Cảnh báo chiến tranh hạt nhân

Cảnh báo chiến tranh hạt nhân
TP - Mặc dù các cường quốc quân sự thế giới đang dần tháo dỡ những kho vũ khí hạt nhân cũ kỹ của mình, các quốc gia này vẫn đang nghiên cứu và phát triển những loại tên lửa mới với những đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn.
Cảnh báo chiến tranh hạt nhân ảnh 1
Một kho tên lửa hạt nhân của Mỹ. Ảnh: AP

Điều này tạo ra một nguy cơ rất lớn về một cuộc chiến tranh hạt nhân trong tương lai.

Trong một báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 12/6 được các hãng tin đăng tải cho rằng số lượng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang tăng lên có nghĩa là nguy cơ vũ khí hạt nhân được đưa ra sử dụng cũng tăng theo.

Điều đáng lo ngại là ở chỗ nếu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, người ta coi vũ khí hạt nhân là phương tiện để răn đe thì ngày nay, nhiều nước coi vũ khí hạt nhân là thứ có thể được đưa ra sử dụng.

Lần đầu tiên SIPRI xếp CHDCND Triều Tiên vào danh sách quốc gia có vũ khí hạt nhân vì gần đây Bình Nhưỡng đã cho nổ thử hạt nhân thành công. Mặc dù hiện vẫn chưa rõ đến nay CHDCND Triều Tiên đã thực sự chế tạo được vũ khí hạt nhân hay chưa nhưng SIPRI vẫn ước tính Bình Nhưỡng đã sản xuất được khoảng 6 quả bom hạt nhân dựa trên cơ sở tính toán về các kho chứa protunium của Bình Nhưỡng.

Iran cũng là một thành viên đầy tiềm năng của câu lạc bộ hạt nhân nếu Tehran quyết định chuyển chương trình làm giàu uranium của mình sang mục đích quân sự.

Chuyên gia về vũ khí hạt nhân của SIPRI cho rằng sớm nhất thì từ nay đến khi Iran chế tạo được bom hạt nhân cũng phải mất 5 năm. Đến nay trên thế giới có thể khẳng định chắc chắn các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan và Ấn Độ đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Israel cũng được hầu hết các chuyên gia hạt nhân tin là đã có loại vũ khí giết người hàng loạt này.

Theo thống kê, hiện nay các quốc gia nói trên có tổng số các đầu đạn hạt nhân là 11.530, luôn sẵn sàng được đưa ra sử dụng cùng với tên lửa hoặc máy bay. Trong tổng số này, Nga và Mỹ chiếm hơn 90% tổng số đầu đạn hạt nhân với 5.614 đầu đạn ở Nga và 5.045 ở Mỹ.

Cả Mỹ và Nga đều tham gia ký kết các hiệp định về phá hủy bớt số đầu đạn hạt nhân nhưng đồng thời cả Matxcơva và Washington đều đang tìm cách phát triển những thế hệ vũ khí hạt nhân mới nhằm giúp hiện đại hóa quân đội của mỗi nước.

Mỹ vẫn là nước chi phí cho quân sự lớn nhất thế giới với 529 tỷ USD cho quân sự trong khi chi phí quốc phòng của Trung Quốc hiện đã vượt chi phí quốc phòng của Nhật Bản, trở thành nước có chi tiêu cho quân sự lớn nhất ở châu Á. Các nước Anh, Pháp, Trung Quốc có kế hoạch sẽ triển khai những thế hệ vũ khí hạt nhân mới của họ trong tương lai gần.

SIPRI cho biết, năm 2005 Mỹ chi phí 505 tỷ USD cho quân sự, năm nay con số này còn tăng hơn nữa do một số khoản dành cho chiến tranh ở Afghanistan và Iraq.

Đứng sau Mỹ về chi phí quân sự là Anh, Pháp. Chi phí quân sự của Trung Quốc đứng thứ 4 trên thế giới với gần 50 tỷ USD trong khi Nhật Bản đứng thứ 5 với mức 43,7 tỷ USD.

Mặc dù Nga vẫn là một siêu cường quân sự nhưng năm qua chi phí quốc phòng của Matxcơva mới đạt 34,7 tỷ USD. Các chuyên gia SIPRI cho rằng Nga muốn khẳng định vị trí siêu cường của mình nên ngoài vũ khí hạt nhân còn sử dụng cả vũ khí dầu mỏ khí đốt.

Báo cáo của SIPRI cho biết kể từ năm 2002 đến nay, giá trị trao đổi mậu dịch đối với hàng hóa là vũ khí tăng nhanh do Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường nhập khẩu vũ khí từ Matxcơva và Washington.

Nga và Mỹ vẫn là hai nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trong khi đó, 5 quốc gia Trung Đông được liệt kê thuộc nhóm 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Đ.P
Tổng hợp

MỚI - NÓNG