Bóng hồng giữa bão tố Bangkok

Bóng hồng giữa bão tố Bangkok
TP - Chính trường Thái Lan sau 3 tháng khủng hoảng kéo dài đã chuyển sang thời điểm khó khăn nhất đối với Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Những tình huống mới nảy sinh cho thấy chính phủ tạm quyền đang mất dần lợi thế, các biện pháp tháo gỡ thế bế tắc tỏ ra không hiệu quả, trong khi phe đối lập ra sức dồn ép nữ chính khách xinh đẹp vào chân tường.

Phe biểu tình đối lập hầu như đã thành công trong việc phá hỏng cuộc tổng tuyển cử với 28 khu vực miền Nam không có ứng cử viên đăng ký do bị cản trở. Tiến trình bầu cử kéo dài cùng những tranh cãi pháp lý, Quốc hội không thể nhóm họp do không đủ số nghị sĩ quy định khiến bế tắc chính trị chưa thấy lối thoát. 

Sau thời gian né tránh đối đầu, chính phủ Thái Lan có vẻ đã cạn kiệt kiên nhẫn với chiến dịch “đóng cửa Bangkok”. Bà Yingluck đã ra lệnh cho cảnh sát tái chiếm các công sở bị người biểu tình phong tỏa, dẫn tới cuộc đụng độ đẫm máu hôm 18/2. 

Đây chính là điều phe đối lập mong muốn nhằm lôi kéo quân đội tái diễn kịch bản đảo chính hồi năm 2006, lật đổ Thủ tướng Thaksin. Quân đội vốn không ưa gì gia đình Thaksin, song đã rút ra bài học nên vẫn chọn thế trung lập, dù thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban hôm 19/2 lại hối thúc giới tướng lĩnh quân sự ra tay.

Giới tư pháp Thái Lan, chủ yếu thuộc giới thượng lưu bảo hoàng, đã “nối giáo” cho phe đối lập nhằm vào bà Yingluck. Tòa án dân sự Thái Lan hôm 19/2 ra lệnh cấm sử dụng vũ lực với người biểu tình chống chính phủ. Tờ Bangkok Post ngày 20/2 chạy hàng tít lớn “Người biểu tình được bảo vệ”. 

Trong bối cảnh chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, mở chiến dịch “Hòa bình cho Bangkok” giành lại các công sở, lệnh này không khác gì “trói tay” lực lượng an ninh. Được tiếp sức, phe đối lập tiếp tục dấn thêm một bước với những động thái quyết liệt hơn. 

Một mặt, thủ lĩnh Suthep biểu tình dẫn 20.000 người biểu tình bao vây Văn phòng của Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng, nơi bà Yingluck cùng nội các tạm lánh, tuyên bố sẽ truy đuổi bà tới bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào. 

Đồng thời, phe biểu tình ngày 20/2 kéo tới vây trụ sở tập đoàn kinh doanh của gia đình Thaksin, bảo các nhà đầu tư nên rút vốn của họ khỏi những doanh nghiệp dính líu dòng họ Shinawatra.

Nguy cơ đảo chính quân sự vẫn có dù xác xuất thấp, nhưng một cuộc “đảo chính pháp lý” đang ngày một rõ nét và dường như được dàn dựng rất bài bản, công phu. Ngày 18/2, Ủy ban Chống Tham nhũng Thái Lan cáo buộc Thủ tướng Yingluck tội tham nhũng và vi phạm pháp luật, liên quan chương trình trợ giá gạo vốn gây nên khoản lỗ khổng lồ cho Thái Lan. 

Ủy ban này cũng triệu tập bà tới phiên điều trần ngày 27/2 tới. Nếu bị kết luận phạm tội, có khả năng Thủ tướng Yingluck sẽ buộc phải từ chức.

Bà Yingluck vừa bị trói chân trói tay, vừa phải hứng chịu nhiều mũi giáp công cùng lúc. Đối phó phe đối lập chưa xong, bà còn hứng chịu sóng gió nổi lên ngay trong chính lực lượng từng đưa bà lên đỉnh quyền lực, được coi là đội ngũ hậu thuẫn đảng Pheu Thai và gia đình Thaksin. 

Nông dân trồng lúa không nhận được trợ cấp bắt đầu phát khùng, quay sang biểu tình gây áp lực với chính phủ. Chương trình trợ cấp giá gạo gây nhiều tranh cãi đã ngốn của chính phủ Thái gần 21 tỷ USD, đang lâm vào tình trạng thiếu vốn. 

Thái Lan đang “ngồi trên lửa” với hơn 18 triệu tấn gạo tồn kho và giá gạo tiếp tục sụt giảm do nguồn cung trên toàn cầu tăng cao. Nước này bị Ấn Độ và Việt Nam vượt mặt, để mất vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.