Bức công hàm cuối cùng của chính quyền Sài Gòn

Bức công hàm cuối cùng của chính quyền Sài Gòn
TP - Chiều 28/4/1975, lúc 16 giờ 45, buổi lễ bàn giao giữa ông Trần Văn Hương và ông Dương Văn Minh diễn ra tại Dinh Độc Lập.

Khi ông Dương Văn Minh bắt đầu đọc diễn văn nhậm chức, giông sét đánh ầm ầm. Một trận mưa to chưa từng có ập xuống Sài Gòn, quan khách không nghe được ông Minh nói gì. Nhiều người cho đó là điểm gở cho tân chính phủ.

Bức công hàm cuối cùng của chính quyền Sài Gòn ảnh 1
Tướng Nguyễn Cao Kỳ (đội mũ lưỡi trai) là người di tản đầu tiên lên tàu sân bay Midway

Sáng 28/4, lúc 8 giờ 25 phút, Mỹ đáp lại lời nhắn với Liên Xô (qua Đại sứ Liên Xô tại Washington) rằng, như phúc đáp của phía Liên Xô, phía Mỹ đang tiến hành cuộc di tản với tin tưởng là điều kiện sẽ tiếp tục thuận lợi.

Tổng thống Ford  hứa “cuộc di tản không bị cản trở trong bao lâu thì cũng thời gian đó Mỹ cũng sẽ không hành động gì khiến tình hình trầm trọng hơn".

Kissinger nói rằng, đến ngày 27/4, Mỹ vẫn đầy hy vọng là Hà Nội không định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự mà còn muốn điều đình với ông Dương Văn Minh. Tại Sài Gòn, Đại sứ Martin cũng không mấy lo về phía Hà Nội.

Ngoài vợ một nhân viên CIA cao cấp, Đại sứ Martin đã sắp xếp để đưa 2.000 người gồm khá nhiều phi công VNCH và gia đình họ đi di tản sớm sang căn cứ Utapao ở Thái Lan, với mục đích là giảm thiểu khả năng trả thù và đụng độ với lực lượng Mỹ.

Ông Martin cho rằng phi công là những phần tử uất hận nhất nên có thể phản ứng điên rồ, ngăn chặn cuộc di tản cuối cùng của người Mỹ.

Ông Minh có hai áp lực lớn lúc đó: Quân đội VNCH dù rất xơ xác nhưng vẫn còn điều kiện để phản ứng điên rồ nếu họ thấy mình bị “phản bội”; mặt khác phải chứng minh được với “phía bên kia” đây là một chính phủ không đeo đuổi chiến tranh, mà mong được thương thuyết hòa bình.

Việc nghiêng hẳn sang bắt tay với quân giải phóng của ông Minh khiến đồn đại về một cuộc đảo chính râm ran khắp nơi, đặc biệt từ phía không quân thuộc ảnh hưởng của tướng Nguyễn Cao Kỳ. Lực lượng không quân ở Tân Sơn Nhất đóng cổng từ chối nhận lệnh điều động của tổng thống Minh.

Trước đó, tối 27/4/1975 tướng Kỳ điện thoại cho tùy viên quân sự của ông Minh để yêu cầu gặp ông Minh, bàn về sự hợp tác trong cuộc đối đầu với sự tiến quân của Bắc Việt, nhưng được trả lời rằng ông Minh đang bận họp, sẽ gọi điện lại. Sáng 28/4, vì quá muộn để có thể làm gì, tướng Kỳ không gặp ông Minh cho đến lúc ông ta lên trực thăng bay ra tàu sân bay của Hạm đội 7.

Vừa rời lễ nhậm chức về nhà riêng, ông Minh  nghe  những tiếng nổ làm rung chuyển cả Sài Gòn. Tất cả đều nghĩ phe tướng Kỳ đảo chính. Sau đó mới hay, tiếng nổ là do máy bay Bắc Việt oanh kích xuống phi trường Tân Sơn Nhất bằng năm chiếc phi cơ A-37 mà quân giải phóng mới chiếm được, xuất phát từ Nha Trang tham gia cuộc tấn công dưới sự dẫn đường của phi công Nguyễn Thành Trung. Điều này khiến cho giới quân sự Sài Gòn và Mỹ kinh ngạc. Ông Minh vẫn không liên lạc với không quân ở Tân Sơn Nhất. 

Tối 28/4 (sáng 27/4 giờ Washington), việc đầu tiên ông Minh làm trên cương vị Tổng thống là viết một công hàm gửi Đại sứ Martin (văn bản được chuyển giao sáng 29/4). Lúc này có lẽ ông Minh biết chuyện thương thuyết với quân giải phóng là vô vọng. Các tin tức từ Đại sứ Pháp Mérillon không có sự tiến triển nào, vai trò trung gian của Pháp trở nên vô vọng.

Ông Minh yêu cầu: “Tất cả người Mỹ rời khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ ngày  29/4 (tức 28/4 giờ Washington)“. Công hàm này có tính lịch sử vì nó là văn kiện cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn gửi Nhà Trắng, và thực sự cấp cho người Mỹ một quota "danh chính ngôn thuận" để rời Nam Việt Nam. Kissinger nói rằng  "nó thực sự giúp cho chúng tôi thoát ra mà không bị chỉ trích là Mỹ bỏ rơi đồng minh, vì nó trùng hợp với lịch trình rút lui của Mỹ". 

Đêm 28/4, Polgar điện cho Shackley báo cáo về lễ nhậm chức của tướng Minh kèm nhận định của  CIA Sài Gòn. Shackley vẫn lạc quan về việc có được hai tuần trong thời gian ông Dương Văn Minh đàm phán với Bắc Việt, nhưng cũng chỉ rõ  khả năng Hà Nội pháo kích vào Tân Sơn Nhất là “bất cứ lúc nào”.

Vẫn chưa biết chắc chắn về mục tiêu của Hà Nội nên tướng Homer Smith, trưởng văn phòng tùy viên quân sự Mỹ tại Sài Gòn chưa ra quyết định đình chỉ các chuyến bay di tản người Mỹ  bằng phi cơ C-130. Shackley khuyên Polgar nên di tản các nhân viên CIA người Việt,  sang căn cứ Năm Pon (Thái Lan) và Đài Bắc (Đài Loan), trong lúc Shackley cố gắng duy trì các máy bay C-130 cho CIA Sài Gòn sử dụng.

Còn tiếp

Tô Nam lược dịch

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.