Bước chân lịch sử của lãnh đạo Triều Tiên

Sơ đồ khu vực thuộc vùng phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên sẽ diễn ra cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27/4. Đồ họa: Thái An.
Sơ đồ khu vực thuộc vùng phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên sẽ diễn ra cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27/4. Đồ họa: Thái An.
TP - Hôm nay, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước qua đường phân định chia cắt bán đảo Triều Tiên để bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, những bước chân của ông sẽ mang đầy tính biểu tượng.

Việc quyết định gặp ông Moon ở phía bên kia của đường phân định biên giới khiến ông Kim trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc. Giới phân tích cho rằng điều này phản ánh sự tự tin mới của Triều Tiên về quyền mặc cả của mình. Ông Kim đang thể hiện rằng ông ấy cảm thấy đủ an toàn để bước ra khỏi Triều Tiên sau nhiều năm nước này bị cô lập vì phát triển vũ khí hạt nhân.

Hai miền có thể sớm đạt được đột phá

Nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh là làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi hiệp định đình chiến hai miền được ký kết năm 1953. Hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007 đều diễn ra ở Bình Nhưỡng.

Phía Hàn Quốc cho biết ông Kim dự kiến bước qua biên giới vào khoảng 9h30 sáng (giờ Seoul), rồi ông sẽ được Tổng thống Moon và đội danh dự chào đón. Hai nhà lãnh đạo dự kiến hội đàm từ khoảng 10h30 và thông báo kết quả vào buổi chiều. Kết quả cuộc gặp sẽ ảnh hưởng đến nội dung cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào đầu tháng Sáu.

Cuộc gặp chưa từng có này được giới quan sát chờ đợi sẽ giải quyết dứt điểm chiến tranh Triều Tiên kéo dài 68 năm hoặc sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh mới, khiến mọi cử chỉ và phát biểu của ông Kim và ông Moon trong dịp này mang đầy sức nặng.

Những tuần gần đây, chính phủ Triều Tiên thường nhấn mạnh sự hòa giải và linh hoạt giữa hai miền, sau nhiều năm gọi Hàn Quốc là “chư hầu” của Mỹ. Cuối tuần trước, ông Kim hứa sẽ ngừng thử vũ khí hạt nhân như một phần của nỗ lực tiến tới giai đoạn chú trọng hơn vào phát triển kinh tế.

Những động thái này khiến giới quan sát kỳ vọng hai miền có thể sớm đạt được đột phá nào đó, để có thể mở cánh cửa cho đàm phán hòa bình chính thức và sự bảo đảm an ninh từ Mỹ - một bước đi quan trọng để thuyết phục ông Kim từ bỏ vũ khí.

“Chúng ta không thể nghĩ ra bất kỳ hoàn cảnh nào Triều Tiên sẽ cân nhắc việc từ bỏ vũ khí hạt nhân mà không có hiệp định hòa bình và một sự bảo đảm về an ninh”, bà Suzanne DiMaggio, Giám đốc New America, một tổ chức tư vấn chính sách độc lập tại Mỹ, đánh giá.

Chuyên gia này là người thúc đẩy các cuộc đối thoại tại Oslo dẫn tới việc sinh viên người Mỹ Otto Warmbier được thả sau một thời gian ngồi tù ở Triều Tiên. “Đối thoại liên Triều rõ ràng đang định hướng cho con đường của đối thoại Mỹ - Triều Tiên”, bà DiMaggio nhận định.

Bước chân lịch sử của lãnh đạo Triều Tiên ảnh 1 Trong căn phòng sẽ diễn ra cuộc gặp của lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc.

Chuẩn bị cầu kỳ

Có bố mẹ là người tị nạn trong chiến tranh Triều Tiên, ông Moon là người rất hợp với tính chất biểu tượng của cuộc gặp hôm nay (27/4). Ông Moon là người ủng hộ “Chính sách ánh dương” của cựu Tổng thống Kim Dae-jung – người đã từ bỏ đường lối cứng rắn và các chính sách trước đó của lãnh đạo Hàn Quốc – sau đó có cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên hồi đó là ông Kim Jong-il.

Ông Moon là chánh văn phòng của người kế nhiệm ông Kim Dae-ung, Tổng thống Roh Moo-hyun. Ông Roh là người có công giúp hai miền đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt năm 2007, trong đó Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí khởi động đối thoại hòa bình.

Việc ông Kim bước chân qua biên giới hôm nay sẽ gợi nhớ lại những bước đi mang tính biểu tượng của ông Roh qua biên giới cách đây 11 năm. Ý nghĩa biểu tượng đó sẽ ấn định giọng điệu cuộc gặp, nơi mọi thứ từ lễ đón đến cách sắp xếp chỗ ngồi hay danh sách người tham gia cũng phải được chuẩn bị và kiểm tra kỹ lưỡng để bảo đảm chuyển tải ý nghĩa mong muốn.

Tạo ra ý nghĩa biểu tượng đúng sẽ là ưu tiên cao nhất đối với Tổng thống Moon khi ông muốn tránh thất bại như những lần gặp trước trong mục tiêu đạt được hòa bình cho bán đảo và chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Cuộc gặp hôm nay sẽ diễn ra trong một căn phòng có treo bức tranh vẽ đỉnh núi Kumgang  – nơi có khu du lịch nằm ở góc bờ biển phía tây Triều Tiên và giáp với Hàn Quốc và được coi là hình ảnh mang ý nghĩa hòa giải, hợp tác và thống nhất hai miền.

Tháng 7/2008, Tổng thống Lee Myung-bak hồi đó yêu cầu dừng các tour du lịch đến khu du lịch này sau khi một khách du lịch Hàn Quốc bị lính Triều Tiên bắn chết vì đi vào vùng cấm. Đoàn Hàn Quốc và Triều Tiên hôm nay sẽ ngồi bên chiếc bàn hình bầu dục dài 2018 mm – tương ứng số năm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc chuẩn bị bữa tiệc chiêu đãi ông Kim với thực đơn phong phú và gắn liền với lịch sử bán đảo Triều Tiên, trong đó có những món ăn truyền thống từ quê hương của các vị tổng thống Hàn Quốc trước đây, món mỳ từ Bình Nhưỡng và các món gợi nhớ đến những ngày học nội trú của ông Kim ở Thụy Sĩ. Sau giờ nghỉ ăn trưa, ông Kim và ông Moon sẽ cùng trồng một cây thông, đắp gốc bằng đất lấy từ đỉnh núi Halla ở Hàn Quốc và đỉnh núi Baekdu ở Triều Tiên.

“Ông Moon là tổng thống Hàn Quốc có kinh nghiệm nhất từng đàm phán với Triều Tiên. Ông ấy biết điều họ làm tốt và điều gì chưa tốt. Ông ấy đã có 10 năm để nghĩ về việc sẽ làm gì”, Bloomberg dẫn đánh giá của ông David Kang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Triều Tiên tại ĐH Nam California (Mỹ). 

Các chủ đề chính

Ba chủ đề lớn của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều gồm: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ song phương, và chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Vấn đề được quan tâm nhất là chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vì nước này gần đây tuyên bố họ đã sở hữu tên lửa tầm xa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân bay đến khu vực đất liền của Mỹ, Yonhap đưa tin.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.