Bom 'nước ngọt' IS có đủ sức phá hoại máy bay Nga?

Bức ảnh chụp thiết bị nổ tự tạo được IS công bố với khẳng định đã khiến máy bay Nga bị rơi. Ảnh: NY Times.
Bức ảnh chụp thiết bị nổ tự tạo được IS công bố với khẳng định đã khiến máy bay Nga bị rơi. Ảnh: NY Times.
Nhóm khủng bố IS ngày 18/11 đã công bố hình ảnh một thiết bị nổ tự tạo, được khẳng định đã khiến máy bay Nga phát nổ trên bầu trời Ai Cập hôm 31/10. Các chuyên gia tin rằng điều này không phải không thể.

Theo tờ New York Times, hình ảnh về thiết bị nổ được công bố trên số mới nhất của tạp chí tuyên truyền Dabiq do IS xuất bản. Thiết bị này được ngụy trang trong vỏ một lon nước uống có ga.

Hiện chưa có bằng chứng nào được công bố về dấu vết của thiết bị này tại hiện trường, cho thấy đây là tác nhân khiến máy bay Nga gặp nạn. Và cũng không loại trừ khả năng bức ảnh được công bố một cách có toan tính, nhằm phô trương thanh thế, thu hút những phần tử cực đoan mới hoặc đánh lạc hướng cơ quan chức năng.

Dù vậy, giả định IS đã thực sự đưa một thiết bị nổ như vậy lên máy bay và kích hoạt, liệu sức công phá của quả bom tự tạo này có đủ sức phá hủy chiếc Airbus A321?

New York Times đã phỏng vấn một số chuyên gia chất nổ và câu trả lời thu được là khá nhất quán: Thiết bị được chụp ảnh không có gì mới mẻ hay đáng ngạc nhiên, và không khó để một kẻ chế tạo bom có kinh nghiệm làm ra.

Bộ phận bên phải trong bức ảnh, với băng đen cuốn quanh cùng một công tắc đóng mở thủ công, có thể  thực hiện nhiều chức năng. Nhiều quả bom có một công tắc an toàn và một cơ chế riêng biệt để kích hoạt kíp nổ.

Những sợi dây trong hình có lẽ là dây điện để nối với kíp nổ, ở vị trí giữa trong tấm ảnh. Phần còn lại của thiết bị, được giấu dưới băng đen, có thể bao gồm những viên pin và thiết bị điện tử cần thiết để phát tín hiệu điện tới ngòi nổ tại thời điểm định trước. Ngòi nổ sau đó sẽ kích nổ phần thuốc nổ chính nằm bên trong lon nước.

Lon nước có một lỗ nhỏ ở đáy, và có dấu hiệu cho thấy nó đã được nhồi thuốc nổ. Đây ít khả năng là một quả bom chất lỏng, vốn sẽ cần bộ phận cuốn băng đen phải chịu được nước, hoặc được gắn bên ngoài lon nước. Nhưng như vậy sẽ khiến lon nước phình to và dễ bị phát hiện. Phần đáy của lon nước dường như đường hàn lại một cách thô sơ, và thậm chí để lộ chất màu trắng bên trong. Điều này càng khẳng định bên trong lon nước không phải chất lỏng mà là chất nổ rắn.

Bom 'nước ngọt' IS có đủ sức phá hoại máy bay Nga? ảnh 1 Cơ quan an ninh Nga khẳng định máy bay bị đánh bom trên không trước khi rơi tại Sinai. Ảnh: Getty.

Việc phân tích kỹ thuật kỹ lưỡng sẽ không thể thực hiện chỉ căn cứ trên bức ảnh, nhưng một kỹ thuật viên phá bom mìn cho rằng lon soda có thể được nhồi chặt chất nổ mạnh, để làm hư hại máy bay. Mặc dù vụ nổ không lập tức phá hủy máy bay, tùy thuộc vào tính chất và vị trí hư hại, nó sẽ gây ra chuỗi hậu quả chết người. Một máy bay di chuyển ở vận tốc hành trình có thể bị xé ra từng mảnh và vỡ tung.

Chiếc lon có thể chứa lượng thuốc nổ lớn hơn lượng thuốc nổ thường thấy trong lựu đạn tiêu chuẩn của quân đội. Trong khi đó hai máy bay từng bị rơi năm 2004 ở Nga bị cho là do lựu đạn nổ trên khoang.

Trả lời phóng vấn kênh CBS News của Mỹ, đặc vụ chống khủng bố Kirk Dennis, một chuyên gia chất nổ, nhận định sức công phá của quả bom tùy thuộc vào vị trí được đặt trên máy bay.

“Tôi nghĩ nó sẽ tùy thuộc vào việc nó được đặt ở đâu trên máy bay và lon nước đó chứa được bao nhiêu chất nổ. Nhưng tôi tin rằng nó có thể” gây hư hại lớn, ông Dennis nói.

Một thiết bị như vậy, khi đặt trên khoang một máy bay thương mại, có thể được kích nổ bởi bộ hẹn giờ, bộ điều khiển từ xa do một ai đó trên máy bay nắm giữ, hoặc bằng các cách thức khác.

Một kỹ thuật viên cho biết, nếu đây là một quả bom kích hoạt bằng sóng radio, thì điều này có thể được lí giải bởi sợi dây khá dài trong bức ảnh, và đây sẽ có chức năng như một ăng ten. Dù vậy, sau khi phân tích kỹ hơn, vị chuyên gia tin rằng sợi dây chỉ nhằm kết nối kíp nổ với một nguồn điện.

Ngoại trừ vấn đề kỹ thuật, sẽ đơn giản hơn để kích hoạt một quả bom như vậy với một bộ hẹn giờ, bởi sẽ không cần phải có người lên máy bay để kích hoạt.

Một kỹ thuật viên phá bom khác cho rằng, bản thân quả bom không có gì gây ấn tượng, nhưng bức ảnh được chụp một cách khéo léo, khi những bộ phận chủ chốt bị che bằng băng đen. “Bạn không thể biết có hay không có gì dưới lớp băng”, người này nói. Ông cho biết có nhiều bộ hẹn giờ nhỏ có thể nằm gọn dưới bộ phận cuốn băng đen. Những quả bom được dùng tại Palestine thường có bộ hẹn giờ như vậy.

Thiết bị này trông thô sơ hơn nhiều so với những quả bom điều khiển từ xa, thường được tìm thấy tại Afghanistan và Iraq, vốn được thiết kế để chống gây nhiễu hoặc các biện pháp ngăn chặn khác.

Bức ảnh cũng không thể nói lên điều gì về năng lực của IS. Có thể đây chỉ là một nỗ lực nữa của nhóm này hòng thu hút chú ý của dư luận, các chuyên gia kết luận.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG