Bin Laden từng bị cảnh sát dừng xe vì chạy quá tốc độ

Bin Laden từng bị cảnh sát dừng xe vì chạy quá tốc độ
TP - Bin Laden từng bị cảnh sát dừng xe vì chạy quá tốc độ, nhưng lại thả cho đi, do sự yếu kém của lực lượng an ninh và tình báo Pakistan. Một bác sĩ người Pakistan đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố, nhưng sau đó vẫn phải ngồi tù vì Mỹ làm ngơ. Bin Laden tránh bị máy bay không người lái phát hiện bằng cách đội mũ cao bồi…

> Bin Laden chết vì ‘phát đạn ăn may’
> Lộ diện ‘sát thủ giấu mặt’ trong vụ Bin Laden và Gaddafi

Khu nhà từng là nơi ở của bin-Laden (ảnh nhỏ) tại vùng tây bắc Pakistan. Ảnh: Getty Images và AP
Khu nhà từng là nơi ở của bin-Laden (ảnh nhỏ) tại vùng tây bắc Pakistan. Ảnh: Getty Images và AP.

Đó là một số thông tin trong báo cáo mật được viết bởi một ủy ban điều tra do chính phủ Pakistan lập ra năm 2011, sau khi Mỹ bí mật đưa lính đặc nhiệm vào lãnh thổ nước này tiêu diệt trùm khủng bố. Báo cáo bị rò rỉ được kênh truyền hình tiếng Ảrập Al Jazeera công bố hôm qua cung cấp nhiều chi tiết về cuộc sống và sự trốn chạy của đối tượng bị truy lùng gắt gao nhất thế giới.

Báo cáo dày 336 trang được viết từ các cuộc phỏng vấn với 201 nguồn tin, trong đó có những thành viên gia đình trùm khủng bố và nhiều quan chức chính phủ.

“Một lần, khi họ đang trên đường đến một khu chợ thì bị cảnh sát chặn xe lại. Nhưng chồng Maryam nhanh chóng thương lượng với cảnh sát rồi họ tiếp tục chạy”, báo cáo trích lời của Maryam, vợ của người bảo vệ trong lần hai người đang đi chợ cùng bin-Laden.

Theo một người vợ của bin-Laden, trùm khủng bố đội mũ cao bồi để tránh bị phát hiện từ trên cao trong những lúc đi lại quanh khu nhà trú ẩn ở thành phố Abbottabad.

Sự cẩu thả tội lỗi

Sau cuộc truy đuổi kéo dài cả thập kỷ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cuối cùng đã lần ra nơi trú ẩn của thủ lĩnh al-Qaeda tại một khu vực nằm trong tầm quan sát của học viện quân sự cao cấp Abbottabad, rất gần thủ đô Islamabad.

Trong chiến dịch của đội đặc nhiệm hải quân Mỹ, bin-Laden bị tiêu diệt vào rạng sáng 2/5 và đó chính là một nỗi sỉ nhục lớn đối với chính quyền Pakistan, khiến quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược Washington và Islamabad trở nên căng thẳng.

“Cho dù không thể phủ nhận khả năng có sự thông đồng giữa trong và ngoài chính phủ Pakistan, nhưng không cá nhân nào bị chỉ mặt là nội gián”, báo cáo viết. Một số quan chức Mỹ từng công khai nghi ngờ cơ quan tình báo Pakistan che chở cho bin-Laden, nhưng Pakistan bác bỏ ý kiến này.

Theo báo cáo, bin-Laden đến Pakistan vào mùa xuân hoặc mùa hè năm 2002, trú ẩn ở vùng Haripur trong 2 năm rồi chuyển đến khu trú ẩn ở Abbottabad với cả gia đình từ tháng 8/2005. Có thể thủ lĩnh al-Qaeda đã di chuyển từ Afghanistan sang Pakistan khi bị Mỹ truy lùng, vào khoảng năm 2002.

Báo cáo viết: “Họ sống cực kỳ thanh bần và chẳng bao giờ lộ diện. Họ có lực lượng bảo vệ cực kỳ mỏng. Vợ, con, cháu ông ta không bao giờ lộ diện. Chưa ai từng đến thăm họ, họ không tin cả những thành viên của al-Qaeda”. Thế nhưng trong suốt 6 năm, sự bất thường ở khu nhà này lại không thu hút được sự chú ý của lực lượng tình báo Pakistan, báo cáo viết.

Báo cáo cũng kể chi tiết thời điểm bin-Laden bị tiêu diệt. Lúc đó, trùm khủng bố và người vợ trẻ nhất tên là Amal đang ngủ trên giường thì trực thăng của Mỹ ập đến. Chỉ vài phút sau, bin-Laden đã ngã xuống sàn nhà. Báo cáo còn nói rõ vai trò của bác sĩ người Pakistan tên là Shakeel Afridi.

Vị bác sĩ này xưng là tình nguyện viên làm nhiệm vụ tiêm vắc-xin cho cộng đồng để lọt vào trong khu nhà của bin-Laden. Dù không vào được bên trong nhà, nhưng Afridi đã quan sát kỹ bố cục của khu nhà giúp đặc nhiệm Mỹ thiết kế các gói thuốc nổ để thổi bay cánh cửa.

Afridi gặp đặc vụ CIA hơn 25 lần và nhận được khoảng 10 triệu rupee (khoảng 100.000 USD). Sau đó, ông này bị phía Pakistan bắt, kết án 33 năm tù giam với tội danh phản quốc.

Dù bác sĩ đóng vai trò chủ chốt trong sự thành công của chiến dịch, nhưng Mỹ đến nay vẫn chưa làm gì để giúp ông này ra khỏi song sắt. “Ông ta bị bắt 3 tuần sau chiến dịch, thời gian đó quá đủ để CIA đưa ông ta ra khỏi đất nước”, báo cáo viết.

TRÚC QUỲNH
Theo BBC, New York Times, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG