Bức tường an ninh tai tiếng - những điều mắt thấy tai nghe

Bức tường an ninh tai tiếng - những điều mắt thấy tai nghe
Tôi đã sờ tay vào những khối bê tông đúc sẵn dưới cái nắng 39oC đang được Israel dựng lên ở Jerusalem.

Nó ngăn cách khu người Arập sinh sống ở phía Đông với khu người Do Thái ở phía Tây …

Bức tường an ninh tai tiếng - những điều mắt thấy tai nghe ảnh 1
Bức tường chồng bắn tỉa ở jerusalem

Israel gọi đó là “bức tường an ninh” vì tin rằng nó có thể cản được sự thâm nhập của những phần tử đánh bom liều chết từ phía Palestine. Còn các nước Arập gọi đó là “bức tường tội lỗi” vì nó cản trở sự đi lại của dân chúng.

Bức tường rào giá… 800 triệu USD

Bức xúc trước làn sóng đánh bom liều chết đẫm máu của những người Arập cực đoan nhằm vào người Do Thái, Chính phủ Israel đang xây dựng một hệ thống tường rào bê tông nhằm kiểm soát sự đi lại của người Arập  Palestine vào Israel. Việc xây dựng bức tường nói trên đang gây ra sự tranh cãi quyết liệt giữa các bên liên quan.

Các quan chức ngoại giao Israel cho biết, việc xây dựng hệ thống tường rào nói trên sẽ được hoàn thành trong vài tháng tới.

Bức tường này dài hàng trăm ki-lô-mét chạy vòng vèo bao quanh những ngôi làng của người Palestine. Đoạn tường rào khác được xây dựng ở khu vực biên giới phía Nam giữa Israel với Arập.

Một quan chức Israel cho biết, dự kiến chi phí cho việc xây dựng toàn bộ hệ thống tường rào này tốn khoảng 800 triệu USD.

Theo Bộ Ngoại giao Israel, phần lớn hệ thống này là hàng rào thép chứ không phải tất cả đều là tường bê tông. Phần bê tông chiếm khoảng 3,8% tổng độ dài của cả hệ thống.

Tôi không được thấy những đoạn hàng rào thép, chỉ tận mắt chứng kiến việc xây dựng những đoạn tường bê tông kiên cố ở khu vực phố Yasser Arafat thuộc thành phố Jerusalem.

Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè sa mạc, những chiếc xe tải siêu trường siêu trọng nhọc nhằn chở những khối bê tông đúc sẵn dài 10 m đổ xuống bên đường, chờ các cần cẩu dựng lên làm tường rào. Cạnh đó, chiếc máy ủi đa năng đang đào những rãnh rộng chừng 2 m, sâu khoảng 40 cm để chân đế khối bê tông đúc sẵn được dựng lên. Đồng thời, những chiếc xe tải hạng nặng khác chở đá, xi măng đổ xuống công trường để trộn thành bê tông cho việc chôn chân đế khối bê tông đúc sẵn nói trên.

Tại khu phố này khách du lịch vẫn qua lại bình thường. Cánh lái xe taxi người Arập ngồi trong xe thò cổ ra nhìn người Do Thái hối hả dựng lên bức tường ngăn cách.

Jerusalem là thành phố cổ kính và giàu huyền thoại về cội nguồn của 3 tôn giáo lớn gồm Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Dân số Jerusalem khoảng 700.000 người, trong đó 2/3 là người Do Thái, số còn lại là người Arập.

Israel lấy Jerusalem làm thủ đô của Nhà nước Do Thái trong khi phía Palestine cũng tuyên bố một khi nhà nước Palestine được thành lập thì  họ cũng lấy khu Đông Jerusalem làm thủ đô của mình. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt gây nên bất đồng sâu sắc giữa hai bên.

Tường an ninh có an toàn?

Tuy Israel coi Jerusalem là thủ đô của họ, nhưng thực ra hiện nay chỉ có một số cơ quan nhà nước như Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ... đóng trụ sở ở phía Tây thành phố.

Đoàn ngoại giao gồm các đại sứ quán nước ngoài và văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế hầu hết đều đóng trụ sở tại thành phố Tel Aviv thuộc miền Trung nước này, cách Jerusalem gần 100 km.

Tại khu vực phố Yasser Arafat của Jerusalem có một tiểu khu gần Mộ cổ Rachel nơi có người Arập sống xen kẽ với người Do Thái, nhà nọ cách nhà kia chỉ một lối đi nhỏ. Thế là một bức tường bê tông đúc sẵn cao 10m, dầy hơn 20cm, chân đế rộng  hơn 1m đang được dựng lên để ngăn cách hai bên.

Tại đoạn này trông bức tường bê tông thì đồ sộ, nhưng do xây dựng giữa những khu phố chật chội nên khả năng ngăn cản hoàn toàn sự thâm nhập của phía bên kia là không thể. Nếu muốn người ta có thể vượt qua bức tường này bằng nhiều cách khác nhau, như đào đường ngầm chẳng hạn.

Hệ thống tường rào an ninh của Israel không phải chỗ nào cũng giống nhau. Những đoạn chạy qua các khu dân cư của Palestine được coi là xung yếu nhất thường là có hai bức tường bê tông song song cao 10 m được dựng lên.

Một số đoạn khác chạy qua các khu vực đối diện với các làng Tungkarem, Kakilia, Megido bên phía Israel cũng được xây dựng kiên cố hơn bình thường. Khu vực này đã từng xảy ra 5 – 6 vụ đánh bom khủng bố đẫm máu nhằm vào người Do Thái. Ngoài ra, còn một loại tường rào cao chỉ khoảng 3 m dày 20 cm, đế 1 m chạy song song bên lề một con đường cắt ngang Jerusalem.

Các quan chức Israel cho biết đoạn tường này có tác dụng ngăn chặn những tay súng bắn tỉa từ các cửa sổ nhà cao tầng bên kia nhằm vào xe hơi của người Do Thái.

Tại những đoạn tường rào đã xây dựng xong, trên tường bê tông phía Israel lắp đặt các hệ thống camera và con mắt điện tử tối tân nhằm phát hiện mọi trường hợp vượt tường đột nhập sang phía Do Thái. Cứ khoảng 1.000 m tường thì có một vọng gác hình tròn giám sát 24/24 giờ trong ngày.

Trên đường từ thành phố Haifa đến Jerusalem, tôi nhìn thấy nhiều đoạn tường bê tông chạy sát lề đường xe ôtô, một số đoạn chạy qua cánh đồng. Các quan chức Israel thừa nhận một số đoạn tường rào mới xây dựng xong đang cản trở một số lượng nhất định người Arập đi ra các nông trại của họ.

Phía Israel đang xem xét có thể phải đục một số cửa tại những đoạn tường này cho những người Arập phía Bờ Tây đi qua để tới làm việc trên các cánh đồng của mình.

Phía Israel hiện đang cố chứng minh việc họ có quyền xây bức tường nói trên để bảo vệ công dân của mình khỏi bị tấn công. Trong khi đó, dư luận trong thế giới Arập đang đặt vấn đề về tính hợp pháp của việc Israel xây dựng bức tường nói trên. 

Kỳ sau: Thăm trang trại nuôi “bò sữa có học”

MỚI - NÓNG