Cắm quân ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ bán láng giềng gần

Thổ Nhĩ Kỳ quyết không rút 600 quân đang đồn trú trên lãnh thổ Iraq. Ảnh minh họa: AFP.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết không rút 600 quân đang đồn trú trên lãnh thổ Iraq. Ảnh minh họa: AFP.
Với quyết định không rút 600 quân khỏi Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh mất người bạn cuối cùng của họ trong khu vực Trung Đông.

Ngày 10/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kiên quyết bác bỏ tối hậu thư do Iraq đưa ra và tuyên bố sẽ không rút khoảng 600 binh sĩ của nước này đang đóng quân gần thành phố Mosul của Iraq để "huấn luyện dân quân người Kurd chống IS", theo Reuters.

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, với quyết định cứng rắn này, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang đi một nước cờ mạo hiểm để quyết giành lấy ảnh hưởng trên chiến trường Iraq. Thế nhưng, họ đang có nguy cơ đánh mất đi mối quan hệ với Iraq, và tự đẩy mình vào thế cô lập đầy nguy hiểm trên trường quốc tế.

Bình luận viên kỳ cựu Burak Bekdil của nhật báo Hurriyet chỉ ra rằng với chính sách đối ngoại của mình, Tổng thống Erdogan đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ "cô đơn" hơn bao giờ hết. Từ Địa Trung Hải xuống phía nam, Thổ Nhĩ Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Cyprus (đảo Síp), một thành viên của Liên minh châu Âu. Ở phía đông, nước này cũng không qua lại với Armenia, quốc gia có một căn cứ quân sự của Nga ở ngay sát biên giới.

Xa hơn xuống phía nam, Ankara không công nhận chính quyền hậu đảo chính quân sự ở Cairo, biến Ai Cập trở thành "mảnh đất thù địch" với nước này. Ở phía tây, các vùng biển ngoài khơi Libya ngày càng trở nên nguy hiểm đối với bất cứ tàu thuyền Thổ Nhĩ Kỳ nào, còn trên bộ, các công dân Thổ Nhĩ Kỳ đều bị đối xử như những kẻ khủng bố, theo ông Bekdil.

Tại Lebanon, công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây trở thành những "món hàng" giá trị cao của những kẻ chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc. Trước đây, người dân Lebanon còn coi ông Erdogan là một "người hùng" khi ông này lên tiếng chỉ trích Israel trong vụ đột kích đẫm máu vào một đoàn tàu chở đồ viện trợ cho Palestine năm 2010. Nhưng thời thế đã thay đổi, và giờ đây lực lượng Hezbollah ở Lebanon đang điều các tay súng tới Syria để chống lại những nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng lên, ông Erdogan đã nhanh chóng quay lưng với "người bạn cũ" Bashar al-Assad và ủng hộ các nhóm vũ trang đối lập để lật đổ chính quyền Syria và thay thế bằng lực lượng Hồi giáo "ôn hòa" dòng Sunni thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Với chiến dịch can thiệp quân sự của Nga, đặc biệt là sau sự cố Su-24 Nga bị bắn rơi, toan tính này của Thổ Nhĩ Kỳ gần như đổ bể, khi chính quyền của ông Assad tránh được nguy cơ sụp đổ, trong khi phiến quân người Turk thân Thổ Nhĩ Kỳ bị vùi dập trong các cuộc không kích của Nga. Bầu trời Syria hiện nay cũng gần như thuộc về Nga, khiến các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ không còn dám cất cánh để thực hiện các cuộc ném bom vào "phiến quân IS", theo như lời nước này, trong không phận Syria.

Cắm quân ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ bán láng giềng gần ảnh 1

Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với các quốc gia láng giềng. Đồ họa: Wikipedia.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang viết nên câu chuyện tương tự với Iran. Theo tờ Al-Monitor, Iran đã rất cố gắng đứng ra hòa giải Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng khi nỗ lực này thất bại, hố sâu ngăn cách giữa Tehran và Ankara ngày càng trở nên rộng hơn.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho hay trong một cuộc điện đàm với lãnh đạo Iran, ông Erdogan đã thể hiện sự thất vọng với việc Iran "ủng hộ Nga chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ". Ankara cũng công khai tuyên bố rằng nếu Tehran tiếp tục "thái độ thù địch" với họ, mối quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ chấm dứt.

