Bộ tiểu thuyết gây kinh ngạc của Saddam Hussein

Bộ tiểu thuyết gây kinh ngạc của Saddam Hussein
TPCN - Từ năm 2000 đến 2003, trên thị trường sách của Iraq bốn cuốn tiểu thuyết: Zabibah và nhà vua, Pháo đài không chiếm được, Những con người và một đô thị và Đồ quỷ quái, hãy xéo khuất mắt ta đều được chú ý.
Bộ tiểu thuyết gây kinh ngạc của Saddam Hussein ảnh 1
Saddam Hussein

Trước hết, trái với lệ thường, ở chỗ ghi tên tác giả trên bìa, nhà xuất bản đặt dòng chữ “tiểu thuyết của tác giả của nó”.

Thứ hai, chúng phảng phất như chuyện cổ tích. Ví dụ cuốn Zabibah và nhà vua mở đầu bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua cao lớn lực lưỡng [...]. Uy thế của ông là vô bờ [...] và ông gợi ra sự kính trọng, yêu thương và niềm tin, cũng như sự cảm phục và nỗi sợ hãi [...]. Nhà vua biết làm cho thần dân tuân phục, dù tự nguyện hay ép buộc...”.

Thứ ba, chúng nhằm vào độc giả dân thường, nên có cốt truyện rõ ràng, hấp dẫn, và đều dễ đọc, dễ hiểu, chan chứa cảm xúc trữ tình, toát ra một tình yêu sâu nặng với tổ quốc và nhân dân.

Và thứ tư, dưới thời Tổng thống Saddam Hussein, văn học tự sự gần như bị cấm hẳn. Thực tế đói “truyện” góp phần làm cho bốn tiểu thuyết trên được hâm mộ đặc biệt.

Chúng đều mau chóng trở thành các sách bán chạy nhất, mỗi cuốn tiêu thụ được cả triệu bản. Chúng cũng được dự kiến đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Nếu chế độ Saddam Hussein chưa sụp đổ, dự kiến ấy hẳn đã được thực hiện.

Khi cuộc chiến tranh chống Saddam Hussein sắp nổ ra, cuốn thứ tư trong bốn tiểu thuyết khuyết danh được nhà xuất bản Al Hourriyah (Tự do) của riêng Tổng thống cho phát hành lần đầu tới 40.000 bản.

Rồi Bagdad và Iraq rơi vào tay quân Mỹ. Đầu năm 2004, nhật báo của khối Arập Asharq al-Awsat nhận được bưu kiện bản thảo của cuốn Đồ quỷ quái, hãy xéo khuất mắt ta ấy. Tất cả đều sẵn sàng để in được ngay. Trang đầu có dòng chữ: “Xin cho in, cảm ơn”, dưới là một chữ ký và đề ngày 18 tháng ba 2003.

Trang cuối, ta đọc được: “Lãi của cuốn này xin dành cho người nghèo, các cháu mồ côi, và các công việc từ thiện”. Toàn bộ cuốn truyện  được báo Asharq al-Awsat công bố qua 13 số dưới dạng truyện nhiều kỳ.

Bốn bộ truyện tạo nên một hiện tượng khiến không chỉ các nhà nghiên cứu Iraq quan tâm. Không ít nhà xuất bản nước ngoài muốn chuyển ngữ cho độc giả nước họ. Song thời đại bây giờ, sách không thể in khuyết danh như xưa.

Một số nhà chuyên môn căn cứ vào cốt truyện đầy tính ám chỉ, đoán ngay được tác giả là Saddam Hussein. Một số khác ngạc nhiên trước những đoạn gợi dục không úp mở trong các tiểu thuyết, cho rằng con trai cả của Hussein mới là tác giả.

Nhóm thứ ba, đông nhất, lại đồn rằng tổng thống Iraq nhờ một nhà văn viết hộ, sau đó đã giết nhà văn này để khỏi lôi thôi. Tuy nhiên, cho đến nay, các chuyên gia khẳng định không có chuyện Saddam Hussein thuê viết mà chính ông viết lấy các tiểu thuyết của mình.

Thậm chí, ngay trong cảnh tù tội và bị xét xử, ông vẫn viết xong trên một bàn ăn ở nơi giam cầm tiểu thuyết thứ năm, tạm đặt tên là Sự thức tỉnh vĩ đại, không biết bao giờ mới ra mắt được.

Chuyện này cũng là bình thường và đã được minh chứng. Các tiểu thuyết của Saddam Hussein nếu đi vào cộng đồng Pháp ngữ không mấy khó khăn thì đối với khối tiếng Anh, lại chẳng dễ dàng.

Ví dụ nhà xuất bản Mills and Boon của Vương quốc Anh chuyên về tiểu thuyết tình cảm màu mè, sau khi biết tác giả tiểu thuyết Zabibah và nhà vua, đã từ chối phát hành cuốn sách.

May mắn là vẫn có những nhà xuất bản vững vàng. Chẳng hạn, nhà văn JoJo Moyes, được tặng giải tiểu thuyết hay nhất năm của Hiệp hội các nhà văn Anh chuyên về truyện diễm tình, đã đề nghị cho in cuốn sách, khi phát hiện tác giả không phải Oussama Ben Laden hay Alasterir Campell (cựu cố vấn giao lưu của Tonny Blair) mà là Saddam Hussein.

Cuốn tiểu thuyết thứ tư, Đồ quỷ quái, hãy xéo khuất mắt ta, giới xuất bản Âu Mỹ làm ngơ, chỉ một nhà xuất bản Xứ sở hoa anh đào vừa công bố từ 19/5/2006 với tên Điệu nhảy của quỷ qua bản dịch của một nhà báo Nhật.

Trước chiến tranh Iraq, các tiểu thuyết của Hussein được đồng loạt tâng lên tận mây xanh. “Đây là một kỳ công văn học mà không ai vượt được trong thế kỷ này”, ấy là báo chí Iraq nói về cuốn Pháo đài không chiếm nổi. Vì sao các tác phẩm đó được đón chào đến vậy?

Chủ yếu do sự tò mò xem ông Saddam đã leo cao đến cỡ nào trong các thủ đoạn chính trị. Do Saddam muốn bất tử hóa mình. Cho mục đích này, cựu tổng thống Iraq đã nhờ những người khác viết sách hay làm phim về ông.

Đáng kể nhất là phim Những ngày dài, chân dung Saddam Hussein, do Aldel Amir Mua’la Saddam viết kịch bản, đạo diễn Ai cập Toufic Salih dàn dựng. Những tác phẩm kiểu ấy không làm Saddam Hussein thỏa mãn được lâu. Ông bèn tự vẽ lấy chân dung.

Chất liệu các tiểu thuyết của ông đều là tiểu sử  bản thân và những sự kiện liên quan trong suốt quá trình ông chiếm lĩnh quyền lực và danh vọng ở Iraq với ước mơ lập nên một đế chế Babylone hiện đại.

Nhân vật chính của các tiểu thuyết của ông là Saddam Hussein và kẻ thù không đội trời chung của nhân vật ấy là chủ nghĩa đế quốc Mỹ và Do Thái. Bối cảnh là chiến tranh vùng Vịnh, sự chống đối của người Kurde...

Thành công nhất trong các tác phẩm của Saddam Hussein là Zabibah và nhà vua . Dĩ nhiên, đây là một ám chỉ chính trị. Nữ nhân vật chính, nàng Zabibah, tượng trưng cho đất nước Iraq. Người chồng tàn bạo của cô là Hoa Kỳ.

Nhà vua, người báo thù và quyền năng vô tận, không là ai khác ngoài Saddam Hussein. Zabibah bất hạnh trong hôn nhân, đem lòng yêu nhà vua và hai người duy trì một mối tình vụng trộm.

“Nhà vua có cần áp đặt cho thần dân những phương sách khắc nghiệt không?”. “Tâu bệ hạ, - Zabibah trả lời - thần dân cần những phương sách nghiệt ngã để cảm thấy được che chở và bênh vực”.

Những trao đổi tương tự có lẽ là cách để Saddam Hussein tự đối chất xấu tốt trong lòng. Nhà vua bao giờ cũng đúng trong những cuộc đàm đạo như thế, vốn đề cập đến uy quyền, sự tàn bạo, công lý, thiên nhiên và truyền thống.

Một đêm, trên đường từ nhà nàng đi ra, Zabibah bị tấn công và hãm hiếp bởi một kẻ bịt mặt - chồng cô. Nhà vua lấy đó làm cớ để trả thù. Một mặt trận lớn được mở ra, trùng với ngày tháng diễn ra chiến dịch Bão sa mạc trong chiến tranh vùng vịnh năm 1991.

Trong sách, người chồng của Zabibah bị đánh bại. Trật tự được vãn hồi. Nhưng cả Zabibah lẫn nhà vua không còn trên cõi thế để được vui mừng.

Zabibah và nhà vua đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Giờ đây, nó càng thuyết phục, vì tính dự báo chuẩn xác đáng kinh ngạc. Dù số phận cựu Tổng thống Saddam Hussein thế nào đi nữa (Phiên toà xử ông đến hồi kết. Ông có nhiều nguy cơ bị tử hình), tên tuổi Saddam Hussein chắc chắn đã đi vào lịch sử văn học nước ông.

Giá trị văn chương ấy trường tồn hay không? Một số chuyên gia hàng đầu về chính trị, xã hội và văn chương, trong đó có Avi Rubin, một cựu phái viên của Mossad, gợi ý rằng quá khứ của Saddam Hussein là bệ phóng của mối hận thù của ông đối với những cái rộng lớn hơn thù hận nhiều, như người do thái và các nền văn minh tây phương.

Văn học cổ kim đông tây cho thấy rằng văn chương của yêu thương cháy bỏng và hận thù xương tủy bao giờ cũng bất tử. Saddam Husein là con của một gái điếm; lên  mười  thì trải qua một cuộc hiếp dâm tập thể hãi hùng; lớn lên, bị từ chối vào học một trường quân sự uy tín nhất của Iraq bấy giờ...

Khuất Lệ Lan

Theo RNN, AFEMO, Al Ahram

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.