Căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc cam kết mở thêm thị trường

Nông dân Mỹ sẽ chịu thiệt hại nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Ảnh: IBTimes.
Nông dân Mỹ sẽ chịu thiệt hại nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Ảnh: IBTimes.
TP - Trong bài phát biểu trước Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua nhắc lại cam kết mở cửa thêm nền kinh tế và không ít lần phản bác Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi hai nước liên tục đưa ra các biện pháp đe dọa chiến tranh thương mại.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, vì thế bài phát biểu của ông Tập được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt tình hình. Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc không trực tiếp nhắc đến Tổng thống Trump, nhưng mượn nhiều thành ngữ và cách nói ẩn dụ của người Trung Quốc để khẳng định sự mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc và cam kết tiếp tục cải cách.

Cam kết nhiều…

Ông Tập cam kết tiếp tục tự do hóa nền kinh tế như “mở rộng đáng kể” khả năng tiếp cận thị trường, nới lỏng hạn chế đối với các công ty nước ngoài, giảm thuế nhập khẩu và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại những cam kết trước đây của nước này và khẳng định sẽ bảo đảm các biện pháp cải cách lớn được triển khai, bao gồm lời hứa mở cửa ngành tài chính và bảo hiểm. Ông Tập cũng nhấn mạnh sẽ mở cửa thêm những lĩnh vực khác. Ông nói rằng, Trung Quốc có thể cải tổ ngành công nghiệp ô-tô để cho phép các nhà sản xuất ô-tô nước ngoài mở nhà máy sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc. Ông Tập cũng nói rằng thuế đối với ô-tô nhập khẩu có thể thấp hơn. Một ngày trước, ông Trump phàn nàn trên Twitter về sự mất cân bằng “ngu ngốc” giữa mức thuế 2,5% của Mỹ và mức thuế 25% của Trung Quốc đối với ô-tô nhập khẩu.

Chủ tịch Trung Quốc cũng nói nước này không tìm kiếm thặng dư thương mại (trong bối cảnh nước này đạt mức thặng dư thương mại 375 tỷ USD với Mỹ trong năm ngoái) và có “ham muốn thực sự” về việc tăng hàng hóa nhập khẩu. Dù ông Tập không hề nhắc đến Tổng thống Mỹ trong bài phát biểu hôm qua nhưng ông nhấn mạnh, các nước cần theo đuổi toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương. Ông cũng trực tiếp phản bác nhiều điều trong số những chỉ trích mạnh mẽ nhất của chính quyền Trump về cách làm của Bắc Kinh, nói rằng “tư tưởng Chiến tranh Lạnh và thắng thua” đã lỗi thời.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc phản bác những biện pháp thuế mà Washington dọa sẽ áp lên các sản phẩm Trung Quốc trị giá 150 tỷ USD nhập vào Mỹ. Nhiều sản phẩm trong số đó hưởng lợi từ chiến lược “Made in China 2025”, một kế hoạch khuyến khích đổi mới nhằm đưa Trung Quốc thành một trung tâm sản xuất hàng công nghệ cao. Một trong những cam kết lớn nhất của ông Tập là sẽ thúc đẩy bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các công ty. Cam kết này được đưa ra sau khi Washington mở cuộc điều tra về cáo buộc phía Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu làm ăn ở Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn về tình trạng bảo vệ sở hữu trí tuệ lỏng lẻo cũng như kiểu ép buộc chuyển giao công nghệ.

Thực hiện được bao nhiêu?

Giới phân tích hoài nghi những cam kết nêu trên của Trung Quốc có thể dẫn đến thay đổi thực chất. Ông Shaun Rein, sáng lập viên Nhóm nghiên cứu thị trường Trung Quốc, cho rằng Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay ý nghĩa hơn vì diễn ra trước nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. “Nhiều người quan tâm về việc liệu Trung Quốc có mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài hay không, và động lực nào để chia phần cho châu Âu và châu Á như một cách để hạ Mỹ xuống”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Rein.

Nhà nghiên cứu này nói rằng ông chờ đợi Trung Quốc và các nước châu Á khác sẽ đạt được nhiều thỏa thuận lớn nhân dịp này, khi Bắc Kinh đang muốn thể hiện với thế giới rằng họ không cần Mỹ. “Đây là cơ hội để ông Tập thể hiện rằng công việc làm ăn của Trung Quốc vẫn bình thường, và trấn an thị trường vốn đang bị xáo trộn vì những điều ông Trump đang làm”, ông Rein nói.

Theo ông Christopher Balding, phó giáo sư ngành kinh tế học tại Trường Kinh doanh HSBC tại Thâm Quyến (Trung Quốc), các diễn đàn trước đây bàn rất nhiều vấn đề, nhưng sau đó không thấy mấy thay đổi thực chất. “Ông Tập muốn nói rằng Trung Quốc rất cởi mở, rất sẵn sàng tiếp nhận đầu tư, nhưng đồng thời ông ấy cũng sẽ nói chúng tôi sẽ không thay đổi gì hoặc làm gì khác với Mỹ. Nếu xem lại các bài phát biểu trước đây sẽ thấy chúng khá giống nhau”, ông Balding nói.

Trong khi đó, căng thẳng Mỹ - Trung dường như có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi ông Trump bày tỏ lạc quan rằng Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để tháo ngòi căng thẳng thương mại. Ông Trump nói rằng chính quyền Mỹ có lẽ sẽ đi đến thỏa thuận với Trung Quốc để giải quyết mâu thuẫn đang tác động xấu lên các thị trường tài chính toàn cầu và gây lo ngại xảy ra một cuộc xung đột kinh tế lớn giữa hai nước. Mỹ trước đó tuyên bố sẽ tăng thuế lên lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 150 tỷ USD, còn Trung Quốc thông báo đáp trả bằng việc tăng thuế lên nhiều sản phẩm Mỹ, từ đậu nành đến máy bay.

Tổng thống Mỹ hôm 9/4 nói việc Bắc Kinh trả đũa nhằm vào ngành nông nghiệp Mỹ “cũng tốt thôi”. “Nông dân chúng ta là những người cực kỳ yêu nước. Họ hiểu họ đang làm điều này vì đất nước. Chúng tôi sẽ bù đắp cho họ”, Bloomberg dẫn lời ông Trump nói trước các phóng viên tại một cuộc họp nội các. Nhà kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính và ngân hàng Goldman Sachs, ông Jan Hatzius, nói rằng, Goldman Sachs kỳ vọng hai nước sẽ đạt được sự đồng thuận, tác động kinh tế từ các biện pháp tăng thuế sẽ không khốc liệt.

Một phản ứng phù hợp từ Trung Quốc sẽ có thể thay đổi tình thế, Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng. Quan chức này cho biết chính quyền Mỹ sẽ dùng tất cả công cụ sẵn có để bảo vệ các công nhân, nông dân và chủ trang trại Mỹ.

Nhiều báo nước ngoài hôm qua đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã nói chuyện với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về các vấn đề thương mại. Phía Mỹ thúc giục Trung Quốc mở cửa thêm ngành ô-tô và dịch vụ tài chính. Nhưng vẫn chưa rõ địa điểm diễn ra cuộc nói chuyện này cũng như người dẫn dắt là ai.

MỚI - NÓNG