Các nước lớn không thể bắt nạt nước nhỏ

Tổng thống Barack Obama ít đề cập chính sách đối ngoại trong Thông điệp liên bang năm 2015. Ảnh: Forbes
Tổng thống Barack Obama ít đề cập chính sách đối ngoại trong Thông điệp liên bang năm 2015. Ảnh: Forbes
TP - Đọc Thông điệp liên bang lần thứ 6 trong sự theo dõi của cả thế giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập các tranh chấp biển đảo ở châu Á-Thái Bình Dương, bảo vệ chính sách xích lại gần Cuba, khẳng định nguyên tắc nước lớn không thể bắt nạt nước nhỏ…

Trong bối cảnh nhiều điểm nóng an ninh, chính trị nổi lên trên thế giới, bài phát biểu sáng qua (theo giờ Việt Nam) của ông Obama tập trung vào các vấn đề đối nội, ít đề cập chính sách ngoại giao.

Với châu Á - Thái Bình Dương, “chúng ta đang hiện đại hóa các liên minh trong khi bảo đảm rằng những quốc gia khác hành xử theo quy tắc trong cách họ thực hiện thương mại, cách họ giải quyết các tranh chấp hàng hải, và cách họ tham gia để giải quyết các thách thức quốc tế chung như không phổ biến vũ khí và cứu trợ thiên tai”, ông Obama nói. 

Ông Obama nói Mỹ đang duy trì nguyên tắc các nước lớn không thể bắt nạt nước nhỏ, bằng cách phản đối sự can thiệp của Nga, ủng hộ dân chủ của Ukraine và tái bảo đảm cho các đồng minh NATO. Với Cuba, Tổng thống Obama nói Mỹ đang chấm dứt một chính sách đã hết hạn quá lâu. Ông thúc giục Quốc hội từ năm nay chuẩn bị chấm dứt cấm vận Cuba. 

Tổng thống Obama cũng đề cập việc Mỹ đang xây dựng liên minh rộng lớn, trong đó có cả các quốc gia Ảrập, để làm suy yếu và cuối cùng phá hủy tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực đối với IS. Trong khi đó, hai Thượng nghị sĩ phe Cộng hòa John McCain và Lindsey Graham, hai người luôn chỉ trích ông Obama gay gắt, cho rằng, Tổng thống đang luýnh quýnh trong cuộc chiến chống IS. Tổng thống Obama cũng nhắc lại lời hứa đưa ra từ nhiệm kỳ đầu và cam kết nỗ lực không ngừng để đóng cửa nhà tù Guantanamo ở Cuba, nơi các đối tượng tình nghi khủng bố bị giam từ năm 2002. 

Trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Obama nói ông muốn hoàn thành các thỏa thuận thương mại với châu Á và châu Âu để tạo thêm nhiều việc làm liên quan xuất khẩu. Ông cũng thúc giục Quốc hội trao cho ông quyền thúc đẩy thương mại, quyền đàm phán các thỏa thuận tự do thương mại, trong bối cảnh có nhiều ý kiến phản đối vì sợ các thỏa thuận có thể ảnh hưởng trị thường lao động Mỹ.

Thách thức Quốc hội 

Về đối nội, Tổng thống Obama giữ giọng điệu thách thức đối với Quốc hội (do phe Cộng hòa lãnh đạo) khi kêu gọi những người đối lập ủng hộ việc tăng thuế với tầng lớp giàu có và đe dọa dùng quyền phủ quyết những luật cản trở các quyết định chủ chốt của ông. 

Phát biểu trước các nhà làm luật và hàng triệu người đang theo dõi qua truyền hình, Tổng thống Obama cho rằng, Mỹ đã bước sang trang mới, với một nền kinh tế đang tăng trưởng và tạo ra nhiều việc làm với tốc độ lớn nhất kể từ năm 1999. Tỷ lệ thất nghiệp hiện thấp hơn trước thời kỳ khủng hoảng tài chính. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp hơn trước đây; nhiều người dân được bảo hiểm hơn trước đây; Mỹ đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài sau gần 30 năm. 

Ông Obama cho rằng, giờ là lúc bước ra khỏi khủng hoảng và chiến tranh để cùng nhau hỗ trợ những người Mỹ trung lưu bị bỏ lại phía sau. Cốt lõi của kế hoạch do ông Obama đưa ra là nhằm hỗ trợ tầng lớp trung lưu bằng cách tăng thuế đối với người giàu thêm 320 tỷ USD trong 10 năm tới. Số tiền này sẽ được dùng để chi trả các khoản tín dụng thế và phúc lợi giáo dục mở rộng cho tầng lớp trung lưu, trong đó có 2 năm học miễn phí tại các trường cao đẳng cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, phe Cộng hòa khó có khả năng sẽ thông qua đề xuất tăng thuế của ông Obama. Những ứng viên tổng thống tiềm năng cho cuộc đua năm sau như ông Mitt Romney (bị ông Obama đánh bại năm 2012) và ông Jeb Bush phê phán trên facebook rằng, Tổng thống Obama đang tìm cách dùng luật thuế để chia rẽ mọi người. 

Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ phủ quyết nỗ lực của phe Cộng hòa trong việc vô hiệu hóa chương trình chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế của ông cũng như việc ông đơn phương nới lỏng chính sách nhập cư. Ngoài ra, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng trừng phạt Iran trong khi đàm phán về chương trình hạt nhân đang diễn ra sẽ bị phủ quyết.

Nga ngăn Chiến tranh Lạnh mới

Nga đang làm mọi việc để ngăn chặn quan hệ với phương Tây trượt dốc thành Chiến tranh Lạnh mới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua, RIA-Novosti đưa tin. Ông Lavrov thúc giục các đối tác phương Tây hiểu rằng, việc hiện thực hóa an ninh toàn cầu là không thể thực hiện bằng những hành động đơn phương và gây sức ép lên đối tác.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.