Bị phương Tây chỉ trích, bác sĩ Nga khẳng định vắc-xin COVID-19 'đơn giản, hiệu quả'

Ảnh minh họa: Moscow Times
Ảnh minh họa: Moscow Times
TPO - Việc Nga cấp phép cho vắc-xin chống COVID-19 đầu tiên trên thế giới đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế, nhưng cũng hứng chịu làn sóng chỉ trích của các nước phương Tây.

Sau gần nửa năm chiến đấu với đại dịch, hôm qua, 11/8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép cho vắc-xin COVID-19 (có tên Sputnik V), và dự kiến sẽ sớm đưa vào sản xuất đại trà.

Tuy nhiên, thông tin về vắc-xin COVID-19 của Nga không được giới truyền thông phương Tây đón nhận một cách tích cực.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, tỏ ra nghi ngờ về tính an toàn, hiệu quả của vắc-xin, thậm chí còn đặt câu hỏi về việc vắc-xin này có thật hay không.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng thông tin về các thử nghiệm trên người của vắc-xin không được cung cấp đầy đủ cho công chúng. Các cuộc thử nghiệm cũng được tiến hành trên quy mô nhỏ, với chỉ 76 người (giai đoạn 1) và 100 người (giai đoạn 2).

Chưa kể, các thành vien của Viện Nghiên cứu Gamaleya (nơi phát triển vắc-xin) vì tự tin vào hiệu quả của sản phẩm này nên đã tự nguyện tiêm vắc-xin cho mình.

Tuy nhiên, theo ông Sergei Tsarenko - Phó trưởng khoa gây mê - hồi sức tại bệnh viện Moscow số 52, vắc-xin Sputnik V là công cụ an toàn và đáng tin cậy để giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19.

Ông Tsarenko nhấn mạnh vắc-xin do Viện Gamaleya phát triển có thể được tin dùng, vì vị thế của Viện này trong cộng đồng dịch tễ giống như “Mercedes” trong ngành công nghiệp xe hơi.

“Cho đến nay, kháng thể chống COVID-19 chỉ có thể sản sinh sau khi người bệnh hồi phục. Nhưng cũng có một lựa chọn khác an toàn hơn: chủng ngừa”, ông Tsarenko nói.

Vắc-xin Sputnikk V về cơ bản gồm 2 thành phần. Thành phần thứ nhất là một loại virus adeno (virus cảm cúm) vô hại, đóng vai trò như bệ phóng đưa thành phần thứ hai là một đoạn bộ gen COVID-19 vào cơ thể người.

Ông Tsarenko cho biết cơ thể người sẽ tạo phản ứng miễn dịch với cả virus adeno và gen COVID-19. Nhưng đây chỉ là phản ứng tạm thời, do đó cần tiêm thêm mũi thứ 2.

“Để kéo dài thời gian miễn dịch, thì phải tiêm mũi thứ 2 sau đó 3 tuần. Tuy nhiên lần này sử dụng một “bệ phóng” khác là một loại virus adeno khác. Kết quả là, cơ thể sẽ không tạo ra miễn dịch quá mạnh với cả 2 loại virus adeno, nhưng có miễn dịch mạnh mẽ chống lại virus SARS-CoV-2.”

Phương pháp này được gọi là vectơ virus, được phát triển bởi Viện Gamaleya cách đây rất lâu, và từng được thử nghiệm trong một số loại sinh phẩm như vắc-xin chống Ebola, và vắc-xin chống một loại virus corona khác là MERS.

Theo ông Tsarenko, mọi người không nên đặt câu hỏi về việc vắc-xin Sputnik V có an toàn, hiệu quả hay không, mà nên thắc mắc vì sao vắc-xin của Nga lại bị phương Tây chỉ trích.

Bởi những “chuyên gia độc lập” đang nghi ngờ về vắc-xin của Nga có thể cũng là người tham gia sản xuất các loại vắc-xin khác, ông Tsarenko nhận định.

Theo Theo Sputnik
MỚI - NÓNG