Cái chết của bà Bhutto đẩy Pakistan lún sâu vào khủng hoảng

Cái chết của bà Bhutto đẩy Pakistan lún sâu vào khủng hoảng
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto ngày 27/12 được dư luận thế giới coi là một "cú sốc gây chấn động nền chính trị toàn cầu".
Cái chết của bà Bhutto đẩy Pakistan lún sâu vào khủng hoảng ảnh 1
Bà Benazir Bhutto diễn thuyết trước hàng ngàn người hâm mộ tại Rawalpindi ngay trước khi bị sát hại. Ảnh : AP

Chính trường Pakistan vốn đã căng thẳng nay càng hỗn loạn hơn sau cái chết của bà và dư luận trong nước cũng như thế giới đang hết sức lo ngại về nguy cơ quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á này lún sâu vào khủng hoảng và mất ổn định.

Vụ ám sát cũng là một thách thức công khai của những kẻ khủng bố, cực đoan đối với những nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế.

Cho tới trước khi xảy ra vụ ám sát, các mục tiêu hướng tới một nhà nước Pakistan ổn định, dân chủ mặc dù khó khăn nhưng vẫn được coi là theo đúng lộ trình: Tổng thống Pervez Musharraf đã cho phép cả bà Bhutto lẫn cựu Thủ tướng Nawaz Sharif về nước.

Ông Bhutto đã từ chức Tổng tư lệnh quân đội trở thành một Tổng thống dân sự, đồng thời hủy bỏ tình trạng khẩn cấp. Ngày bầu cử Quốc hội cũng đã được ấn định. Tuy nhiên, lộ trình này giờ đây trở nên khó khăn gơn gấp bội.

Giới phân tích quốc tế nhận định vụ ám sát bà Bhutto là một "đòn choáng váng" đối với các lực lượng chính trị tự do đang nỗ lực chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Pakistan, xóa mờ hy vọng của Mỹ về một Pakistan ổn định và dân chủ là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Dư luận lo ngại Pakistan sẽ chìm trong làn sóng bạo loạn đường phố do những người ủng hộ bà Bhutto gây ra, cùng với "viễn cảnh đầy ác mộng" về khả năng các lực lượng Hồi giáo cực đoan có thể tiếp tục lợi dụng tình hình để đẩy đất nước lún sâu vào khủng hoảng, thậm chí lâm vào một cuộc nội chiến.

Theo nhà khoa học chính trị Rasul Baksh Rais thuộc Đại học Khoa học Quản trị Lahore, vụ ám sát cho thấy những kẻ cực đoan có đủ sức mạnh làm gián đoạn tiến trình dân chủ. Mối quan tâm lớn nhất của Tổng thống Musharraf giờ đây là duy trì pháp luật, trật tự và không để vụ việc làm phát sinh một phong trào lớn chống lại ông.

Chính ông Musharraf có thể trở thành một nạn nhân chính trị trong cuộc khủng hoảng khi người ta cho rằng chính phủ Pakistan đã không bảo đảm được an ninh cho bà Bhutto, người trước đó đã tố cáo một số nhân vật trong đảng cầm quyền đứng đằng sau lực lượng dân quân muốn sát hại bà. Các nhà phân tích chính trị Pakistan cũng nhận định tình hình Pakistan đang "cực kỳ nguy hiểm" đối với hoạt động của các chính đảng.

Chuyên gia Stephen Cohen thuộc Viện Brookings đã gọi cái chết của bà Bhutto là "một đòn giáng vào những hy vọng về một nước Pakistan tự do và ôn hòa". Ông nhấn mạnh "Những hy vọng vừa le lói về một giai đoạn quá độ dân chủ ở Pakistan đã tan vỡ cùng với việc các nhà lãnh đạo các chính đảng ở Pakistan bị sát hại, làm suy yếu các đảng. Tình hình này báo hiệu việc tái xác lập nền dân chủ ở Pakistan sẽ khó diễn ra".

Theo ông, nếu tình hình Pakistan rối loạn hơn nữa sẽ gây ra các tác động tiêu cực và khó lường đối với tất cả các nước láng giềng cũng như với châu Âu và Mỹ.

Nhà phân tích an ninh Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ) cũng cho rằng cái chết của bà Bhutto làm cho tình trạng bất ổn chính trị ở Pakistan trở nên nghiêm trọng hơn và hiện Mỹ chưa tìm được đối tác nào ở Pakistan có sẵn khả năng khôi phục ổn định chính trị, tạo ra bầu không khí thuận lợi để Pakistan tổ chức bầu cử lập pháp, khôi phục luật pháp và xóa bỏ sự ngăn cách đã tăng lên giữa Tổng thống Musharraf với dân chúng.

Các nhà phân tích thuộc Quỹ Di sản cảnh báo rằng "tâm trạng đau buồn và giận dữ sau vụ ám sát này có nguy cơ kích động bạo lực". Vì thế, điều quan trọng hàng đầu đối với Pakistan lúc này là duy trì sự yên tĩnh trên đường phố, tuy nhiên, sẽ là không khôn ngoan nếu ông Musharraf lại sử dụng tình trạng khẩn cấp để đạt được mục tiêu đó.

Ngoài vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay là Pakistan nên hay không nên tiến hành bầu cử Quốc hội đúng lịch trình (vào ngày 8/1/2008), câu hỏi lớn mà giới truyền thông thế giới nhất loạt đặt ra là ai, thế lực nào đứng đằng sau vụ sát hại bà Bhutto. Ngày 28/12, mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda của Osama bin Laden đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ ám sát, tuy nhiên giới an ninh và tình báo cho rằng cần thẩm định về điều này.

Hãng tin AP (Mỹ) đưa tin những kẻ tình nghi chính trong vụ này là các tay súng Hồi giáo cực đoan nước ngoài và Pakistan, những kẻ coi bà Bhutto là một nhân vật dị giáo và từng nhiều lần đe dọa giết hại bà. Các phiến quân Pakistan ủng hộ Taliban cũng đã không giấu giếm quyết tâm giết bà Bhutto kể từ khi bà trở lại quê hương sau nhiều năm sống lưu vong.

Tuy nhiên không ít người nghi ngờ có bàn tay của lực lượng an ninh ISI (Inter-Services Intelligence) Pakistan từng có quan hệ chặt chẽ với các thế lực Hồi giáo kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước và là một lực lượng thường được các nhà lãnh đạo Pakistan sử dụng làm công cụ để đàn áp lực lượng chống đối chính trị. ISI cũng là lực lượng phản đối quyết liệt sự trở về của bà Bhutto.

Các chuyên gia tình báo cho rằng ít có khả năng Tổng thống Musharraf đứng sau vụ này, tuy nhiên, không loại trừ khả năng một số thế lực trong quân đội và tình báo Pakistan nhúng tay vào vụ việc vì sợ sẽ bị mất quyền lợi nếu bà Bhutto lần thứ ba trở thành thủ tướng Pakistan.

MỚI - NÓNG