Bức tranh và nụ hôn làm xôn xao dư luận thế giới

Bức tranh và nụ hôn làm xôn xao dư luận thế giới
TP - Ngày 28 tháng Bảy, nhật báo Le Monde (Thế giới) tung ra bài viết chấn động dư luận "Có nên xử tội một cái hôn áp lên một bức tranh?"...
Bức tranh và nụ hôn làm xôn xao dư luận thế giới ảnh 1
Sam Rindy và luật sư của cô

Hồi tháng Bảy vừa rồi, cuộc triển lãm Mùa hoa nở dành cho họa sỹ Hoa Kỳ lừng danh Cy Twombly được mở ra ở khách sạn Caumont thành phố Avignon Cộng hòa Pháp.

Ngày 19 cùng tháng , một cô gái châu Á vào xem. Cô tần ngần rất lâu trước bộ tranh ba bức mang tên Phaedrus; gợi lại một tác phẩm văn chương dưới dạng đối thoại của nhà triết học Hy Lạp cổ Platon (438-347 trước CN).

Cô chăm chú ngắm từ xa, rồi lại gần, rồi lùi xa như bị thôi miên bởi một trong ba bức tranh hút hồn.

Bỗng cô cương quyết tiến lên, giang thẳng hai tay, áp môi hôn đắm đuối vào bức tranh. Rồi cô ngây ngất lùi lại, mặt rạng ngời hạnh phúc.

Lập tức, cô bị lực lượng an ninh mời đến đồn cảnh sát và bị giữ tại đấy cho đến sáng hôm sau mới được thả.

Báo chí vây quanh lấy cô. Trước sau cô đều trả lời: “Tôi như bị thần xui quỷ khiến. Tôi thấy nó quá đẹp, nên không kìm được. Đó chỉ là một cử chỉ yêu đương. Tôi không định tổn thương nó”.

Mấy hôm sau, chủ nhân bức tranh, nhà sưu tầm Yvon Lambert và họa sỹ Cy Twombly khởi kiện cô về tội xâm phạm tác phẩm nghệ thuật. Quả thật, bức tranh nói trên, vốn một mầu trắng toát, hằn vết đôi môi cô đỏ mầu son Lovely của Hãng mỹ phẩm Bourjois!

Các cơ quan truyền thông liền rộn lên quanh vụ việc. Ngày 28 tháng Bảy, nhật báo Le Monde (Thế giới) tung ra bài viết chấn động dư luận Có nên xử tội một cái hôn áp lên một bức tranh?

Giới họa sỹ và các bảo tàng gần như toàn cầu sôi nổi bàn cãi, trong khi công chúng trao đổi với nhau với đủ mùi ca ngâm, chủ yếu là trên Internet.

Cuộc tranh luận làm bật ra chủ đề quan trọng. Chưa bao giờ họa sỹ, nói cho đúng là nghệ sỹ Cy Twombly được nói đến nhiều như mấy tháng vừa qua.

Ông chào đời năm 1928 ở Lexinton, bang Virginia. Say mê tranh vẽ và hội họa từ nhỏ, ông thụ giáo nhiều họa sỹ tài danh và tốt nghiệp nhiều trường nghệ thuật chuyên ngành.

Cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của ông được tổ chức năm 1951 ở New York. Từ đó, nhiều cuộc khác nối tiếp diễn ra ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên hành tinh.

Thời trẻ, ông từng đến nhiều địa chỉ du lịch nổi tiếng và lưu lại ở nhiều quốc gia. Từ 1959, ông định cư hẳn ở Italia, thỉnh thoảng ghé về quê nhà. Ông quyết định sống ở Italia là do lựa chọn lý tưởng thẩm mỹ.

Không muốn giống các bậc tiền bối, ông cũng chẳng ép mình vào bất cứ trường phái nghệ thuật nào.

Ông lấy lại những đề tài văn học cổ Hy-La và bộc lộ cảm nhận riêng về đời sống và về văn nghệ qua những bộ tác phẩm không đơn thuần hội họa mà có thể gồm cả điêu khắc, chữ viết bậy trên tường, tranh vẽ, hay một bức tranh trắng hoàn toàn như bức đang được đề cập. Hiện nay, ông được xếp vào nhóm các họa sỹ độc đáo và cuốn hút nhất hành tinh.

… Trong cuộc tranh luận từ vụ bê bối “bức tranh trắng”, một luồng ý kiến khá mạnh mẽ đanh thép khẳng định rằng hành động của cô gái quá yêu bức tranh cho thấy “sự khinh bỉ của công chúng dành cho nghệ thuật hiện đại”.

Một tác phẩm bị biến thành một món đồ để giỡn chơi! Dù biện minh thế nào, việc ấy cũng bộc lộ sự coi rẻ “nghệ thuật cao siêu”, nghệ thuật kiểu bức tranh trắng của Cy Twombly.

Một luồng ý kiến khác bênh vực hành động quá khích của cô gái châu Á tỏ ra tế nhị hơn nhiều. Bằng chứng là vô khối ấn phẩm báo chí và chương trình phát thanh, truyền hình dẫn lại lời biện hộ của cô gái (đăng trên Le Monde ngày 28 tháng Bảy).

Theo đó, chính tình yêu của cô tăng thêm vẻ đẹp cho bức tranh: “Tôi đã hôn. Một vết hằn đỏ lưu lại trên tác phẩm. Tôi lùi lại, và thấy bức tranh kỳ ảo hẳn lên”.

Còn cô gái “táo bạo” đó là ai? Sam Rindy, 30 tuổi, công dân Pháp gốc Campuchia. Mười năm trước, cô tạm xa gia đình sang Pháp học nghệ thuật. Học xong, cô ở lại tập dượt làm họa sỹ.

Cô xuống miền Nam, vừa rèn luyện bút vẽ, vừa nghiên cứu hội họa. Chưa kịp lập gia đình, cô đã có hai con. Cô hiện ở thuê nhà với giá vừa phải. Thu nhập vào loại thấp nhất. Cô bận túi bụi trong học tập, hành nghề và mưu sinh.

Ngày 19 tháng Bảy 2007, lần đầu tiên, cô đường hoàng bước vào một triển lãm sang trọng, bằng chính những đồng tiền cô có được bằng mồ hôi nước mắt của mình. Cô vô cùng xúc động. Từ đó, cô đã “phạm pháp”. Có điều, những vụ án như vậy chưa hề có ở đâu cả.

Các cơ quan pháp luật ở Avignon dùng dằng khá lâu. Toà tiểu hình mở phiên xử đầu tiên ngày 16 tháng Tám. Cuộc tranh tụng không ngã ngũ, nên phiên xử tạm dừng.

Phiên xử thứ hai, ngày 9 tháng Mười, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Phiên thứ ba diễn ra ngày 17 tháng mười một. Chánh toà lập luận rằng pháp luật phải bảo vệ di sản chung, đồng thời bảo vệ chính Sam Rindy về ý thức sống theo pháp luật.

Bất chấp đòi hỏi gay gắt của bên nguyên, Toà án Avignon chỉ phạt cô gái 1.500 euro và 100 giờ lao động công ích, kèm một đợt tập huấn tư cách công dân.

Sam Rindy vẫn xin nhắc lại rằng cái hôn của cô không bồng bột mà xuất phát từ tình yêu nghệ thuật, rằng nó chứng tỏ nghệ thuật có sức mạnh mê hoặc không sao cưỡng nổi.

Lời cuối của cô là vui vẻ và nghiêm chỉnh chấp hành phán quyết của Tòa. Cử tọa sửng sốt khi cô cho biết cô sẽ làm món nem Việt Nam rất được ưa chuộng ở Avignon để lấy tiền nộp phạt. Cô mừng hơi sớm.

Khi phiên toà khép lại, bà luật sư của bên nguyên không dấu được sự ái ngại cho cô: “Cô ấy còn một núi vấn đề tâm lý đè nặng trong lòng, mà cô ấy phải gỡ bỏ”.

Tháng Giêng năm sau, một triển lãm về việc phá hoại nghệ thuật sẽ mở cửa ở Avignon dưới tiêu đề Tôi không hôn đâu mà. Rồi người ta vẫn tính đến chuyện bắt cô phải chịu hai khoản phạt nữa: 20.000 euro cho thiệt hại do triển lãm Mùa hoa nở phải đóng cửa sớm; 33.440 euro cho việc phục chế bức tranh trắng của Cy Twombly. Cầu mong cô tránh được chuyện này…

Đinh Thủy Hương
Theo Nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.