Hàn Quốc:

Bộ trưởng tư pháp hứng bão chỉ trích vì gia đình

Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Cho Kuk. (Ảnh: Korea Herald)
Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Cho Kuk. (Ảnh: Korea Herald)
TPO - Trở thành tổng thống Hàn Quốc sau khi bà Park Geun-hye bị xét xử vì bê bối tham nhũng, ông Moon Jae-in hứa sẽ tạo nên “một thế giới không có đặc quyền”, để tất cả người dân đề có cơ hội tiến bộ.

“Trong chính phủ của Moon Jae-in và đảng Dân chủ, cơ hội sẽ ngang nhau”, ông Moon nói trong phát biểu biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống. Nhưng giờ đây, ông đang phải đối mặt với vụ bê bối liên quan đến vị bộ trưởng tư pháp thân tín của ông, khiến nhiều người dân Hàn Quốc nghĩ rằng giới tinh hoa sống bằng luật riêng. 

Trong mấy tuần qua, bộ trưởng tư pháp mới được bổ nhiệm, ông Cho Kuk, dính nhiều cáo buộc liên quan đến gia đình. Vợ của ông bị truy tố vì nghi ngờ mua bằng giả để giúp con gái được nhận vào trường y – sự việc nghiêm trọng ở xã hội mà bằng cấp được coi là con đường tối quan trọng để đi đến thành công. Các công tố viên cáo buộc vợ ông Cho thực hiện các hoạt động tài chính bất thường, còn anh trai ông hối lộ và biển thủ công quỹ thông qua một quỹ trường học do gia đình ông quản lý.

Tháng trước, ông Moon bổ nhiệm ông Cho, một giáo sư về luật và một biểu tượng về tự do, vào vị trí quan chức đứng đầu ngành tư pháp, khi ông đang đối mặt với áp lực chính trị lớn từ phe đối lập. Tổng thống Hàn Quốc cho rằng những cáo buộc đối với gia đình ông Cho chưa được chứng minh và ông là người tốt nhất có thể triển khai các biện pháp cải cách cần thiết đối với hệ thống công tố viên trước những cáo buộc thiên vị chính trị và lạm dụng quyền lực. 

Ở nhiều nước, quyền lực của các công tố viên được chia sẻ tương đối đồng đều với cảnh sát. Nhưng các công tố viên Hàn Quốc có độc quyền truy tố nghi phạm và yêu cầu bảo lãnh, được quyền giám sát và chỉ đạo điều tra của cảnh sát. 

Bộ trưởng tư pháp hứng bão chỉ trích vì gia đình ảnh 1 Biểu tình ở Seoul hôm 9/10 để phản đối việc bổ nhiệm ông Cho Kuk làm bộ trưởng tư pháp. (Ảnh: AP)

Từng là thứ ký cấp cao của tổng thống về các vấn đề dân sự, ông Cho được coi như một ứng viên tổng thống nặng ký trong tương lai. Ông phủ nhận đã làm sai và hứa sẽ không can thiệp vào cuộc điều tra gia đình ông. Văn phòng tổng thống Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận nào về vụ điều tra này. 

Trong 2 tuần qua, các nhóm sinh viên và nhà hoạt động tập trung biểu tình ở Seoul để kêu gọi cả ông Cho và ông Moon từ chức. Cuộc biểu ngày 9/10 quy tụ đến hàng ngàn người tham gia. 
Theo một cuộc thăm dò ý kiến do hãng nghiên cứu Hankook công bố hôm 10/10, 54% người trả lời nói rằng ông Cho đáng lẽ không được bổ nhiệm vào vị trí này. 

“Đối với nhiều người Hàn Quốc, vụ bê bối là một ví dụ nữa cho thấy những người lớn lên bằng “thìa vàng” luôn được hưởng những ưu ái hơn bình thường”, ông An Jun-seong, phụ tá giáo sư tại ĐH Yonsei ở Seoul, nói về khái niệm thường được sử dụng ở Hàn Quốc để chỉ tầng lớp giàu có nhất đất nước. 

“Hầu hết người Hàn Quốc coi bê bối của ông Cho Kuk là một tiết lộ mới về cuộc cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực giáo dục”, ông An nói. 

“Con đường học hành danh giá của con gái ông ấy, từ trường trung học dạy bằng ngoại ngữ đến trường y, đã được thiết kế tỉ mỉ và phối hợp với nhiều giáo sư, những người có vẻ có quan hệ với gia đình ông ấy về mặt kinh doanh hoặc lợi ích chính trị khi thiết lập và duy trì quan hệ tốt với một trong những người quyền lực nhất trong Nhà Xanh”, ông An nói. 

Giữa cơn thịnh nộ của dư luận, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Moon trong tuần này rơi xuống mức thấp kỷ lục, 44,4%, theo hãng điều tra Realmeter. Tỷ lệ ủng hộ ông lên tới khoảng 80% trong thời kỳ đầu của nhiệm kỳ. 

Hong Deuk-pyo, giáo sư danh dự ngành khoa học chính trị tại ĐH Inha, cho rằng vụ bê bối phơi bày thói đạo đức giả rõ ràng của một thân tín của tổng thống, người giúp ông xây dựng hình ảnh chính nghĩa và không tham nhũng. 

“Vụ việc làm hoen ố hình ảnh của ông Moon khi ông có gắng trở thành một vị tổng thống đáng tin cậy”, ông Hong nói. 

Nhưng những người ủng hộ ông Cho cáo buộc các công tố viên đã tấn công gia đình ông vì ông chuẩn bị giảm bớt quyền lực của họ và giới hạn thời gian thẩm vấn xuống tối đa 8 giờ đồng hồ mỗi lần. 

“Ông Cho hứa sẽ cải cách triệt để hệ thống công tố viên nếu ông ấy trở thành bộ trưởng tư pháp. Hệ thống công tố viên là tổ chức bị sử dụng như một công cụ cai trị độc đoán trước đây và lạm dụng độc quyền trong xây dựng cáo trạng”, ông Shin Kwang-yeong, giáo sư ngành xã hội học tại ĐH Chung-Ang, nói. 

Học giả này nói rằng tranh cãi hiện nay cho thấy xung đột căng thẳng giữa “phe ủng hộ và phe chống cải cách”. Ông cũng lên án báo chí đã đăng tải thông tin các công tố viên cố tình rò rỉ. 
Cáo buộc tham nhũng thường xuyên xuất hiện trong nền chính trị nhiều bê bối của Hàn Quốc. Ba trong bảy tổng thống của nước này đã phải ngồi tù vì nhiều tội danh khác nhau, kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu thời kỳ dân chủ từ năm 1987. 

Theo theo SCMP, Korea Herald
MỚI - NÓNG