Chọc giận người bạn cuối cùng

Không thân thiện với hầu hết các nước láng giềng, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đang gây chuyện với người bạn cuối cùng của họ là Iraq, quốc gia có mối quan hệ khá nồng ấm với Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây. Hồi tuần trước, chính phủ Iraq đã rất bất ngờ khi Thổ Nhĩ Kỳ điều 150 binh sĩ cùng 25 xe tăng vượt biên tới thị trấn Bashiqa, cách Mosul hơn 10 km, nhằm tăng cường lực lượng cho 600 lính nước này đang đồn trú tại đây.

Sau những lời phản đối đầy giận dữ của chính phủ Iraq, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố toàn bộ lãnh thổ Iraq, ngoại trừ khu tự trị người Kurd, đều trở nên nguy hiểm với công dân nước này, và khuyến cáo họ rời khỏi Iraq ngay lập tức. Điều này trái ngược với tuyên bố của Thủ tướng Ahmet Davutoglu rằng việc họ điều quân đến Mosul là nhằm bày tỏ "tình đoàn kết" với Iraq.

Với việc Thổ Nhĩ Kỳ không chịu rút quân khỏi Mosul, chính phủ Iraq càng trở nên tức giận và đe dọa sẽ có những biện pháp mạnh. Hội đồng thành phố Baghdad cũng phát động chiến dịch tẩy chay toàn bộ hàng hóa và doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Bekdil cho rằng hành động của Ankara chẳng khác nào một thanh niên mang dao xông vào nhà hàng xóm, khi bị hàng xóm đuổi đi và đe dọa gọi cảnh sát, anh ta chỉ nhún vai nói rằng "tôi ở đây chỉ để đảm bảo an ninh cho nhà anh".

Động thái trên đã khiến dư luận hoài nghi về động cơ của Ankara. Nga lập tức vào cuộc khi tuyên bố hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Iraq cần phải được thảo luận ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ biết rõ rằng Nga sẽ không dám có hành động quân sự với lực lượng đồn trú của họ ở Iraq, bởi như vậy chẳng khác nào gây chiến với cả khối NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên. Trong trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn biết dựa vào sự ủng hộ của NATO, trong đó có Mỹ, để "cố sống cố chết" bám trụ lại căn cứ quân sự ở Bashiqa, theo chuyên gia phân tích Semih Idiz của Al-Monitor.

Hadi al-Ameri, chỉ huy lực lượng Badr của người Shiite ở Iraq, đã thề sẽ chiến đấu chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara tiếp tục triển khai quân ở nước này. Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili thậm chí còn kêu gọi không quân nước này tiến hành các cuộc không kích nhắm vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú nếu họ không chịu rút đi.

Cắm quân ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ bán láng giềng gần ảnh 2

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Al-Monitor.

Theo một số nguồn tin ngoại giao, Mỹ có vẻ như không thể hiện mức độ ủng hộ như những gì Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi. Ông Brett McGurk, đặc phái viên chính phủ Mỹ tại liên quân chống IS tuyên bố: "Mỹ không ủng hộ việc triển khai lực lượng quân sự trong lãnh thổ Iraq mà không được sự chấp thuận của chính phủ nước này". Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cũng tái khẳng định lập trường này.

Theo chuyên gia Idiz, bằng những hành động quân sự này, Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng minh với thế giới thấy rằng họ quan trọng hơn mọi người vẫn nghĩ, nhất là khi nhận được sự hậu thuẫn của phương Tây. "Nhưng hãy nhớ rằng, lập trường của phương Tây với các đối tác chiến lược có thể thay đổi tùy theo tác động bên ngoài, và nếu điều đó xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn toàn bị cô lập, mất đi tất cả đồng minh và bạn bè", ông này nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.