Biển Đông lên bàn đối thoại chiến lược Mỹ-Trung

Tàu Hải cảnh Trung Quốc (phải) chủ động đâm húc tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam
Tàu Hải cảnh Trung Quốc (phải) chủ động đâm húc tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam
TP - Định giá đồng nhân dân tệ, an ninh mạng, chương trình hạt nhân Triều Tiên, tình hình căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong tranh chấp ở biển Đông, Hoa Đông sẽ là những chủ đề lớn được đề cập trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 6 diễn ra ngày 9/7 tại Bắc Kinh.

Theo Reuters ngày 8/7, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew dẫn đầu phái đoàn Mỹ, trong khi Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì dẫn đầu đoàn Trung Quốc. 

Ngoại trưởng Kerry sẽ nêu những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ về tình hình căng thẳng leo thang và những yêu sách chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc ở biển Đông. 

Washington bày tỏ lo ngại trước những hành động ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và Hoa Đông. Mỹ có thể kêu gọi Trung Quốc và những quốc gia liên quan làm rõ những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của mình, bảo đảm rằng chúng phải phù hợp luật pháp quốc tế. “Chúng tôi nhận thấy sự mơ hồ về yêu sách lãnh thổ có thể gây mất ổn định và có thể dẫn tới va chạm, thậm chí xung đột”, quan chức Mỹ nói.

VOA News dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này sẽ đưa vào nội dung đối thoại Mỹ-Trung vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Mỹ luôn nhấn mạnh rằng, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng đã chỉ trích Trung Quốc đưa giàn khoan xuống khu vực biển Đông đang có tranh chấp. 

GS Hillary Mann Leverett ở Đại học Mỹ cho rằng, có nhiều nước liên quan tranh chấp ở biển Đông, trong đó Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị thiệt hại nhất. Bà nhận định: “Nhật Bản lẫn Philippines đều có hiệp định an ninh với Mỹ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các nước này. Nhưng chúng ta không có hiệp định với Việt Nam. Vì vậy, Trung Quốc có thể lấn ép Việt Nam nhiều hơn Nhật Bản hay Philippines”.

Theo chuyên gia Michael Auslin thuộc Viện Kinh doanh Mỹ, việc Washington không thể hiện lập trường rõ ràng về các tranh chấp ở biển Đông không phải điều hay. Ông nói: “Nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách của chúng ta phải đình chỉ hay tê liệt khi thấy Trung Quốc hành động một cách hung hăng. Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm được. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama, ít nhất trong nhiệm kỳ này, đã quyết định không can dự”. Ông Auslin cho rằng, thái độ đó đã làm giảm giá trị của cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung.

Ông Jia Qingguo, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cố vấn chính sách đối ngoại của chính phủ Trung Quốc, cho rằng, với hàng loạt mối bất đồng sâu sắc, cuộc đối thoại chiến lược thường niên Mỹ-Trung (kéo dài 2 ngày) có thể không đạt được nhiều kết quả. Quan hệ hai nước đang trong thời kỳ sa sút. Vai trò của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế giờ đây chỉ có tác dụng nâng đỡ quan hệ đôi bên, không để rơi vào tình trạng xấu hơn.

Tranh cãi về tấn công mạng

Việc Mỹ-Trung cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công và hoạt động gián điệp mạng đã khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng. 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan trực tiếp của chính phủ Trung Quốc trong việc thâm nhập mạng”. Tháng 5, Washington truy tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc về tội tấn công mạng các doanh nghiệp Mỹ. Bắc Kinh nhanh chóng trả đũa bằng cách đình chỉ nhóm làm việc chung về vấn đề an ninh mạng. Reuters nhận định, Ngoại trưởng Kerry sẽ đối mặt sự giận dữ của các quan chức Trung Quốc, vốn coi Mỹ là đạo đức giả sau những tiết lộ của cựu nhân viên mật vụ Edward Snowden. 

Bộ trưởng Tài chính Jack Lew tuyên bố sẽ ép Trung Quốc đẩy mạnh cải cách kinh tế và tăng giá đồng nhân tệ.

Ngày 7/7, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành có bài viết “Ai là kẻ gây bất ổn tại biển Đông - Vài lời với Đại sứ Ninh Phú Khôi” đăng trên báo Matichon (Thái Lan), phản bác những luận điệu sai trái của Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan về vấn đề biển Đông. 

Trước đó, ngày 23/6, trên tờ báo này, Đại sứ Trung Quốc Ninh Phú Khôi trình bày quan điểm về vấn đề biển Đông, trong đó có nhiều lập luận thiếu cơ sở. 

Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng, thông tin mà Đại sứ Ninh nêu trong bài cho rằng “Việt Nam quấy rối hoạt động của Trung Quốc” thực chất là chép lại tài liệu đề ngày 8/6 được công bố trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.