Cấp phép vắc-xin COVID-19 của hãng J&J: Hy vọng vào 'nhân tố thay đổi cuộc chơi'

Các nhân viên y tế Philippines dỡ lô vắc-xin do máy bay quân sự Trung Quốc đưa đến ảnh: Reuters
Các nhân viên y tế Philippines dỡ lô vắc-xin do máy bay quân sự Trung Quốc đưa đến ảnh: Reuters
TP - Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép cho vắc-xin COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng nữa mà các chuyên gia cho rằng sẽ giúp đưa nước Mỹ tiến thêm một bước để trở lại cuộc sống bình thường.

“Đây thực sự là một tin tuyệt vời. Vắc-xin của J&J hoạt động rất tốt, có hồ sơ an toàn vượt trội và mang lại tiện ích lớn”, TS Esther Choo, giáo sư về y tế khẩn cấp tại ĐH Y tế & Khoa học Orgen đánh giá.

Phân tích của FDA xác định vắc-xin của J&J an toàn và hiệu quả, đặc biệt là có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường. Khác với 2 loại vắc-xin COVID-19 đã được Mỹ cấp phép trước đó, vắc-xin của J&J chỉ cần một mũi tiêm. TS Choo nói rằng đây là điều rất quan trọng. “Tiêm một mũi cho tất cả mọi người đã là một thách thức lớn. Việc phải tiêm mũi thứ hai, theo dõi và vận chuyển vắc-xin là một rào cản lớn đối với nhiều người Mỹ, đặc biệt ở những vùng nông thôn”, TS Choo nói với CNN.

Vắc-xin của J&J sẽ giúp tăng lượng vắc-xin sẵn có cho người Mỹ khi giới chức y tế nước này đang chạy đua để ngăn chặn một đợt bùng phát khác do những biến chủng mới gây ra. Cho đến nay đã có hơn 48,4 triệu người Mỹ được tiêm mũi đầu tiên và hơn 23,6 triệu người đã được tiêm hai mũi, theo số liệu của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC). Khoảng 3,9 triệu liều vắc-xin J&J đã được sản xuất và sẵn sàng cho phân phối.

Dù việc cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin COVID-19 thứ 3 là tin rất tốt, các quan chức y tế nhắc đi nhắc lại cảnh báo rằng giờ chưa phải lúc từ bỏ các biện pháp an toàn để ngăn chặn virus lây lan. Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đang giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Hàng chục ngàn ca mắc mới vẫn được xác nhận mỗi ngày. Gần 49.000 người vẫn phải điều trị vì bệnh này và gần 63.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 được báo cáo ở Mỹ chỉ riêng trong tháng này. 

Các chuyên gia cảnh báo rằng một đợt bùng phát mới có thể xảy ra chỉ sau vài tuần nữa do biến chủng mới gây ra. Chủng B.1.1.1.7 được phát hiện đầu tiên ở Anh gây quan ngại nhiều hơn cả. CDC dự đoán chủng này sẽ lấn át ở Mỹ trong tháng tới.

Hy vọng mới

Philippines hôm qua nhận được lô vắc-xin COVID-19 đầu tiên từ Trung Quốc, một ngày trước khi triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia. Tổng thống Rodrigo Duterte tham dự buổi lễ tiếp nhận 600.000 liều vắc-xin CoronaVac của hãng Sinovac do máy bay quân sự Trung Quốc đưa đến. Philippines dự kiến nhận thêm 25 triệu liều vắc-xin CoronaVac nữa trong năm nay. Chương trình tiêm chủng của Philippines sẽ bắt đầu từ các nhóm nhân viên y tế và quân đội, Philstar đưa tin.

“Với chuyến hàng rất quan trọng này, tôi tin rằng sẽ có thêm những lô vắc-xin khác nữa được đưa đến cho đến khi từng người Philippines được có cơ hội tiêm chủng càng sớm càng tốt”, ông Duterte phát biểu tại căn cứ không quân Villamor. Ông Duterte cảm ơn Trung Quốc vì “cử chỉ hữu nghị và đoàn kết - dấu ấn cho quan hệ đối tác Philippines - Trung Quốc”.

Philippines cũng đàm phán với các nhà cung cấp khác để mua 148 triệu liệu nhằm bảo đảm tiêm cho 70 triệu dân, tức 2/3 dân số.

Ông Resty Padilla, phát ngôn viên một uỷ ban của chính phủ chuyên về ứng phó với đại dịch, nói rằng vắc-xin có thể là “nhân tố thay đổi cuộc chơi để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế khiến hơn 576.000 người Philippines mắc bệnh và hơn 12.300 người thiệt mạng”.

“Dù chúng ta vẫn còn chặng đường dài mới đến thời điểm miễn dịch cộng đồng, việc nhận được lô vắc-xin đầu tiên mang lại hy vọng về con đường quay lại bình thường đã mở ra”, ông Padilla nói.

Chính quyền Duterte đang bị chỉ trích vì đi sau hầu hết các nước Đông Nam Á khác trong việc mua vắc-xin, sau cả những nước nhỏ hơn và nghèo hơn như Campuchia, Myanmar và Lào. Ông Duterte trước đó chỉ trích mạnh mẽ các nước phương Tây giàu có, đặc biệt là những nước sản xuất vắc-xin, rằng họ đã tích trữ quá nhiều vắc-xin cho người dân của họ, khiến những nước nghèo hơn không mua được hàng. Cuối năm ngoái, ông tuyên bố sẽ bỏ một hiệp ước cho phép Mỹ đưa quân lính đến Philippines tập trận nếu Washington không cung cấp ít nhất 20 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho Manila.

Tuy nhiên, dư luận Philippines cũng không ủng hộ chương trình tiêm chủng lắm. Một cuộc khảo sát cho thấy chưa đến 1/3 người Philippines sẵn sàng tiêm phòng vì họ lo ngại về các tác dụng phụ.

MỚI - NÓNG