Canh bạc ngàn tỷ

TP - Dự án khổng lồ “nhất đới nhất lộ” hay “một vành đai một con đường”, đi qua ba châu lục Á-Âu-Phi với tổng mức gọi vốn ít nhất 1.000 tỷ USD trong năm năm tới, là cơ hội ngàn năm cho Trung Quốc (TQ) vươn lên thống trị thế giới nhưng có thể là canh bạc cho 68 nước muốn tham gia.

Ý tưởng được manh nha qua hai đời lãnh đạo là các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình chỉ cần ba năm để biến nó thành hiện thực. Đầu tiên, ông cho thành lập Ngân hàng Phát triển Hạ tầng Châu Á (AIIB), nguồn rót vốn chính cho dự án, hồi tháng 1/2016. Hơn năm sau, ngày 14-15/6 cũng tại Bắc Kinh, ông khai trương “vành đai con đường” với sự tham dự của đại diện 130 nước trong đó có 29 nguyên thủ. Hơn tháng sau, 16/6, AIIB tổ chức cuộc tụ họp đầu tiên ở hải ngoại và không quên cụ thể hoá nó. Số thành viên của tân thể chế tài chính này tăng từ 57 lên 80 gián tiếp chứng minh tính hấp dẫn của “vành đai con đường”, lớn gấp nhiều lần “con đường tơ lụa” kết nối Á-Âu cách đây 2000 năm.

Chỉ hai sự kiện kia thôi cũng cho thấy TQ là bậc thầy đục nước béo cò và biết khai thác cái thời đại cần. Toàn cầu hoá bị giáng một đòn chí mạng bởi việc Anh rời Liên minh châu Âu và Tổng thống Donald Trump giương khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”. Đã thế, hai siêu cường Mỹ-Nga ngày càng sa lầy vào xung đột Trung Đông. Đúng lúc ấy, đầu năm 2017 tại Thụy Sỹ, ông Tập tuyên bố TQ sẽ lãnh ấn tiên phong lái con tàu toàn cầu hoá.

Ngày càng nhiều nước mua vé lên tàu. Song lên thì dễ, xuống mới khó. TQ không thiếu tiền. Nước này hiện giữ 3.000 tỷ USD tính đến tháng 2/2017, chiếm 30% dự trữ ngoại hối toàn cầu, theo Bloomberg. Điều đó cũng có nghĩa TQ khát thị trường để giải phóng vốn dư thừa. Song không phải “tiền nào” cũng đi liền với “của ấy”. Nhiều dự án hạ tầng trên thế giới với tổng vốn 500-650 tỷ USD do TQ làm tổng thầu đều bị hoài nghi về tính hiệu quả, về môi trường, xã hội, và về thiếu công khai, minh bạch trong đấu thầu.

Đã thế, các dự án “vành đai và con đường” đều là song phương thay vì đa phương như chủ trò TQ bố cáo. Điều đó đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ rơi vào các quốc gia tham gia cuộc chơi. Các nước có nền kinh tế yếu kém, điểm tín dụng thấp và không được quản trị tốt gần như cầm chắc nguy cơ thành con nợ. Vậy chả nhẽ TQ chấp nhận lỗ về kinh tế? Không đơn giản như vậy.

MỚI - NÓNG