Cảnh sát online

Cảnh sát online
TP - “Tôi sẽ uống tất cả và lặng lẽ rời thế giới này”. Thông điệp cùng ảnh những viên thuốc màu trắng được viết trên Weibo - mạng xã hội mini phổ biến nhất Trung Quốc.

 > CIA theo dõi Facebook, Twitter

Văn phòng Weibo của Công an Tế Nam Ảnh: Global Times
Văn phòng Weibo của Công an Tế Nam Ảnh: Global Times.

Thông điệp của một nữ diễn viên trẻ nhanh chóng xuất hiện trên màn hình máy tính hoặc điện thoại di động của hàng nghìn người hâm mộ cô. Họ nhanh chóng nhận ra đấy là thư tuyệt mệnh và đăng lại trên các tiểu blog khác. Trong số họ, có người gọi điện cho Công an Bắc Kinh.

Không lâu sau, cảnh sát tìm thấy nơi ở của nữ diễn viên. Họ xông vào nhà và đưa cô đi bệnh viện. Câu chuyện xảy ra tháng trước kết thúc có hậu: cô gái được cứu sống.

Công dân mạng phản ứng mạnh mẽ. Một số chỉ trích nữ diễn viên, cho rằng đó chỉ là chiêu đánh bóng tên tuổi. Hầu hết người lướt web khen ngợi cảnh sát sử dụng công nghệ cao để cứu người.

“Nếu đó là vụ tự tử giả thì cũng không quan trọng. Cảnh sát Bắc Kinh đã mang lại cho chúng tôi cảm giác an toàn. Tôi cảm thấy cảnh sát thực sự phục vụ dân”, blogger Xanh tía may mắn viết trên Weibo.

Tháng 8 năm ngoái, Công an Tế Nam (thủ phủ tỉnh Sơn Đông) cũng nhận được nhiều lời khen ngợi sau khi dùng tài khoản Weibo của họ để cứu một người định tự tử.

Các sở công an của Trung Quốc thường được nhìn nhận là nghiêm khắc và xa rời quần chúng. Họ đang nỗ lực cải thiện quan hệ với người dân, kể cả trong thế giới ảo. Hơn 20.000 tài khoản Weibo - tiểu blog của Trung Quốc giống như Twitter của phương Tây được sở công an và sĩ quan cảnh sát Trung Quốc mở.

Bắt tội phạm, tìm trẻ em mất tích

Báo chí và giới chuyên gia cho rằng, những thông điệp Weibo trực tuyến gửi tới máy tính, điện thoại của bất kỳ ai muốn xem đã giúp tôn lên vẻ đẹp của cảnh sát cũng như quảng bá hoạt động của họ. “Weibo là một nền tảng tốt để cảnh sát giao tiếp với công chúng, đem lại cơ hội tránh hiểu lầm”, Zhang Yiwu, giáo sư truyền thông công tác tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Vài năm trước, các cơ quan và quan chức nhà nước mở hơn 40.000 tài khoảng microblog nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch hơn và tiếp nhận thông tin từ người dân nhanh hơn. Hơn 60% tài khoản Weibo của cơ quan và quan chức chính phủ thuộc về các sở công an. Trong số 20 tài khoản Weibo hàng đầu, 15 thuộc về các sở công an.

Làn sóng cảnh sát mở tài khoản Weibo bắt đầu ngay sau khi Giáo sư Yu Jianrong (Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) phát động chiến dịch trên Weibo nhằm giải cứu những trẻ em mất tích, bị bắt cóc. Hàng trăm nghìn người tham gia bằng cách chụp ảnh trẻ em ăn xin trên đường phố và gửi tới hàng trăm nghìn người dùng Weibo khác.

Bộ Công an Trung Quốc ngay lập tức ghi nhận hành động của công chúng và hưởng ứng bằng một chiến dịch triệt phá buôn người trên toàn quốc. cơ quan này cũng nhận thấy lợi ích của Weibo và yêu cầu tất cả đơn vị trực thuộc tạo các tiểu blog của riêng họ.

