Các nước lớn ứng xử với Hamas như thế nào?

Các nước lớn ứng xử với Hamas như thế nào?
Thời báo New York số ra mới đây nói rằng, Mỹ và Israel đang tìm cách cô lập Chính quyền Palestine (PA) do Hamas lãnh đạo, bằng cách ngăn chặn các nguồn viện trợ quốc tế.

Tuy nhiên, Mỹ và các nước châu Âu hiện chưa nhất trí về cách thức và biện pháp sử dụng để buộc Hamas chấp nhận các yêu cầu của họ.

Thực tế cho thấy sự chưa thống nhất giữa Israel và các bên trong Nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nga, EU và Liên hợp quốc) về cách đối xử với chính quyền mới ở Palestine như thế nào, sau khi nhóm Hamas giành thắng lợi thuyết phục trong cuộc tổng tuyển cử tháng trước.

Các nước này đều nhất trí yêu cầu chính quyền Hamas phải chấm dứt hình thức đấu tranh bằng bạo lực chống lại Israel, công nhận nhà nước Israel cùng tồn tại bên cạnh Palestine và chấp nhận các thỏa thuận hòa bình mà chính quyền Palestine trước đây đã ký.

Nhưng các nước này chưa nhất trí với nhau về các cách thức và biện pháp sử dụng để buộc Hamas thực hiện các yêu cầu này. Liệu có nên dùng đòn bẩy viện trợ hay không và nếu có thì dùng biện pháp gì để đạt được mục tiêu ngoại giao?

Trong khi những thành phần cứng rắn trong các chính phủ Mỹ và Israel đòi cắt ngay các nguồn tài chính dành cho Palestine, một số thành viên châu Âu lại muốn tìm cơ chế quản lý chặt chẽ các nguồn tài trợ, tránh để lọt vào tay các nhóm khủng bố.

Chẳng hạn, các nước EU đã đề nghị đối với các khoản thanh toán cho các dịch vụ thiết yếu, thì trả trực tiếp cho các nhà cung cấp của Israel. Ngoài ra còn có ý kiến đề nghị chuyển các khoản tiền mặt qua văn phòng của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, mặc dù hầu hết các bên đều cho rằng điều đó rất ít khả thi.

Một nhà thầu Mỹ tiết lộ, một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có thể sẽ được xếp vào danh mục “viện trợ nhân đạo thiết yếu”, và các khoản tiền để thực hiện các dự án này đều do Liên hợp quốc cung cấp và quản lý.

Các nhà tài trợ, đặc biệt từ Mỹ, mong muốn thông qua Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới (WB), để tránh sức ép chính trị từ trong nước Mỹ và các ràng buộc khác. Thậm chí, các nhà tài trợ có thể sẽ gây sức ép đối với Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới.

Nhưng thiệt hại lớn nhất đối với chính quyền Palestine là khoản tiền thuế hải quan hàng tháng trị giá khoảng 55 triệu USD mà lâu nay Israel vẫn thu hộ. Tuần trước, Israel đã tuyên bố “đóng băng” khoản tiền (chiếm xấp xỉ 1/3 ngân sách hằng năm của Palestine) này sau khi quốc hội do Hamas kiểm soát triệu tập phiên họp đầu tiên vào ngày 18/2, ngay cả trước khi thành lập chính phủ mới.

Không những thế, Israel còn tăng cường an ninh tại các cửa khẩu gần Dải Gaza, cấm chuyển thiết bị cho lực lượng an ninh Palestine, hạn chế tối đa hoạt động đối với các quan chức Hamas. Israel còn yêu cầu các nhà tài trợ nước ngoài ngừng tất cả các khoản chi trả cho PA.

Tại Mỹ, Chính phủ nước này đã thông báo các khoản tiền tài trợ cho chính phủ mới của Palestine sẽ bị cắt, trong đó có tiền lương cho giáo viên, cảnh sát và nhân viên y tế. Ngày 19/2, Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh cho các ngân hàng nước này phong tỏa các tài khoản của một tổ chức có tên gọi “Kindhearts” vì đã cung cấp tài chính cho phong trào Hamas.

Về phần mình, các bên trong Nhóm Bộ Tứ đều lo ngại việc sử dụng nguồn tài chính của Nhóm hồi giáo vũ trang Hamas nằm ngoài tầm kiểm soát của phương Tây.

Điều mà các nước phương Tây lo ngại là khi bị cắt nguồn tài trợ, Hamas sẽ đi tìm các nguồn tài trợ khác mà phương Tây không thể kiểm soát được. Cách đây hai tuần, Hamas tỏ ra khá mềm mỏng, nhưng tuần này, ông Mahmoud Zahar, một nhân vật cứng rắn tuyên bố Mỹ cứ việc giữ lấy “những đồng tiền  của Quỷ Sa-tăng của họ”.

Các nhà lãnh đạo Hamas đang bận rộn công du các nước trong khu vực để vận động tài trợ. Theo các nhà quan sát, thực ra trên thế giới không thiếu những quốc gia sẵn sàng mở vòng tay tài trợ giúp Hamas.

Tổ chức Huynh đệ tại Ai Cập vừa tuyên bố phát động chiến dịch vận động tài chính giúp PA. Cùng lúc, Iran kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ người Hồi giáo.

Nhiều chuyên gia phân tích đánh giá rằng, việc đẩy Palestine vào thế buộc phải bắt tay với thế giới Hồi giáo và A-rập, trong đó có Iran, là điều nằm ngoài mong muốn của Mỹ và các nước phương Tây.

Tuy vậy, vẫn chưa thể nói đến lúc nào thì khoản tài trợ đó có đủ để bù đắp khoản tài chính bị Israel và Mỹ phong tỏa.

Mỹ có thể gây sức ép ngăn cản các nhà lãnh đạo và ngân hàng ở A-rập để họ không cung cấp hay chuyển tiền cho Hamas, và một số họ có thể nghe lời Mỹ, nhưng việc này sẽ gây thêm bất bình trong thế giới A-rập đối với Mỹ.

Trong mọi trường hợp, vẫn có nhiều kênh không chính thức, chẳng hạn thông qua các tổ chức từ thiện của người Hồi giáo tại nhiều nước, giới kinh doanh hoặc các tổ chức buôn lậu - có thể cho phép chuyển tiền cho Hamas. Nước Nga vừa đưa ra lời mời lãnh đạo Hamas tới thăm Moscow, cũng có một cộng đồng người Hồi giáo rất đông sẵn sàng giúp tài trợ cho chính quyền mới ở Palestine.

Giới chính trị và ngoại giao nước ngoài cảnh báo việc trừng phạt những người dân thường Palestine sẽ càng làm tăng thêm sự thù ghét vốn có đối với Israel và Mỹ trong người dân ở nước này và tại các nước A-rập.

Sự lúng túng lại thuộc phía các nhà tài trợ. Họ không biết chắc sẽ phải giải quyết ra sao trước hàng loạt cuộc ganh đua quyền lực ngay trong nội bộ PA. Trong tuần qua, Quốc hội của nhóm Fatah sắp hết nhiệm kỳ đã biểu quyết thông qua luật trao thêm quyền lực cho Tổng thống M. Abbas, theo đó cho phép ông thành lập một tòa án hiến pháp gồm chín thành viên.

Đạo luật mới này tạo cho Tổng thống Palestine quyền lực còn lớn hơn cả Quốc hội, có thể phủ quyết những đạo luật mới do Quốc hội ban hành.

Để phủ quyết đạo luật nói trên, Hamas cần sự ủng hộ của 2/3 tổng số nghị sĩ tại Quốc hội mới.

“Tiến trình diễn ra hoàn toàn trái ngược với ý tưởng và kịch bản của chúng tôi trong tiến trình cải cách và xây dựng Nhà nước Palestine”- một nhà ngoại giao châu Âu nhận xét.

Ông nói, điều đó khác với thời ông Yasser Arafat, khi mọi thứ đề ra đều nhằm làm giảm quyền hạn của Tổng thống. Phía Hamas chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Abbas vì bổ nhiệm nhiều quan chức của nhóm Fatah đảm trách các vị trí công vụ quan trọng.

Trong khi đó, người của Hamas cũng chủ động gặp gỡ nhiều viên chức dân sự cấp cao để trấn an họ và mời hợp tác. “Mọi thứ đang chuyển sang màu xanh, màu truyền thống của lực lượng Hamas”- đó là lời của một nhà thầu nước ngoài với tư cách một quan sát viên.

Theo Nhân Dân/Economist, BBC

MỚI - NÓNG