Càng gỡ, càng tắc

Càng gỡ, càng tắc
TP - Trong khi tình hình vẫn diễn biến theo chiều hướng ngày một xấu hơn, tuyên bố mới đây của Thủ tướng Đức Angela Merkel càng khiến người dân lục địa già lo ngại.

> EU đồng ý tăng vốn cho các ngân hàng

Bà Merkel khẳng định, ủng hộ một Liên minh châu Âu tập trung quyền lực hơn và gắn bó chặt chẽ hơn, điều này đồng nghĩa với việc Đức sẽ vẫn duy trì các kỷ luật tài chính của khối và các nước láng giềng đang ngập trong nợ nần nếu muốn được cứu trợ sẽ phải chấp nhận các điều kiện thắt lưng buộc bụng.

Thực tế cho thấy, sau hơn hai năm Brussels cung cấp các gói cứu trợ đi kèm các điều kiện khắc nghiệt như cắt giảm chi tiêu, một loạt các quốc gia châu Âu đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của nó: Tăng trưởng kinh tế bị bóp nghẹt.

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện vẫn chưa có lối thoát sau khi nhiều dấu hiệu cho thấy một mùa hè khó khăn nữa đang đến gần với những diễn biến khó lường.

Giới phân tích cảnh báo nguy cơ các thị trường chứng khoán thế giới sẽ chao đảo mạnh nếu khối lượng giao dịch xuống dốc không phanh, lãi suất trái phiếu kỳ hạn của Tây Ban Nha có nguy cơ tiếp tục tăng cao và một loạt các ngân hàng lớn của Italy bị hạ mức tín nhiệm.

Lạm phát tại khu vực đồng euro tiếp tục ở mức cao hơn so với chỉ tiêu trong tháng thứ 19 liên tiếp.

Các quốc gia nhận cứu trợ như Hy Lạp, Iceland, Bồ Đào Nha… mặc dù chưa bị vỡ nợ nhưng tình hình kinh tế vô cùng bi đát.

Các biện pháp cắt giảm chi tiêu khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, người dân phải cắt giảm chi tiêu, hoạt động sản xuất bị đình đốn.

Hậu quả không chỉ dừng ở mức độ kinh tế suy giảm mà xã hội trở nên bất ổn khi hàng loạt cuộc biểu tình dồn dập lật nhào một loạt chính phủ ở châu Âu.

Pháp và nhiều nước khác đang đề nghị đưa công cụ tăng trưởng vào trong các gói cứu trợ song mọi dấu hiệu đều cho thấy Đức vẫn không chịu từ bỏ quan điểm duy trì kỷ luật tài chính.

Rõ ràng châu Âu đang rất bế tắc trong việc tìm giải pháp và thời gian càng kéo dài thì cuộc khủng hoảng càng lan rộng hơn và phức tạp hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã gia tăng cảnh báo về nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là châu Âu.

Ngân hàng Đức cũng thừa nhận khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể sẽ là nền kinh tế duy nhất trên thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG