Biểu tình chống Tổng thống lan rộng ở Ai Cập

Biểu tình chống Tổng thống lan rộng ở Ai Cập
TP - Hôm qua, đông đảo người dân Ai Cập biểu tình ở thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác như Alexandria, Port Said…, đòi Tổng thống Mohammed Morsi từ chức sau một năm cầm quyền.

> Liệu tổng thống Ai Cập Morsi có bị hạ bệ sớm?

Lực lượng đối lập vẫy cờ và khẩu hiệu phản đối Tổng thống Mohammed Morsi và lực lượng Anh em Hồi giáo. Ảnh: Getty Images
Lực lượng đối lập vẫy cờ và khẩu hiệu phản đối Tổng thống Mohammed Morsi và lực lượng Anh em Hồi giáo. Ảnh: Getty Images.

Hàng nghìn người tập trung tại Quảng trường Tahrir ở Cairo, tâm điểm của các cuộc biểu tình dẫn tới sự ra đi của cựu Tổng thống Hosni Mubarak hai năm trước. Cuộc biểu tình mới nhất trùng với dịp kỷ niệm một năm ông Morsi được bầu làm tổng thống Hồi giáo đầu tiên của Ai Cập. Những người chỉ trích Tổng thống Morsi nói rằng, ông đã đặt chương trình nghị sự Hồi giáo của tổ chức Muslim Brotherhood (Anh em Hồi giáo) trước quyền lợi của số đông. Tại Cairo, những người chống đối ông Morsi hô vang: “Irhal! Irhal!” (Ra đi! Ra đi).

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Alexandria - thành phố lớn thứ hai ở Ai Cập. Tại thành phố Port Said có kênh đào Suez, người biểu tình dựng một sân khấu lớn ở quảng trường trung tâm, kiểm tra danh tính những người ra hoặc vào quảng trường. Những người ủng hộ Tổng thống Morsi cũng tập trung ở một số thành phố lớn. Nhiều vụ tụ tập phản đối trước đây không diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng lần này có thể sẽ khác. Quân đội cảnh báo họ sẽ can thiệp nếu các chính trị gia vẫn bế tắc và tình trạng bạo lực vượt ngoài tầm kiểm soát.

Hàng loạt bài viết trên báo chí nhà nước như “Ai Cập chìm trong sợ hãi”, hay “Ai Cập dưới miệng núi lửa” nói lên quan điểm của chính phủ, rằng các thủ lĩnh đối lập có thể để cho tình trạng bạo lực còn sót lại từ chế độ cũ lật đổ nhà lãnh đạo được bầu cử tự do đầu tiên của đất nước. Nhiều tờ báo tư nhân khuyến khích người biểu tình trên phố hành động để ép ông Morsi kết thúc năm đầu tiên nắm quyền bằng những dòng tít như: “Thẻ đỏ cho Tổng thống”, “Ngày phán quyết”…

Các lãnh đạo đối lập nói rằng, gần một nửa dân số trong độ tuổi bỏ phiếu, 22 triệu người, đã ký vào lá đơn kiến nghị kêu gọi tiến hành bầu cử mới, cho dù vẫn chưa thấy ứng viên nổi bật nào đối chọi với ông Morsi. Với sự hỗ trợ của quân đội do Mỹ hậu thuẫn và trong bối cảnh các cường quốc thế giới đang lo sợ bạo lực có thể đẩy tình hình ở Trung Đông vốn đã rắc rối đi quá xa, lực lượng Anh em Hồi giáo của ông Morsi và các đồng minh cam kết bảo vệ điều mà họ gọi là trật tự hợp pháp.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế cộng thêm hỗn loạn và bế tắc chính trị có thể đẩy những người dân mang tư tưởng ít cực đoan tham gia vào lực lượng đồng minh. Tuy nhiên, nhiều người dân đã quá mệt mỏi vì rối loạn và nghi ngờ khả năng thế hệ lãnh đạo mới có thể làm tốt hơn. Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Ai Cập tập trung đối thoại, đồng thời cho sơ tán các nhân viên ngoại giao Mỹ giữ vị trí ít quan trọng để tránh khả năng bạo lực bùng phát.

Trúc Quỳnh
Theo CNN, BBC, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG