Bước ngoặt quan trọng của Nhật Bản

Bước ngoặt quan trọng của Nhật Bản
TP - Lực lượng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa giành chiến thắng quyết định tại cuộc bầu cử Thượng viện, mở ra cơ hội cho ông củng cố quyền lực và tiếp tục các chính sách kinh tế, quân sự mang nhiều nét riêng.

> Nhật Bản: Dự án thuế khiến đảng cầm quyền thất bại

Hôm 20/7 tại tỉnh Chiba, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) diễn thuyết trên nóc xe tải, trong khi vận động cùng một ứng viên LDP tranh ghế Thượng viện. Ảnh: Japan Today
Hôm 20/7 tại tỉnh Chiba, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) diễn thuyết trên nóc xe tải, trong khi vận động cùng một ứng viên LDP tranh ghế Thượng viện. Ảnh: Japan Today.

Cử tri Nhật Bản hôm qua bỏ phiếu chọn 121 đại diện Thượng viện trong số 433 ứng viên. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe và đối tác liên minh New Komeito giành được ít nhất 71 trong tổng số 121 ghế, Đài Truyền hình quốc gia Nhật Bản dẫn kết quả thăm dò ý kiến cử tri hậu bỏ phiếu. Kết quả này cho phép ông Abe giành quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện lần đầu tiên trong sáu năm.

Kết quả bỏ phiếu chính thức được công bố ngày 22/7, nhưng thăm dò ý kiến cử tri cho thấy, liên minh của ông Abe sẽ có 130 trong tổng số 242 ghế ở Thượng viện.

Theo nhiều nhà quan sát, việc LDP và hai đảng nhỏ hơn ủng hộ chủ chương thay đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của ông Abe nhằm thiết lập quân đội được thừa nhận có vẻ khó có được 2/3 số phiếu cần thiết để thực hiện điều này bằng một cuộc trưng cầu dân ý.

Theo các nhà quan sát, chiến thắng của LDP cũng sẽ mở ra giai đoạn ổn định đầu tiên trong Chính phủ Nhật Bản, kể từ khi ông Junichiro Koizumi thôi nắm quyền vào năm 2006. Chiến thắng sẽ mang lại cho ông Abe, người theo đường lối cứng rắn, nhiệm vụ nặng nề hơn trong quá trình thực hiện công thức phục hồi kinh tế và cứu vãn uy thế chính trị cá nhân.

Năm nay 58 tuổi, ông Abe trở lại cầm quyền sau chiến thắng lớn tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện vào tháng 12 năm ngoái. Nhà lãnh đạo này cho biết sẽ tập trung vào phục hồi nền kinh tế với “Abenomics” (học thuyết kinh tế Abe) - sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ, chi tiêu tài khóa thông thoáng và cải tổ cấu trúc.

Giới quan sát nhận định, cuộc bầu cử lần này là một phép thử quan trọng đối với cá nhân ông Abe với “Abenomics”. Ông Abe đang có được lợi thế lớn từ “Abenomics” khi cách tiếp cận này đã giúp hạ giá đồng yen và khôi phục lòng tin của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán sau nửa thập kỷ hiu hắt. Một cuộc điều tra gần đây cho thấy, 54% người bỏ phiếu ủng hộ “Abenomics”, cao hơn nhiều mức 31% phản đối.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình lo ngại ông Abe sẽ thay đổi trọng tâm sang một chương trình nghị sự bảo thủ, tập trung vào phục hồi Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến tranh và viết lại lịch sử chiến trận của Tokyo với giọng điệu ít hối lỗi hơn.

Nguy cơ tăng căng thẳng với láng giềng

Sự thay đổi đó, cùng với những động thái nhằm củng cố thế trận quốc phòng của Nhật Bản, sẽ khiến mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc xấu đi, khi những hồi ức cay đắng về chiến tranh vẫn hằn sâu trong hai nước láng giềng, nhiều nhà phân tích nhận định. Thực tế là Tokyo đang dính vào tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh và Seoul đối với các hòn đảo nhỏ, không người sinh sống.

“Tôi có cảm nhận rằng Thủ tướng Abe muốn sửa đổi Hiến pháp, dù tôi không nghĩ điều đó sẽ dễ dàng. Tôi muốn ông ấy thể hiện địa vị của Nhật Bản thông qua ngoại giao bằng quyền đàm phán mạnh mẽ, chứ không phải thông qua sức mạnh quân sự có thể đạt được bằng tiền”, Etsuko Yamadda, 35 tuổi, công nhân một công ty may Nhật Bản, nói.

Ông Abe vừa từ chối cho biết liệu ông đến hay không đến thăm đền Yasukuni thờ các tướng lĩnh thời chiến ở Tokyo vào 15/8, ngày tưởng niệm quân đội Nhật Bản bị đánh bại trong Thế chiến 2.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG