Bộ binh Israel tràn vào miền Nam Libăng

Bộ binh Israel tràn vào miền Nam Libăng
TP - Người phát ngôn Chính phủ Israel Asaf Shariv cho biết, đêm 16, rạng ngày 17/7, lực lượng bộ binh nước này đã tràn vào miền Nam Libăng để tấn công các căn cứ của lực lượng Hezbollah.
Bộ binh Israel tràn vào miền Nam Libăng ảnh 1
Thành phố Tyre (Libăng) sau trận bom sáng 17/7

Tuy nhiên, bộ binh Israel đã rút về ngay trong ngày sau khi thực hiện các cuộc tấn công.

Theo 1 quan chức cấp cao quân đội Israel, bộ binh vào sâu lãnh thổ Libăng khoảng 1 km nhằm ngăn chặn việc tái lập các căn cứ của Hezbollah dọc biên giới Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Amir Peretz tuyên bố mục đích của cuộc chiến trên bộ là nhằm tạo ra “vùng đệm” ở miền Nam Libăng, nơi lực lượng Hezbollah liên tục bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel trong 6 ngày qua.

Israel cho biết vẫn thận trọng với cuộc tấn công trên bộ vào miền Nam Libăng, nơi được cho là rất nguy hiểm bởi các bãi mìn của Hezbollah.

Đến nay, cùng các cuộc không kích dữ dội trên diện rộng, bộ binh Israel không chỉ nã pháo tầm xa từ vùng biên giới giáp với Libăng mà đã tràn vào lãnh thổ nước này. Trong khi đó lực lượng hải quân đã dàn trận trên biển để phóng tên lửa vào Libăng.

Trước đó, hàng chục ngàn thường dân tháo chạy khỏi miền Nam Libăng khi biết tin lực lượng Israel sẵn sàng tiến hành cuộc tấn công trên bộ.

Xe tăng cùng các loại xe bọc thép khác của Israel tập kết sẵn ở vùng biên giới. Một sư đoàn bộ binh dự bị đã được huy động khi lực lượng không quân thả truyền đơn cảnh báo cư dân miền Nam Libăng đi di tản.

Đáp lại, lãnh đạo lực lượng Hezbollah, H.Nasrallah đe dọa sẽ “gây ngạc nhiên” nếu quân đội Israel trở lại miền Nam Libăng kể từ năm 2000 khi họ chấm dứt 18 năm chiếm đóng. Theo H.Nasrallah, các chiến binh Hezbollah đã lớn mạnh và cuộc chiến mới chỉ bắt đầu.

Beirut và các thành phố miền Bắc, miền Đông bị dội bom

Ngày chiến sự thứ 6 (17/7), trong khi bộ binh tràn vào miền Nam Libăng, không quân Israel đã mở rộng tấn công tới hầu hết vùng miền Bắc và miền Đông nước này.

Thủ đô Beirut tiếp tục là mục tiêu của bom và tên lửa Israel. Tripoli, thành phố lớn thứ 2 Libăng, nằm ở miền Bắc, rung chuyển bởi các đợt ném bom của máy bay Israel. Cảng Abdeh (Tripoli) chỉ cách Syria 6km cũng bị dội bom.

Không quân Israel còn tấn công thành phố Baalbek ở miền Đông Libăng. Israel cho biết, không quân đã dội bom vào khoảng 60 mục tiêu trên khắp lãnh thổ Libăng suốt đêm 16, rạng ngày 17/7.

Bộ binh Israel tràn vào miền Nam Libăng ảnh 2

Đã có thêm ít nhất 17 người thiệt mạng trong đợt tấn công này, trong đó có 9 lính Libăng. Quân đội Libăng hiện vẫn đứng ngoài cuộc chiến giữa lực lượng Hezbollah và Israel.

Phía Israel giải thích, việc các cơ sở radar của quân đội Libăng bị tấn công là vì nó được sử dụng nhằm tiến hành vụ bắn tàu chiến Israel ở ngoài khơi vào cuối tuần trước.

Cùng ngày lực lượng Herbollah tiếp tục nã pháo vào Kiryat Shmona, Acre, Tiberias, Talal, Julis, Abu Snan, Kafr Yassif và các thành phố khác ở miền Bắc Israel khiến nhiều người bị thương.

Triển khai lực lượng quốc tế

Tại Hội nghị G8, các nhà lãnh đạo ra tuyên bố cáo buộc lực lượng Hezbollah (Libăng) và Hamas (Palestine) đã châm ngòi cho chiến tranh và công nhận quyền tự bảo vệ của Israel.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi nhà nước Do Thái kiềm chế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan và Thủ tướng Anh Tony Blair đề nghị triển khai lực lượng quốc tế, như là biện pháp duy nhất hiện nay có thể ngăn chặn các đợt pháo kích của Hezbollah nhằm vào lãnh thổ Israel.

Bộ Ngoại giao Palestine bị san phẳng

Trên mặt trận dải Gaza, ngày 17/7, không quân Israel đã san phẳng tòa nhà 8 tầng thuộc Bộ Ngoại giao Palestine như một phần trong chiến dịch chống lại nhóm Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Chính phủ.

Một cuộc không kích khác phá hủy nhiều văn phòng của lực lượng an ninh Hamas ở Jabalya, miền Bắc dải Gaza.

Trong khi đó tại thành phố Nablus, khu Bờ Tây, 1 lính Israel thiệt mạng, 6 người bị thương trong cuộc giao tranh với nhóm quân sự Palestine.

Tổng thống Nga V.Putin cũng tuyên bố tại hội nghị G8 rằng sẽ xem xét gửi quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Trung Đông.

Vấn đề triển khai lực lượng quốc tế phải được trình lên Hội đồng Bảo an LHQ quyết định. Tuy nhiên, Israel cho rằng còn quá sớm để bàn đến việc triển khai lực lượng quốc tế.

Người phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu J.Solana và phái viên Liên Hợp Quốc R.Larson đang có mặt ở Beirut để cùng các nhà lãnh đạo Libăng tìm giải pháp hạ nhiệt tình hình hiện nay.

Ngoại trưởng Mỹ C.Rice cho biết đang cân nhắc khả năng tới Trung Đông để giúp giải quyết khủng hoảng…

Đây không phải lần đầu tiên Israel tấn công Libăng. Từ những năm 1948 và sau cuộc chiến tranh Israel và các nước Arab năm 1967, Libăng đã trở thành nơi lánh nạn của hàng trăm người Palestine.

Năm 1973, Israel bị buộc phải rời bỏ phần lớn Libăng, song đi ngược lại quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Israel vẫn cố giữ một vùng  phía Nam Libăng trong vòng kiểm soát của mình.

Năm 1993, Israel tấn công Libăng với mục tiêu tiêu diệt quân Hezbollah. Washington đề nghị Israel rút khỏi Libăng với điều kiện Hezbollah phải giải trừ quân bị.

Song đề nghị này đã bị Libăng phản đối với lý do Libăng có quyền chống lại sự chiếm đóng từ bên ngoài – nghị quyết được thông qua bởi Liên Hợp Quốc vào năm 1987 với 152-2 phiếu (hai nước phản đối là Israel và Mỹ).

MỚI - NÓNG