Bộ trưởng Nội vụ Libăng từ chức

Bộ trưởng Nội vụ Libăng từ chức
Bộ trưởng Nội vụ Libăng, Hassan Sabeh, loan báo từ chức sau khi Đại sứ quán Đan Mạch tại Beirut bị những người Hồi giáo biểu tình tấn công và phát hỏa.
Bộ trưởng Nội vụ Libăng từ chức ảnh 1
Hàng ngàn người biểu tình tập trung bên ngoài đại sứ quán Đan Mạch ở Beirut

Ông giải thích quyết định là do Libăng không có sự thống nhất chính trị trong việc dẹp đoàn biểu tình:

Đây là một trong những vụ phản đối giận giữ mới nhất nhằm chống lại việc báo chí phương Tây, ban đầu tại Đan Mạch, cho in nhiều tranh biếm họa châm biếm Đấng Tiên tri Mohammed, nhân vật linh thiêng nhất của đạo Hồi.

Cảnh sát Libăng đã phải dùng tới lựu đạn cay để kiềm chế những người biểu tình. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã không ngăn cản được những người này xông vào khuôn viên ĐSQ lục lọi và phát hỏa.

Không có nhân viên ngoại giao nào của Đan Mạch có mặt lúc vụ tấn công xảy ra.

Hàng ngàn người đã tập trung bên ngoài tòa đại sứ và lực lượng an ninh đã bắn hơi ngạt để kiểm soát tình hình.

Tuy nhiên, sau đó người ta đã nhìn thấy khói bốc lên từ tòa nhà nơi có Đại sứ quán Đan Mạch sau khi những người biểu tình lọt được vào trong.

Hôm thứ Bảy, những người biểu tình Syria đã đốt Đại sứ quán Đan Mạch và Na Uy ở Damas. Đan Mạch và Na Uy đã lên án Syria vì không ngăn chặn được các cuộc tấn công.

Các cuộc biểu tình ở Beirut trở nên bạo lực sau khi những người Hồi giáo cực đoan toan vượt qua hàng rào an ninh bảo vệ đại sứ quán.

Khoảng 2000 binh lính và cảnh sát chống bạo động đã sử dụng hơi ngạt và vòi rồng để giải tán đám đông. Họ cũng đã bắn chỉ thiên để giảm bớt tình trạng hỗn loạn.

Nhưng cuộc tấn công của những người biểu tình vẫn tiếp tục và Đại sứ quán bị đốt cháy.

Trước đó Na Uy và Đan Mạch đã chỉ trích Syria vì đã để cuộc biểu tình trong ngày thứ bẩy diễn ra.

Thất bại không bào chữa được

"Nguyên tắc của quan hệ ngoại giao là các nhà ngoại giao có thể hoạt động an toàn và chuyện nguyên tắc này bị vi phạm là cực kỳ nghiêm trọng" - Ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Stoere phát biểu tại họp báo ở Oslo hôm thứ Bảy.

TRANH CÃI BIẾM HOẠ

30/9: Báo Đan Mạch đăng tải các hình vẽ

20/10: Các đại sứ Hồi giáo phản đối lên Thủ tướng Đan Mạch

10/1: Báo Na Uy đăng lại các hình vẽ

26/1: Ả rập Saudi triệu hồi đại sứ

30/1: Các tay súng bao vây văn phòng của EU tại Gaza, đòi xin lỗi

31/1: Tờ báo của Đan Mạch xin lỗi

1/2: Các báo tại Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đăng lại các hình vẽ

4/2: Đại sứ quán Đan Mạch và Na Uy ở Syria bị đốt

"Đó là điều kinh chủng và không thể chấp nhận được" - Ngoại trưởng Đan Mạch Per Stig Moeller nói với truyền hình Đan Mạch.

Hoa Kỳ cũng chỉ trích Syria và nói rằng chuyện phá hoại Đại sứ quán như đã xảy ra là "không thể bào chữa được".

Hàng ngàn người biểu tình đã bao quanh khu vực có đại sứ quán Đan Mạch và hô vang "Thượng đế vĩ đại," trước khi kéo sang tấn công Đại sứ quán Na Uy.

Các tranh biếm họa về Nhà Tiên tri Muhammad đã gây ra sự phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo sau khi một tờ báo Đan Mạch đăng tải các biếm họa này hồi tháng Chín năm ngoái.

Một trong số các tranh biếm họa mô tả Tiên tri Muhammad như một kẻ khủng bố.

Truyền thống đạo Hồi cấm phổ biến bất kỳ hình ảnh nào của Tiên tri Muhammad.

Tuy nhiên, một số tờ báo châu Âu gần đây đã đăng tải lại các tranh biếm họa này vì nói rằng quyền tự do ngôn luận cho phép họ đăng tải các hình ảnh đó.

Theo BBC

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.