Mỹ:

Cải tạo đá ngầm ở biển Đông không làm nên chủ quyền

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russel.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russel.
TP - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, hôm qua khẳng định, theo luật quốc tế, các hoạt động nạo vét hay cải tạo sẽ không làm thay đổi hay củng cố khía cạnh pháp lý của tuyên bố chủ quyền của một nước. “Dù có đổ bao nhiêu cát lên bãi đá ngầm ở biển Đông, cũng không thể tạo nên chủ quyền”, ông nói.

Trong phiên điều trần về các vấn đề hàng hải ở Đông Á trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 13/5, ông Russel nhắc lại quan ngại trước tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông và những hành động của Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, đặc biệt là hoạt động cải tạo quy mô lớn trên các thực thể nhỏ ở khu vực tranh chấp. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nêu quan ngại trước ý định sử dụng những tiền đồn này, đặc biệt khi gần đây Bắc Kinh nói rằng, có thể tận dụng các đảo nhân tạo vào mục đích quân sự.

Ông Russel nói phía Mỹ chia sẻ quan điểm của khu vực rằng, Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nên hình thành trong thời gian Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2015 tại Malaysia. Ông cho rằng, Washington sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ động và tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác hàng hải trên các diễn đàn đa phương của khu vực, và những vấn đề này sẽ là một phần chính trong các cuộc thảo luận song phương của Mỹ với các nước liên quan. Ngoài ra, ông Russel thúc giục Thượng viện Mỹ thúc đẩy việc Mỹ tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Hãng tin Reuters hôm 12/5 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đề xuất các phương án khác nhau, bao gồm điều động lực lượng tàu quân sự và máy bay chiến đấu trong phạm vi khoảng 22 km xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang ngang nhiên cải tạo trái phép.

Việt Nam hoan nghênh nỗ lực quốc tế duy trì hòa bình biển Đông

Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về phiên điều trần nói trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định trong cuộc họp báo chiều qua rằng, hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông là nguyện vọng cũng như là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) đồng thời tiến tới COC. “Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực biển Đông, đặc biệt là ủng hộ vai trò của ASEAN, tuân thủ DOC và những nỗ lực nhằm tiến tới COC”, Người phát ngôn nói.

“Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, đồng thời đề nghị tất cả các bên liên quan kiềm chế, không có những hành động làm thay đổi nguyên trạng, đe dọa đến hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không của khu vực, tuân thủ đầy đủ DOC và các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”, ông Lê Hải Bình nói.

MỚI - NÓNG