Bộ ngoại giao Mỹ: Sang Iraq hoặc bị sa thải

Bộ ngoại giao Mỹ: Sang Iraq hoặc bị sa thải
TP - Tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C, một kế hoạch bắt buộc các nhà ngoại giao Mỹ phải sang công tác tại Iraq trong thời hạn nhất định theo chỉ thị của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice sẽ được bắt đầu thực hiện vào đầu tuần tới.

Iraq hiện đang là nơi nguy hiểm đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã có nhiều ưu đãi đối với những nhà ngoại giao sang nhận nhiệm vụ ở Baghdad nhưng số người tình nguyện đi Iraq vẫn quá thấp so với yêu cầu.

Bộ ngoại giao Mỹ: Sang Iraq hoặc bị sa thải ảnh 1

Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad được xây như một pháo đài kiên cố        Ảnh: AP

Như là quân lệnh

Trong một đợt huy động các nhà ngoại giao Mỹ lớn nhất kể từ năm 1975, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang có kế hoạch bắt buộc các nhà ngoại giao phải sang công tác tại Đại sứ quán Mỹ (ĐSQ) ở Iraq vì hiện đang rất thiếu người tình nguyện đi Baghdad.

Vào thứ Hai (29/10), khoảng 200-300 nhà ngoại giao Mỹ sẽ được thông báo rằng họ đã được lựa chọn để sang công tác một năm tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, lấp vào khoảng 40-50 vị trí còn bỏ trống trong năm tới. Những nhà ngoại giao được lựa chọn nhận thông báo này sẽ có 10 ngày để suy nghĩ và đưa ra lời chấp nhận hay phản đối.

Trong trường hợp số nhà ngoại giao Mỹ tình nguyện sang Iraq chưa đủ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ ra lệnh cho những nhà ngoại giao được thông báo nói trên phải đi Baghdad nhận nhiệm vụ. Nếu nhà ngoại giao nào chống lệnh sẽ bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sa thải.

Bên lề một hội nghị mang tên rất dài: “Dưới chế độ của chúng ta, tất cả chúng ta đều đã thề phục vụ đất nước chúng ta, tất cả chúng ta đều đã ký tên sẵn sàng đi làm nhiệm vụ tại bất cứ nơi nào trên thế giới”, Tổng Vụ trưởng Vụ công tác nước ngoài Harry Thomas nói với các phóng viên rằng Bộ Ngoại giao Mỹ có rất nhiều lựa chọn.

Ông cho biết, nếu một nhà ngoại giao nào từ chối đi Iraq, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có hành động thích hợp, kể cả hình thức sa thải nhà ngoại giao đó. Chỉ những nhà ngoại giao nào có những lý do chính đáng như ốm đau, bệnh tật hoặc có hoàn cảnh cá nhân cực kỳ khó khăn thì mới được miễn thi hành kỷ luật.

Việc nhận đăng ký tình nguyện đi Iraq của các nhà ngoại giao Mỹ sẽ bắt đầu từ ngày 12/11/2007. Tổng Vụ trưởng Harry Thomas cho biết, việc quyết định nhân sự những nhà ngoại giao nào sắp đi Iraq sẽ được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoàn tất vào dịp ngày Lễ Tạ ơn (Thứ Năm tuần cuối cùng của tháng 12). 

Ưu tiên nhân sự cho ĐSQ ở Baghdad

Bộ ngoại giao Mỹ: Sang Iraq hoặc bị sa thải ảnh 2
Cảnh đổ nát, chết chóc ở Baghdad làm các nhà ngoại giao Mỹ ngán ngại

Mùa hè vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã đưa ra mệnh lệnh rằng các vị trí còn trống tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Baghdad sẽ phải được ưu tiên bổ sung đầy đủ nhân sự trước khi quyết định bổ nhiệm các nhà ngoại giao sang công tác ở những nước khác trên thế giới.

Những nhà ngoại giao Mỹ nào bị cưỡng bức sang công tác tại Iraq cũng được nhận một khoản tiền phụ cấp khó khăn, được hưởng chế độ nghỉ phép đặc biệt và được quyền chọn nơi công tác sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Iraq giống như những nhà ngoại giao tình nguyện đi Baghdad.