Chen Shiqu, Giám đốc bộ phận phòng chống buôn người của Bộ Công an, nói các tài khoản Weibo đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết một số vụ án. “Nhờ 1.500 tin báo từ người dùng Weibo, chúng tôi đã tìm thấy nhiều trẻ em mất tích và đưa các em về với gia đình”, ông Chen nói.

Chen Tong, chủ bút Weibo, nói rằng những thành viên là cảnh sát tỏ ra nổi bật và hoạt động hiệu quả. “Trong số cơ quan chính phủ, các sở công an nổi trội hẳn trong việc sử dụng Weibo để liên lạc với công chúng tốt hơn”, ông Chen Tong nói.

Không chỉ dùng Weibo để cải thiện hình ảnh của mình, các sở công an còn sử dụng mạng xã hội để sử mạnh sức mạnh quần chúng trong việc bắt tội phạm. Từ tháng 4, Công an Tế Nam gửi các thông điệp Weibo, cung cấp thông tin chi tiết về 21 nghi phạm cùng ảnh của chúng. Mới đây, 6 trong số 21 nghi phạm ra đầu thú, nói rằng sớm muộn gì họ cũng bị người dân phát hiện, bắt giữ.

Trên tiểu blog của mình, Công an Hạ Môn (thủ phủ tỉnh Phúc Kiến) treo giải cho ai cung cấp thông tin giúp làm sáng tỏ vụ án một bé gái 3 tuổi bị sát hại tháng 11-2010. Thông điệp này được 10.000 người dùng Weibo đăng lại. Năm ngày sau, hai nghi phạm bị bắt giữ nhờ thông tin do các blogger cung cấp. “Người dùng Weibo đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vụ án. Họ cung cấp cho chúng tôi những manh mối dẫn đến nghi phạm”, Liu Dongqiang (Công an Hạ Môn) nói.

Lập văn phòng riêng cho bộ phận blog

Tài khoản Weibo đầu tiên của sở công an được lập hồi tháng 2-2010. Chủ tài khoản là Công an thành phố Triệu Khánh (tỉnh Quảng Đông). Sau đó, Công an thành phố Tế Nam và tỉnh Hà Bắc làm theo. “Chúng tôi luôn tìm cách cải thiện quan hệ giữa cảnh sát và quần chúng. Chúng tôi cũng mời mọi người tới văn phòng. Nhưng không ai làm việc tốt như tài khoản Weibo của chúng tôi”, Xu Chunhua, Phó Giám đốc Công an Tế Nam, nói.

Weibo cung cấp liên lạc hai chiều với công chúng. “Chúng tôi tạo ra một nền tảng mở và bất cứ ai muốn trò chuyện đều có thể viết cho chúng tôi trên Weibo”, ông Xu Chunhua nói. “Người dân tò mò xem chúng tôi làm gì, làm như thế nào. Weibo giúp họ tham gia tìm kiếm câu trả lời”.

Linh vật và cúp Weibo được trao cho Công an Tế Nam với thành tích lọt vào Top 10 microblog Chính phủ Ảnh: Liang Chen
Linh vật và cúp Weibo được trao cho Công an Tế Nam với thành tích lọt vào Top 10 microblog Chính phủ Ảnh: Liang Chen .

Công an Tế Nam chính thức khai trương microblog trên Weibo hồi tháng 8-2010. Thời gian đầu chỉ có hai sĩ quan (Sun Haidong và Song Jian) phụ trách bán thời gian. Đầu năm nay, họ bổ sung hai người và thành lập văn phòng riêng. Tài khoản Weibo “Công an Tế Nam” trên mạng Sina hiện có gần 1,2 triệu người theo dõi (follower). Ngoài ra, tài khoản Weibo trên mạng Tencent thu hút hơn 2,2 triệu follower. Blog của Công an Tế Nam đứng trong Top 10 tài khoản Weibo chính phủ trên Tencent trong 2 năm liền (2010 và 2011).

“Dùng mạng xã hội là để tương tác trực tiếp với công chúng. Tôi thích cảm giác biết được công dân mạng đang nghĩ gì về chúng tôi”, sĩ quan công an Tế Nam Sun Haidong nói. Nhiệm vụ chính của ông là cập nhật blog Weibo của cơ quan. Ông và 3 đồng nghiệp đăng thông tin về an ninh trật tự, lời khuyên về bảo đảm an toàn, thông báo sự kiện cộng đồng, công việc của cảnh sát…

Nhiều sở công an gửi tới các follower của họ những lời khuyên đơn giản mà hữu ích, ví dụ tự bảo vệ bản thân trong những hoàn cảnh nhất định. Công an Hà Bắc đăng trên blog các biện pháp thoát khỏi một đám đông hỗn loạn, sau sự kiện giẫm đạp ở cầu Kim Cương tại Campuchia cuối năm ngoái khiến gần 400 người thiệt mạng.

Nhiều người lướt web nói rằng các tiểu blog của cơ quan chức năng khiến cơ quan công quyền bớt chuyên quyền và dễ làm việc hơn. “Chúng tôi đăng thông điệp trên Weibo nên người dân cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp, làm việc với chúng tôi”, sĩ quan công an Song Jian, người làm việc toàn thời gian cho blog “Công an Tế Nam”, nói.

Blog “Công an Tế Nam” nổi tiếng và có tới hàng chục nghìn follower sau khi cứu một nữ công dân mạng chuẩn bị truyền thông tin quá trình tự tử lên tiểu blog của cô hồi tháng 3. “Weibo không chỉ kết nối chúng tôi với người dân mà còn tăng hiệu quả công việc vì chúng tôi được yêu cầu trả lời các câu hỏi trong vòng 24 giờ”, ông Sun Haidong nói. Hiệu quả công việc tăng vì phản ứng nhanh của cảnh sát giúp giảm sự lan truyền tin đồn và giúp người dân giữ được bình tĩnh.

Một báo cáo của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải công bố hồi tháng 8 cho thấy, trong số 100 microblog hàng đầu của các cơ quan chính phủ, phần lớn đến từ tỉnh Quảng Đông, Sơn Đông và Hà Bắc. 75 blog là của các sở công an. Công an Quảng Đông có hơn 1,9 triệu follower Weibo trên mạng Sina, trong đó Công an thành phố Triệu Khánh thu hút trên 1 triệu follower. Công an Bắc Kinh có 1,8 triệu follower.

Hou Changfeng, Trưởng phòng Công cộng - Công an Tế Nam, nói rằng tất cả đơn vị trực thuộc công an thành phố được yêu cầu hỗ trợ bộ phận Weibo của cơ quan gửi thư khiếu nại, tố cáo tới các phòng ban chức năng để giải quyết.

“Chúng tôi giám sát hệ thống giải quyết vấn đề. Nếu phòng ban hoặc cảnh sát nào không phản ứng nhanh, họ sẽ bị cảnh cáo, bị phạt”, ông Hou Changfeng nói. Mục tiêu của họ là xử lý các vấn đề đơn giản của người dân trong vòng vài giờ, những vấn đề phức tạp hơn trong vòng 24 giờ. Công an Tế Nam có kế hoạch mời các follower gặp mặt để cung cấp thông tin chi tiết hơn cho công chúng, trong khi người dân góp ý cải thiện chất lượng phục vụ của cảnh sát.

“Việc thành lập và duy trì blog Weibo cũng khiến các sở công an gặp khó khăn. Nhưng đó là cách tốt để cải thiện công tác liên quan quần chúng và phòng chống tội phạm”, Wang Xianshi, Phó Bí thư Thành ủy Quảng Đông, nhận định. Công an Trung Quốc sẽ dùng mạng xã hội để phòng chống tội phạm quốc tế, nhiều chuyên gia dự đoán.

Minh Long
Theo Global Times, Beijing Daily, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.