Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về biển Đông:

Cần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN

Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về biển Đông
Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về biển Đông
TP - Các học giả đến từ nhiều nước nhận định, Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận trước mắt với một số nước Đông Nam Á để làm dịu các tranh chấp, song thực tế vẫn duy trì, thậm chí tăng cường sự hiện diện và kiểm soát trên biển Đông, gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng trong khu vực.

Ngày 15/11, Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” bế mạc tại TP Nha Trang sau 2 ngày làm việc.

Về những diễn biến gần đây, các học giả chia sẻ nhận định tình hình có vẻ hòa dịu hơn sau phán quyết, song mâu thuẫn trên thực địa vẫn không thay đổi về bản chất. Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận trước mắt với một số nước Đông Nam Á để làm dịu các tranh chấp, song thực tế vẫn duy trì, thậm chí tăng cường sự hiện diện và kiểm soát trên biển Đông, gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa. Các hoạt động xây dựng và lắp đặt trang thiết bị phục vụ mục đích quân sự và do thám ở các điểm đảo Chữ Thập, Vành Khăn, và Subi không giảm tốc độ, cho thấy Trung Quốc không thay đổi mục tiêu dài hạn là giành toàn quyền kiểm soát biển Đông. Đó là một nguyên nhân quan trọng gây ra căng thẳng trong khu vực.

Các học giả cũng cho rằng một số nước tiếp giáp biển Đông có xu hướng chuyển dịch gần với Trung Quốc hơn chủ yếu do nhu cầu tập trung phát triển nội bộ. Tuy nhiên, trên thực tế các nước vẫn lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh tương lai chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời tổng thống mới còn chưa rõ ràng. Do vậy, các đại biểu nhấn mạnh các nước trong khu vực cần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở biển Đông.

Đánh giá khía cạnh kinh tế-chính trị, các học giả nhất trí rằng để đảm bảo an ninh và ổn định ở biển Đông, các bên cần thực thi chính sách tự kiềm chế, giữ nguyên trạng, không thực hiện các hành động đơn phương trên biển Đông như quân sự hóa các điểm chiếm đóng hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông. Các yếu tố như sự phát triển của khoa học công nghệ, điều chỉnh giá dầu trên thị trường thế giới và các sáng kiến thúc đẩy hợp tác ở biển Đông sẽ có tác động lớn tới các nỗ lực giải quyết và quản lý tranh chấp trên biển trong thời gian tới. Các học giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các cơ chế quản lý xung đột trong các lĩnh vực thường xảy ra tranh chấp ở biển Đông là đánh bắt cá, khai thác nguồn lợi khí đốt, và bảo vệ môi trường biển.

Cơ hội từ phán quyết Toà trọng tài

Đánh giá về khía cạnh pháp lý, các học giả chia sẻ quan điểm rằng cục diện pháp lý trên biển Đông đã bước sang giai đoạn mới sau phán quyết của Tòa án quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở biển Đông. Cho dù luật quốc tế hiện nay không có cơ chế thực thi bắt buộc, phán quyết này có tác động chính trị và pháp lý to lớn và lâu dài. Phán quyết không chỉ làm sáng tỏ và thu hẹp phạm vi các vùng biển thực sự có tranh chấp tại biển Đông, mà còn đánh giá nhiều hành động trên biển Đông trong thời gian qua là không phù hợp với quy định của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển. Phán quyết cũng gián tiếp nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong phần lớn vùng biển của biển Đông. Nhiều học giả cũng cho rằng, các kết luận của phán quyết mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực lợi ích chung như nghề cá, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác, các học giả đã đề xuất nhiều mô hình hợp tác trên biển Đông. Một số sáng kiến đề xuất phát triển các cơ chế hợp tác hiện có như hợp tác song phương hoặc ba bên giữa một số bên ở biển Đông, hợp tác xây dựng bộ quy tắc phòng ngừa va chạm bất ngờ trên biển và hợp tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản. Nhiều ý tưởng hợp tác mới như tổ chức đối thoại giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước tiếp giáp biển Đông, hợp tác giữa các nhà khoa học, xây dựng công viên biển cũng được đề xuất. Bên cạnh đó, một số học giả cũng đề xuất sử dụng hiệu quả các thể chế của Công ước Luật Biển như Toà Luật biển quốc tế, Ủy ban Ranh giới ngoài của thềm lục địa và Cơ quan quyền lực đáy đại dương để có thêm các tư vấn về việc áp dụng và giải thích công ước phù hợp với bối cảnh biển Đông.

Bên cạnh các phiên làm việc chính, hội thảo dành riêng một phiên thảo luận đặc biệt cho nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Các lãnh đạo trẻ trình bày các ý tưởng thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Chương trình này tập hợp các học giả trẻ đang nghiên cứu về vấn đề biển Đông tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu trên thế giới để chuẩn bị thế hệ kế cận tiếp nối và phát triển những ý tưởng hợp tác ở biển Đông.

 Trong số các đề xuất của nhóm Lãnh đạo trẻ có các ý tưởng đáng chú ý như xây dựng mạng lưới Lãnh đạo trẻ chuyên nghiên cứu về biển Đông trong khu vực, bảo vệ môi trường biển, tăng cường công tác truyền thông thúc đẩy hợp tác, và tăng cường khả năng trao đổi giữa các bên ở biển Đông.

Cựu đô đốc hải quân Malaysia Azhari Abdul Aziz chiều qua cho rằng, INCSEA (Thỏa thuận về các sự kiện trên biển do Liên Xô và Mỹ ký năm 1972) là một di sản của Chiến tranh Lạnh nhưng có thể vẫn có giá trị trong việc quản lý tranh chấp ở biển Đông. Có thêm một cơ chế cũng không đến nỗi là giọt nước làm tràn ly. Điều quan trọng là tuân thủ các điều khoản của cơ chế hoặc biện pháp đó nhằm giảm thiểu nguy cơ va chạm, xung đột trên biển Đông, trên không ở khu vực tranh chấp, trong khi tìm kiếm giải pháp lâu dài qua kênh ngoại giao và các phương pháp hoà bình, ông nói.

MỚI - NÓNG