Hiện nay, tại ĐSQ Mỹ ở Iraq có khoảng 200 nhà ngoại giao đang làm việc. Công đoàn ngành ngoại giao Hoa Kỳ trước đây đã từng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về một chiến dịch tuyển người đi Iraq được biết đến như là một sự giao nhiệm vụ bắt buộc.

Trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ đã từng có những thời kỳ và trường hợp giao nhiệm vụ bắt buộc cho các nhà ngoại giao đi công tác tại một số Đại sứ quán ở nước ngoài. Năm 1969, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải điều động toàn bộ một lớp cán bộ ngoại giao mới vào ngành sang công tác tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong thời kỳ chiến tranh.

Sau đó, ở một qui mô nhỏ hơn, vào các thập kỷ 1970, 1980, một số nhà ngoại giao Mỹ bị buộc phải sang nhận nhiệm vụ tại các Đại sứ quán Mỹ ở Tây Phi.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hiện nay có 11.500 cán bộ ngoại giao. Kể từ năm 2003 đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử hơn 1.200 cán bộ ngoại giao sang công tác tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Mặc dù những người sang Iraq được hưởng nhiều chế độ ưu đãi hào phóng nhưng vẫn có rất ít nhà ngoại giao Hoa Kỳ tình nguyện sang làm việc tại Baghdad. 

Sĩ quan quân sự phải làm nhà ngoại giao

Bộ ngoại giao Mỹ: Sang Iraq hoặc bị sa thải ảnh 3
Những cảnh tượng thế này làm các nhà ngoại giao Mỹ ngán ngại

Tình hình thiếu nhân sự sang Iraq đã nghiêm trọng đến mức Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice phải ra lệnh rằng nhân sự cho Đại sứ quán ở Baghdad phải được ưu tiên. Trong trường hợp số nhà ngoại giao tình nguyện đi Iraq không đủ như yêu cầu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ phải thực hiện giao nhiệm vụ bắt buộc.

Trong một bức điện không mật đề ngày 19/6 gửi cho tất cả các phái bộ ngoại giao Mỹ ở nước ngoài, Ngoại trưởng Condoleezza Rice nói: “Hy vọng cháy bỏng của tôi là chúng ta sẽ tiếp tục có đủ số người tình nguyện sang làm việc tại Iraq, nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng những đòi hỏi của chúng ta trong mọi tình huống”.

Trước đó, Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã từng kêu gọi bất cứ nhà ngoại giao Mỹ nào muốn học tiếng Arập thì hãy rời vị trí công tác hiện nay ngay để đi tập trung học ngoại ngữ trong hai năm trước khi được phân công công tác tại Iraq.

Đại sứ Mỹ tại Iraq Ryan Crocker vừa qua đã nhắc lại nhiều lần rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần chuẩn bị nhân sự được đào tạo tốt hơn cho Đại sứ quán ở Baghdad. Iraq hiện là nơi cực kỳ khó khăn và nguy hiểm cho các nhà ngoại giao Mỹ hiện nay vì hàng ngày lực lượng nổi dậy đều nã đạn cối vào Vùng Xanh nơi tòa ĐSQ Mỹ tọa lạc.

Cho đến nay, các lực lượng quân sự Mỹ và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thường phàn nàn rằng các sĩ quan quân sự của họ bị buộc phải nhận những nhiệm vụ của nhà ngoại giao. Đặc biệt, các nhân viên Bộ Quốc phòng và các sĩ quan quân đội thường bị bắt buộc phải làm nhận nhiệm vụ tại các đơn vị tái thiết cấp tỉnh ở Iraq trong nhiều tháng chỉ vì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không cử được người vào các vị trí đó.

Ngoài ra, các nhân viên quân sự Mỹ ở Iraq còn phàn nàn rằng các cơ quan trong chính phủ liên bang như  Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, và Bộ Nông nghiệp đã rất chậm trễ trong việc cử cán bộ sang bố trí vào các vị trí cực kỳ trọng yếu ở Iraq.

Phía quân sự Mỹ cho rằng, chỉ có các bộ ngành nói trên mới có đủ năng lực chuyên môn để giúp đưa giới kinh doanh và nông dân Iraq trở lại công việc của họ từ đó mới giúp cải thiện được tình hình kinh tế của Iraq.

Đ.P
(Theo AP, BBC)

MỚI - NÓNG