Catalonia: Khi số đông im lặng lên tiếng

Đám đông phản đối Catalonia độc lập giơ khẩu hiệu “Chúng ta tin tưởng vào Tây Ban Nha. Ảnh: SBS.
Đám đông phản đối Catalonia độc lập giơ khẩu hiệu “Chúng ta tin tưởng vào Tây Ban Nha. Ảnh: SBS.
TP - Nguy cơ khủng hoảng hiến pháp mà Tây Ban Nha đang phải đối mặt vẫn còn đó và có thể bước vào thời điểm quyết định trong tuần này, cho dù hàng trăm ngàn người được gọi là “số đông im lặng” vừa đổ xuống đường để phản đối ly khai.

Sau nhiều tháng đứng nhìn lực lượng đòi độc lập chiếm lĩnh các cuộc tranh luận công khai đòi độc lập cho Catalonia, cuối tuần qua, hàng trăm nghìn người Catalonia phản đối chia rẽ đã xuống đường để thể hiện ủng hộ đất nước thống nhất. Cảnh sát Barcelona ước tính khoảng 350.000 người tham gia biểu tình, trong khi Societat Civil Catalana, nhóm tổ chức cuộc biểu tình, đưa ra con số 930.000 người.

Vẫy cả cờ Tây Ban Nha và cờ Catalonia, người biểu tình ca ngợi hành động của chính phủ Tây Ban Nha nhằm ngăn chặn cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân có tính chất biểu tượng, và chỉ trích các chính trị gia địa phương đang khuyến khích việc ly khai khỏi Tây Ban Nha.

Ảnh bìa các tờ báo ở Tây Ban Nha số ra hôm qua tràn ngập ảnh biểu tình, với những bình luận như “số đông im lặng” cuối cùng đã lộ diện... Trong khi đó, những tờ báo ủng hộ độc lập cho rằng nhiều người biểu tình có thể đến từ những khu vực ngoài Catalonia. Ông Raul Romeva, quan chức phụ trách ngoại giao của Catalonia, nói rằng đã có những cuộc biểu tình đòi độc lập lớn hơn của người Catalonia và cần được Madrid giải quyết.

Người biểu tình ở Catalonia đề cao những khẩu hiệu tương tự những cuộc biểu tình ở Madrid và ở khoảng 50 thành phố khác trên khắp Tây Ban Nha để kêu gọi các bên đối đầu ngồi lại với nhau. Câu hỏi đặt ra hiện nay là, khi chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa là đến hạn chót mà Thống đốc Catalonia, ông Carles Puigdemont, tuyên bố độc lập, phải chăng những người ủng hộ đất nước thống nhất đã lên tiếng quá muộn. Nhiều cách giải thích đã được đưa ra cho câu hỏi vì sao khi hầu hết người Catalonia không muốn tách khỏi Tây Ban Nha lại để những người đòi ly khai tiến quá gần mục tiêu của họ đến như vậy?

Đảng của Thống đốc Puigdemont và các đồng minh liên tục thất bại trong việc giành ủng hộ của số đông. Trong cả cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân bị gián đoạn hôm 1/10 lẫn cuộc bỏ phiếu tương tự trước đó vào năm 2014, tỷ lệ người bỏ phiếu ủng hộ độc lập đều chỉ ở mức hơn 40%.

Nhưng trong phe phản đối ly khai cũng đang bị chia rẽ. Đảng Nhân dân bảo thủ do Thủ tướng Mariano Rajoy dẫn dắt không được ủng hộ rộng rãi ở Catalonia. Đảng Xã hội, phe đối lập chính ở Tây Ban Nha, đang bị chia rẽ ở cấp lãnh đạo. Đảng Xã hội Catalonia phản đối độc lập nhưng không muốn cùng phe với Thủ tướng Rajoy, đặc biệt nếu ông quyết định áp dụng cơ chế quản lý trực tiếp từ Madrid.

Catalonia: Khi số đông im lặng lên tiếng ảnh 2 Đám đông phản đối Catalonia độc lập giơ khẩu hiệu “Chúng ta tin tưởng vào Tây Ban Nha. Ảnh: SBS.

 Tiến thoái lưỡng nan

Theo giới phân tích, giờ đây khi “số đông im lặng” cuối cùng đã xuống đường, Thống đốc Puigdemont phải đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự. Nếu ông tiếp tục kế hoạch tuyên bố độc lập cho Catalonia trong tuần này thì vấn đề trước tiên và lớn nhất của ông không phải với Thủ tướng Rajoy, với Lực lượng bảo vệ dân sự Tây Ban Nha (Guardia Civil) hay sự quản lý trực tiếp từ Madrid, mà đến từ rất nhiều người dân Catalan không ủng hộ ông.

Trong lúc đó, Thủ tướng Rajoy không nên phạm sai lầm khi lý giải cuộc biểu tình cuối tuần qua của phe phản đối độc lập là sự ủng hộ quan điểm được cho là cứng nhắc và không chịu thỏa hiệp của ông, giới quan sát nhận định. Cách tốt nhất đối với ông có thể là sử dụng quyền hiến định để kêu gọi tổ chức cuộc bỏ phiếu mới ở Catalonia. Kết quả bỏ phiếu mới có khả năng thay ông Puigdemont bằng một nhân vật được ủng hộ hơn.

Với không khí hiện nay ở Barcelona, một cuộc bỏ phiếu mới có thể dẫn đến việc liên minh đòi độc lập mất quyền kiểm soát trong hội đồng lập pháp Catalonia. Một kết quả như vậy sẽ trở thành chiến thắng ồn ã đối với những người Catalonia im lặng, cho dù chưa phải kết thúc của vấn đề.“Dù chúng ta làm gì thì đó cũng cần là chiến thắng cho cả hai phe, nếu không nguy cơ đối đầu sẽ vẫn còn đó”, báo Anh The Guardian dẫn lời chị Ana, một người dân ở Barcelona.

Theo Theo The Guardian, CNBC
MỚI - NÓNG