Cảnh sát Hong Kong dùng hơi cay trấn áp người biểu tình

Người biểu tình bị trấn áp bằng súng phun nướcẢnh: Reuters
Người biểu tình bị trấn áp bằng súng phun nướcẢnh: Reuters
TP - Hôm qua, cảnh sát Hong Kong dùng súng phun nước và hơi cay để giải tán đám đông ném bom xăng gần tòa nhà Hội đồng Lập pháp Văn phòng Chính quyền trung ương.

Một số người biểu tình đã ném gạch đá vào cảnh sát tại khu vực gần một doanh trại của quân đội Trung Quốc, theo tường thuật của Reuters. “Người biểu tình hiện đang chiếm giữ Văn phòng Chính quyền trung ương và liên tục ném bom xăng vào trong”, một thông báo của cảnh sát nói.

Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc đã trải qua ba tháng liên tục có biểu tình. Vào ngày 1/7, nhân dịp kỷ niệm sự kiện Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc, người biểu tình ở Hong Kong đội mũ cứng, đeo mặt nạ, áo đen đổ đến văn phòng của Hội đồng Lập pháp và chiếm giữ nơi này. Bạo lực đã nổ ra trong các tuần trước, khi người biểu tình đập phá tại các ga tàu điện ngầm, đốt lửa trên phố. Cảnh sát đã phải dùng đến súng phun nước, đạn hơi cay, đạn cao su để trấn áp. Từ việc phản đối dự luật dẫn độ, nay đã chính thức bị rút lại, người biểu tình tiếp tục bày tỏ sự phản đối đối với nhiều vấn đề khác.

Sáng hôm qua, người biểu tình tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Anh, nước từng quản lý Hong Kong trong suốt một thế kỷ.

Tuyên bố chung Trung-Anh, ký năm 1984, thiết lập tương lai của Hong Kong sau khi được trả về cho Trung Quốc vào năm 1997, một thể chế “một quốc gia, hai chế độ” được áp dụng.

“Một quốc gia, hai chế độ đã chết”, những người biểu tình hô vang bằng tiếng Anh bên ngoài lãnh sự quán Anh.

Trung Quốc nói họ cam kết đảm bảo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, bác bỏ cáo buộc rằng chính quyền trung ương can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong nhưng cũng nói vấn đề Hong Kong là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cáo buộc các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Anh, xúi giục bạo loạn. Trong khi đó, Anh nói họ có trách nhiệm pháp lý buộc Trung Quốc phải tuân thủ tuyên bố 1984.

Hong Kong được giao cho Anh quản lý từ năm 1842 sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất. Kowloon, một bán đảo đối diện Hong Kong sau Chiến tranh Nha phiến lần hai cũng được trao cho Anh quản lý. Phần thuộc địa của Anh này lại có thêm diện tích với khu vực lãnh thổ mới ở phía bắc Kowloon, theo một hợp đồng cho thuê 99 năm, ký năm 1898.

MỚI - NÓNG