Các ứng viên buộc tội nhau

Các ứng viên buộc tội nhau
TP - Chiến dịch vận động bầu cử chấm dứt vào ngày 11/4 cho thấy cuộc đối đầu quyết liệt giữa 2 ứng viên chủ chốt - ông Nicolas Maduro 50 tuổi, ứng viên của đảng Xã hội thống nhất cầm quyền, và ông Henrique Capriles 40 tuổi, ứng viên của liên minh đối lập.

> Tranh cử Tổng thống Venezuela: Lái xe buýt 'đấu' triệu phú
> Venezuela cắt liên lạc với Mỹ

2 ứng viên Henrique Capriles (trái) và Nicolas Maduro
2 ứng viên Henrique Capriles (trái) và Nicolas Maduro.

Hôm nay, 14/4, hàng triệu cử tri Venezuela sẽ đi bầu để lựa chọn nguyên thủ quốc gia cho 6 năm tới.

Buộc tội lẫn nhau

Tổng thống mới của Venezuela chắc chắn sẽ phải đối mặt với vô số vấn đề như mức độ tội phạm cao, nạn lạm phát và tình trạng khan hiếm lương thực. Nhưng đáng lẽ đưa ra những giải pháp xây dựng, đảng cầm quyền và phe đối lập lại tập trung vào việc buộc tội lẫn nhau.

Ông Capriles buộc tội đảng cầm quyền sa lầy trong nạn tham nhũng. Còn ông Maduro cảnh báo cử tri là phe đối lập nếu thắng cử sẽ thi hành chính sách của chủ nghĩa tư bản “hoang dã” bằng cách ngừng chương trình trợ cấp người nghèo và bắt đầu tư nhân hoá ngành dầu mỏ.

Đáp lại, ông Capriles khẳng định nếu thắng cử ông sẽ hoàn thiện và mở rộng chương trình xã hội trợ giúp toàn thể người dân Venezuela. Ông cam kết bất kỳ người dân Venezuela nào cũng sẽ được hưởng chế độ giáo dục không mất tiền và hệ thống phục vụ y tế có chất lượng cao cũng như những bảo đảm về xã hội và nhà ở.

Thậm chí, ông hứa hẹn sẽ tăng lương hưu thêm 40%. Ông Maduro không phủ nhận nạn tham nhũng nhưng cam kết sẽ dốc toàn lực vào cuộc đấu tranh chống vấn nạn này.

Trong cuộc mít tinh vận động bầu cử ở thành phố Maturin mạn đông Venezuela, ông tuyên bố: “Chúng ta đứng trước một nhiệm vụ vĩ đại là thanh toán nạn quan liêu, tham nhũng và thái độ thờ ơ của một số quan chức trước những khó khăn của người dân Venezuela”.

Đóng cửa hai biên giới trong dịp bầu cử

Ít ngày trước cuộc bầu cử, chính quyền Venezuela quyết định đóng cửa biên giới đường bộ với 2 nước láng giềng Brazil và Colombia.

Bộ trưởng Nội vụ Nestor Reverol cho biết, biện pháp đó sẽ kéo dài cho tới sau ngày bầu cử, cụ thể là tới hết ngày 15/4 bởi vì cơ quan tình báo Venezuela đã nhận được thông tin về kế hoạch gây bất ổn ở Venezuela trước và trong những ngày bầu cử.

Trước đó ít hôm, ông Maduro tuyên bố một nhóm lính đánh thuê Salvador được sự trợ giúp của các cựu quan chức Mỹ đã lên kế hoạch ám sát ông. Theo lời ông, kẻ thù muốn giết hại ông bởi chúng biết chúng không thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tự do và trung thực.

Ông Maduro cũng cáo buộc lính đánh thuê một vài nước Mỹ La Tinh đã tiến hành phá hoại hệ thống cung cấp điện của Venezuela, gây mất điện tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở bang Boliva. Mới đây nhất, trong cuộc mít tinh lớn kết thúc chiến dịch tranh cử, ông cho biết cơ quan an ninh đã bắt được một nhóm lính đánh thuê Colombia xâm nhập vào Venezuela với mục đích gây bất ổn định trước thềm bầu cử.

Ông Maduro đầy tự tin

Phần lớn những cuộc thăm dò dư luận được thực hiện theo phương pháp truyền thống cho thấy, ứng viên Maduro hiện đang chiếm ưu thế rõ rệt so với ứng viên Capriles. Ông Maduro tự tin tới mức đã lên tiếng mời tất cả mọi người đến dự lễ nhậm chức Tổng thống của ông mặc dù cuộc bầu cử chưa diễn ra.

Các cuộc thăm dò dư luận qua mạng xã hội cho thấy, khoảng cách giữa 2 ứng viên Maduro và Capriles là rất xít xao với tỉ lệ 50,7% và 48,8%. Các ứng viên khác chỉ được sự ủng hộ của 1% cử tri.

Tuy nhiên, một số nhà xã hội học lại áp dụng một phương pháp thăm dò khác bằng cách nghiên cứu ý kiến trên các mạng xã hội.

Phương pháp thăm dò mới này đã được áp dụng trong các cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất ở Mỹ và ở Pháp với kết quả dự báo hết sức chính xác.

Các cuộc thăm dò dư luận qua mạng xã hội như vậy cho thấy, khoảng cách giữa 2 ứng viên là rất xít xao. Cụ thể, ứng viên Maduro được 50,7% cử tri ủng hộ còn ứng viên Capriles giành được sự ủng hộ của 48,8% cử tri (các ứng viên khác chỉ được sự ủng hộ của 1% cử tri).

Như vậy, nếu tính mức độ sai lệch cho phép trong các cuộc thăm dò dư luận, có thể nói cơ may thắng cử của 2 ứng viên chủ chốt thực tế là ngang bằng nhau. Nếu ứng viên nào chiến thắng, cũng chỉ có thể chiến thắng với khoảng cách tối thiểu.

Vũ Việt
Theo Interfaks.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG