối hôm đó, sau bữa ăn chính thức, Tổng thống Obama triệu tập các cố vấn của ông. Obama tuyên bố đã đến lúc hành động.

Vũ Việt
Theo MK.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG