Bị Mỹ ép, Trung Quốc lặng lẽ thay đổi

Dù phản ứng gay gắt trước việc một lãnh đạo của Huawei bị bắt, Trung Quốc đến nay vẫn kìm chế đáp trả. (Ảnh: NYT)
Dù phản ứng gay gắt trước việc một lãnh đạo của Huawei bị bắt, Trung Quốc đến nay vẫn kìm chế đáp trả. (Ảnh: NYT)
TPO - Khi tiến trình thương lượng Mỹ - Trung đang diễn ra, Trung Quốc cuối cùng có thể bị trói tay vì yếu thế kinh tế hơn.

Vụ bắt giữ một lãnh đạo của hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc gần đây có vẻ sẽ châm ngòi cho một cuộc thách đấu chính trị giữa Bắc Kinh và Washington.

Người bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ là Mạnh Vãn Châu, con gái của một trong những lãnh đạo doanh nghiệp được ngưỡng mộ nhất ở Trung Quốc. Bà Mạnh là một trong những người điều hành Huawei trong cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thống trị thế hệ công nghệ viễn thông tân tiến nhất. Việc bà bị bắt giữ, được Trung Quốc coi là sự đối đầu trực tiếp, xảy ra vào thời điểm dư luận và lãnh đạo Trung Quốc đang ngờ rằng Mỹ muốn phong tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng một cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc chỉ xử lý theo hướng đây là vụ mâu thuẫn về vấn đề thực thi pháp luật, trong khi nước này vẫn đang thực hiện một số nhượng thương mại để tháo ngòi căng thẳng.

Cách xử lý của Trung Quốc xuất phát một phần từ vị thế của kẻ yếu hơn. Nền kinh tế của nước này đang chứng kiến những dấu hiệu đáng lo ngại, gây áp lực chính trị lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các quan chức Mỹ nhận ra đòn bẩy họ đang có, đó là sử dụng công cụ thuế quan để ép Bắc Kinh phải chấp nhận những nhượng bộ mà họ đã bác bỏ hoặc trì hoãn từ lâu.

Dù là người thách thức vị trí lãnh đạo toàn cầu hàng đầu của Mỹ trực tiếp hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Mao Trạch Đông, ông Tập trong những tuần gần đây đã cho triển khai hàng loạt thỏa thuận đạt được với ông Trump tại Buenos Aires vào tháng này. Lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu gỡ những rào cản đối với thực phẩm, năng lượng và ô-tô Mỹ, ngay cả khi Mỹ vẫn duy trì thuế lên lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc.

Dù thỏa thuận này ban đầu được nhất trí như một sự đình chiến tạm thời, cả hai nước đang thúc đẩy để tiến tới thỏa thuận lâu dài nhằm tạo khuôn khổ cho mối quan hệ ổn định hơn cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong tuần này đã điện đàm với Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để vạch ra lộ trình ban đầu cho đàm phán, với mục tiêu là tổ chức gặp mặt trực tiếp vào tháng tới.

“Chính phủ Trung Quốc thực sự muốn đàm phán một thỏa thuận với Mỹ để hạ hỏa xung đột, không chỉ vì những khó khăn kinh tế hiện nay ở Trung Quốc mà còn vì quan  hệ dài hạn với Mỹ”, ông Tu Xinquan, Giám đốc Viện nghiên cứu WTO tại Bắc Kinh, đánh giá.

Tuy nhiên, thỏa thuận đình chiến vẫn mong manh và các cuộc đàm phán sắp tới có thể dễ dàng trật bánh. Bắc Kinh dù đã bắt đầu nhượng bộ nhưng vẫn chưa đủ nhiều để giải quyết những điểm nghẽn lớn nhất đối với lực lượng chính trị gia diều hâu trong chính quyền Trump, như vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ và thâm hụt thương mại. Và vụ việc của Huawei có thể dễ dàng leo thang, làm tăng sức ép từ dư luận trong nước khiến Chủ tịch Trung Quốc phải hành động.

Nếu tư tưởng dân tộc bùng phát, quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong những lần căng thẳng như vậy trước đây, phải mất một thời gian mới có thể phá băng.

Khi Mỹ đánh bom trúng đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, Serbia, năm 1999, cái chết của 3 công dân Trung Quốc đã tạo nên một làn sóng giận dữ và phẫn nộ với Mỹ. Sự lạnh giá trong quan hệ Mỹ - Trung hồi đó kéo dài suốt mấy tháng, ngay cả khi nhà lãnh đạo Trung Quốc hồi đó là Chủ tịch Giang Trạch Dân có cách tiếp cận với Mỹ thân thiện hơn ông Tập hiện nay.

Phó Chủ tịch Huawei bị bắt ở Canada hôm 1/12 theo yêu cầu của Mỹ vì cáo buộc bà lừa dối các tổ chức tại chính, khiến họ vi phạm các lệnh trừng phạt chống lại Iran. “Nếu bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ thì chính phủ Trung Quốc sẽ khó kiểm soát cơn thịnh nộ của dư luận, khi đó các lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải cứng rắn hơn với Mỹ và Canada”, nhà nghiên cứu Tu nói.

Cùng với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đạt được ở Buenos Aires, các lãnh đạo Trung Quốc cũng đang chuẩn bị hàng loạt bước đi nhằm mở cửa nền kinh tế cho thương mại và đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nước này sắp kỷ niệm 40 năm thực thiện cải cách kinh tế thời hậu Mao Trạch Đông. Cách làm này sẽ tạo cơ hội để ông Tập đưa ra các biện pháp thân thiện với thị trường hơn mà không phải nhượng bộ vì áp lực của Mỹ.

Chưa biết liệu những điều đó có khiến chính quyền Mỹ, quan trọng hơn là ông Trump, thỏa mãn hay không.

Những cố vấn kinh tế của ông Trump đang theo dõi Trung Quốc cực kỳ thận trọng. Những người như ông Lighthizer, trưởng đoàn đàm phán với Trung Quốc, vẫn rất hoài nghi rằng Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn cần thiết để loại bỏ mối đe dọa bị áp thuế mới. Bắc Kinh bị coi là hứa nhiều lần nhưng không làm hoặc làm không đủ.

Những dấu hiệu đáng ngại

Trung Quốc khẳng định sẵn sàng cắt mức thuế từ 40 xuống 15% đối với ô-tô Mỹ. Nhưng mức thuế 15% đã được Trung Quốc áp dụng với ô-tô từ tất cả các nước khác, và mức 40% chỉ là biện pháp trả đũa mà Bắc Kinh đưa ra sau khi Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn duy trì thuế giá trị gia tăng 16% lên tất cả các loại ô-tô, bao gồm cả ô-tô nhập khẩu.

Khi nội các Trung Quốc giao nhiệm vụ cập nhật cho các chính quyền địa phương vào đầu tuần này, một trong những cái gai đối với ông Trump đã không còn được nhắc tới: Made in China 2025, chính sách nhằm đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường công nghệ cao. Thay vào đó, trong danh sách giao nhiệm vụ nói đến nội dung dung chung chung hơn là chính phủ hỗ trợ nâng cấp công nghiệp và “chuyển đổi công nghệ”.

Ông David Malpass, Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế, phát biểu trong phiên điều trần trước quốc hội hôm 12/12 rằng chính quyền Trump sẽ không chấp nhận lời hứa từ Trung Quốc mà không có thẩm tra.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu trên đài CNBC hôm 12/12 rằng sáng kiến Made in China đã gây phản ứng gay gắt từ các nước khác, nhưng ông không tin Trung Quốc đã bỏ chương trình này.

Khi tiến trình thương lượng đang diễn ra, Trung Quốc cuối cùng có thể bị trói tay vì yếu thế kinh tế hơn.

Rất khó để đánh giá chính xác nền kinh tế Trung Quốc đến nay đã bị ảnh hưởng đến mức nào do chiến tranh thương mại với Mỹ. Nhiều nhà kinh tế học nói rằng số liệu Trung Quốc cung cấp không đáng tin cậy, và Bắc Kinh kiểm soát thông tin rất chặt chẽ. Nhưng một số ngành như bất động sản và ô-tô đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy tình trạng sụt giảm diễn ra mạnh hơn sau mỗi tháng.

Sản lượng bán ô-tô tụt giảm trong mùa Thu năm nay mạnh hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các lãnh đạo ngành công nghiệp ô-tô cho rằng sự suy thoái đột ngột này là do sự sụp đổ niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, chủ yếu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây ra. Nhiều công ty đa quốc gia đang đánh giá lại chiến lược của họ ở Trung Quốc, gây đe dọa cho triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài và công nghệ cao trong những ngành đó vào Trung Quốc.

“Nếu không có Volkswagen, Trung Quốc sẽ không là số 1 trong sản xuất ô-tô như hiện nay”, ông David Li, một nhà kinh tế học nổi tiếng đang công tác tại ĐH Thanh Hoa, nói như vậy tại một hội nghị do trường tổ chức cuối tuần trước để đánh giá các bài học chính sách trong 40 năm qua của Trung Quốc.

Tác động từ việc kinh tế tăng trưởng chậm lại và nguy cơ giảm thu hút đầu tư nước ngoài được phản ánh trên thị trường chứng khoán và tiền tệ trong năm nay.

Những dấu hiệu đó dường như đã ảnh hưởng xấu đến tình cảm của người dân Trung Quốc đối với ông Tập, ít nhất là trong giới tinh hoa kinh tế và chính trị của nước này ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Các nhà quan sát cho biết, những phàn nàn về sự quản lý của ông Tập rất ít cách đây 6 tháng, nhưng nay xuất hiện nhan nhản trong những cuộc nói chuyện riêng tư.

Đối với ông Tập, cân bằng giữa áp lực trong và ngoài nước sẽ là nhiệm vụ rất quan trọng khi Trung Quốc bước vào giai đoạn đàm phán tiếp theo.

Theo theo NYT
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.