Các nhóm vũ trang bắt cóc trẻ em gái

Các nhóm vũ trang bắt cóc trẻ em gái
Bản phúc trình của Quỹ Cứu trợ nhi đồng nói các phe nhóm vũ trang trên thế giới đang cưỡng bức hàng vạn trẻ em gái, phải cầm súng chiến đấu cho họ.

Tổ chức này nói rằng nhiều em bị bắt cóc, hầu hết các em bị lạm dụng tình dục và thường là quá sợ hãi không dám bỏ trốn.

Tổ chức này cũng nói rằng số phận của các em đang cộng đồng quốc tế bị bỏ mặc.

Trong bản phúc trình của mình, Quỹ Cứu trợ nhi đồng nói rằng khoảng 120 ngàn em gái đang sống và chiến đấu trên tuyến đầu trong các cuộc xung đột trên thế giới. Có em chỉ mới 8 tuổi.

Tổ chức này nói tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại Sri Lanka, Uganda và Cộng hòa dân chủ Congo, nhưng đây cũng là một vấn đề toàn cầu.

Tác giả bản phúc trình, ông Matthew Hobson, nói các em gái bị các phe nhóm vũ trang đang cầm giữ các em bóc lột thậm tệ.

Ông cho biết nhiều em gái đang phải làm những công việc như nấu nướng, giặt giũ và dọn dẹp, nhưng điều tổ chức này thực sự phát hiện thấy là hơn một nửa trong số này đang hàng ngày phải đóng vai trò trực tiếp trong cuộc chiến và có lẽ điều đáng kinh ngạc hơn cả là đại đa số các em này đã bị hãm hiếp hoặc bị bạo hành tình dục.

Theo ông Hobson, đây thật là một bức tranh đáng kinh hoàng và hầu hết các em gái bị cưỡng bức phải tham gia vào các cuộc chiến.

Ông Hobson cũng nói thêm rằng các phe nhóm có vũ trang tới các cộng đồng dân cư và đòi phải giao nộp trẻ em cho họ như một hình thức bắt nộp thuế theo tỷ lệ, hoặc cưỡng bức tuyển dụng, hay bắt cóc trẻ em giữa ban đêm.

Vẫn theo ông Hobson, điều này đặc biệt thường xảy ra tại Uganda. Tuy nhiên, ông cũng cho biết một số em tình nguyện nhập ngũ vì tinh thần yêu nước.

Ngoài ra tình trạng nghèo đói cũng thường là một yếu tố thúc đẩy, cộng thêm vào đó là suy nghĩ rằng các em sẽ chẳng có gì khác để làm và bằng việc gia nhập các nhóm vũ trang này, các em cảm thấy trên một phương diện nào đó các em đang bảo vệ cộng đồng của mình.

Ông Matthew Hobson nói các phe nhóm vũ trang này nhắm vào trẻ em vì các em dễ điều khiển uốn nắn hơn là người lớn, và dễ bị các vị chỉ huy sai khiến hơn.

Những khó khăn khi hòa nhập trở lại

Các nhóm vũ trang bắt cóc trẻ em gái ảnh 1

Nhưng thảm kịch là khi cuộc chiến kết thúc, các em gái rơi vào tình trạng rất khó hòa nhập trở lại cộng đồng của mình, và thậm chí gia đình của các em thường chối bỏ chính con cái mình.

Bà Maleec Clyaneratne làm việc cho Quỹ Cứu trợ nhi đồng tại Sri Lanka, nơi rất nhiều trẻ em được phe Hổ Tamil tuyển dụng.

Bà cho biết nhiều em trở về nhà thể theo các điều khoản trong thỏa thuận ngưng bắn giữa Chính phủ với phe Hổ Tamil năm 2002, nhưng tổ chức này thấy rằng rất khó giúp các em hòa nhập trở lại trong xã hội hiện tại.

Bà nói các em luôn khác biệt hẳn so với những trẻ em khác. Một trong những thay đổi chính khi các em ở trong quân đội là phải cắt tóc ngắn, và một trong những điểm chủ chốt khi hòa nhập là để tóc dài trở lại.

Theo bà được xã hội chấp nhận là một điều quan trọng, vì trong xã hội đó, con gái là phải trông như vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi các em để tóc dài và tết tóc hẳn hoi nhưng các em vẫn có dáng đứng như một người lính.

Bà Maleec Clyaneratne cho biết rất khó thuyết phục các em gái lớn tuổi đi học trở lại, cũng như khó thuyết phục các thầy cô giáo và phụ huynh ở các trường đó nhận các em trở lại.

Các phụ huynh khác sợ rằng những em đã từng là lính có thể sẽ có ảnh hưởng xấu tới con cái họ.

Các viên chức Quỹ Cứu trợ nhi đồng nói tại Sri Lanka các em gái không bị phe nổi dậy bạo hành tình dục nhưng tại châu Phi, tình hình ảm đạm hơn nhiều

Như theo lời ông Matthew Hobson thì có những ngờ vực rằng các em gái đã bị lạm dụng tình dục và đôi khi có lo ngại rằng các em có HIV, hoặc bị nhiễm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Nhìn chung cộng đồng có xu hướng quay lưng lại với các em gái đó và điều đáng lo ngại nhất là Quỹ Cứu trợ nhi đồng phát hiện thấy tại một số dự án của họ ở Tây Phi, ví dụ như ở Siera Leone và Liberia chẳng hạn, trung bình 66% các em gái khi hồi hương đều có con bé bồng bế mang về.

Vẫn theo ông Hobson những em bé này, hay các cô gái có con khi là lính. khi trở về nhà đều bị gia đình và cộng đồng chối bỏ vì sợ rằng các vị chỉ huy hay cha của những em bé này có thể trở lại và cướp đi các em hoặc ngay chính mẹ của các em.

Quỹ Cứu trợ nhi đồng nói các cuộc xung đột có xu hướng gắn liền với nam giới, vì thế số phận của các cô gái từng làm lính thường bị bỏ qua, mặc con số này là rất lớn.

Quỹ Cứu trợ nhi đồng nói rằng các chương trình hiện hành không hề có điều khoản đặc biệt nào nhằm giúp các nữ binh lính trẻ em trở lại với cuộc sống bình thường, và rằng các em có những nhu cầu rất khác biệt so với trẻ em trai.

Nay tổ chức này đang yêu cầu phải có tiền để các dự án có thể được thiết kế đặc biệt theo những nhu cầu của các em gái đó.

MỚI - NÓNG